Cô Ba Sài Gòn là bộ phim thứ 3 mà Ngô Thanh Vân đóng vai trò là nhà sản xuất, là hành trình của Như Ý – con gái của chủ hiệu may Thanh Nữ, 9 đời may áo dài nức tiếng cả Sài thành – vô tình xuyên không đi đến tương lai. Đối diện với hoàn cảnh gia đình đang dần đi vào ngõ cụt, cô phải đi tìm lối thoát cho bản thân, chuộc lại lỗi lầm năm xưa và khôi phục thanh danh của Thanh Nữ.
Nói một chút về Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, tôi nghĩ đây là thất bại của Ngô Thanh Vân bởi cô ôm đồm quá nhiều vai trò (đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, diễn viên) khi khả năng đạo diễn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, sang đến Cô Ba Sài Gòn thì phần lớn điểm yếu từ Tấm Cám đã được khắc phục. Ngô Thanh Vân đã biết phân chia vai trò ra cho các tên tuổi khác sao cho hợp lý. Bộ phim lần này được dàn dựng bởi Trần Bửu Lộc và đạo diễn/biên kịch Kay Nguyễn, cô chỉ tham gia với tư cách là nhà sản xuất và diễn viên. Bởi vậy mà phim mới đã phần nào lấy lại uy tín cho Ngô Thanh Vân.
Về tổng thể, phim khá chỉn chu và cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh. Đoạn clip đầu phim cho thấy những hình ảnh của Sài Gòn thập niên 60, hẳn sẽ gợi lại rất nhiều kỷ niệm cũ cho lớp khán giả lớn tuổi, chỉ tiếc là phân cảnh thuộc về thập niên 60s chiếm thời lượng khá ít, không như mong đợi. Màu phim tươi sáng nhưng không quá lòe loẹt như Tấm Cám. Trang phục và tạo hình rất bắt mắt, bối cảnh đẹp, cho thấy sự tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng về thời trang qua thời gian. Âm nhạc ổn, bắt tai và mang không khí hoài cổ. Yếu tố thần thoại từ Tấm Cám sang Cô Ba Sài Gòn đã được tiết chế hợp lý, khiến cốt truyện thêm phần thú vị.
Tuy nhiên, phim vẫn vấp phải những lỗi rất cơ bản và phổ biến của phim Việt là lời thoại gượng ép. Việc cố gắng đưa chất giọng và cách phát âm của người miền Nam xưa lên phim chưa được các diễn viên xử lý tự nhiên, vẫn còn hơi phô và ngượng nghịu. Ngoài ra, có vài phân đoạn mang nặng ảnh hưởng của The Devil Wears Prada, nhưng không đáng kể.
Diễn xuất của dàn diễn viên phụ khiến tôi rất thích, nhất là nhân vật cô lao công và vai bà An Khánh của cô Hồng Vân, cả hai đều diễn và thoại rất tự nhiên, biến tấu ngôn ngữ rất hợp thời. Diễm My 9x diễn khá tốt, vừa vặn và không bị lố, ngoại trừ kiểu tóc của cô thì tôi không thể cảm thụ nổi. Còn lại đều tròn vai, đủ để khán giả nhớ mặt ‘điểm danh’, riêng chàng Nguyễn Cao Sơn Thạch (ST) vai Tuấn hẳn là người đáng chán nhất so với cả dàn ‘nữ quyền’. Mặt đơ, thoại nặng nề, y như đọc thuộc lòng, và vai của anh cũng nhạt y như cách diễn của anh.
Vai Như Ý của Ninh Dương Lan Ngọc khiến tôi hơi thất vọng bởi cách xây dựng nhân vật rất đáng ghét. Đoạn đầu phim thì có thể hiểu được, bởi tính cách của nhân vật khi ở thập niên 60 là có tài, có tham vọng, mới tạo được chút tiếng tăm đã tỏ ra kiêu ngạo, không hiểu được giá trị của chiếc áo dài - vốn đã gắn liền với thương hiệu Thanh Nữ. Về sau, khi xuyên không đến thế kỷ 21, nhìn thảm cảnh mà chính bản thân mình gây ra thì đáng lẽ phải dần dần ý thức được vị trí và điểm xấu, điểm yếu của bản thân mà cố gắng thay đổi thì tình tiết mới trọn vẹn và thuyết phục. Ăn nhờ ở đậu người ta, được người ta giúp đỡ, chưa cảm ơn được câu nào lại cứ gặp ai cũng hất mặt, ưa coi trời bằng vung, lại còn suốt ngày đổ lỗi hết người này đến người kia chứ không chịu nhìn lại mình. Chi tiết cô nhớ về khung cảnh xưa khi mẹ cô vẫn còn sống rất hời hợt, không phục vụ gì mấy cho sự phát triển tính cách và nội tâm nhân vật.
Thêm nữa là đoạn đối thoại giữa Như Ý của quá khứ và Như Ý của tương lai cứ dài dòng và vòng vo khiến người ta mắc mệt. Mà rốt cuộc xem cuộc đối thoại đó xong tôi cũng không hiểu dụng ý của đạo diễn và biên kịch muốn truyền tải là gì. Ninh Dương Lan Ngọc có vẻ như bê nguyên cách diễn của vai Cám sang Cô Ba Sài Gòn thì phải. Những phân cảnh liếc xéo, trợn mắt, thái độ đỏng đảnh vẫn thấp thoáng hình ảnh của Cám đâu đây. Ngoài ra diễn xuất của Lan Ngọc cũng hơi ồn ào. Kiêu thì kiêu chứ cũng không cần phải lố vậy đâu, Lan Ngọc ơi!
Tình tiết phim đôi chỗ bất hợp lý. Nhà sắp sửa bị siết, ở đầu phim thì hoang tàn và hầu như chả còn đồ đạc gì quý giá, vậy mà lúc Như Ý bắt đầu hòa nhập ở tương lai thì chả hiểu cô lôi ở đâu ra nào giày, nào bốt cao gót, quần áo lụa là mới tinh tươm, tóc được duỗi thẳng, sáng trưa chiều tối lúc cũng son phấn đậm trong khi bữa cơm với bà An Khánh thì chỉ có rau với trứng chiên?! Cuộc sống của cô ở thế giới tương lai vẫn có cảm giác quá dễ dàng, chả có khó khăn gì mấy ngoại trừ việc lạ lẫm với công nghệ. Còn phân đoạn khi An Khánh đến xin Thanh Loan dạy mình may áo dài, đáng lẽ Như Ý cũng phải đến, từ đó mới cho thấy sự đoàn kết của cả hai bản thể, đồng thời sự thay đổi trong tính cách của Như Ý mới có chỗ phát triển. Đằng này chỉ có mỗi An Khánh xuất hiện, thành ra cuối cùng tính cách của nhân vật An Khánh được phát triển hợp lý hơn nhân vật Như Ý.
Nhưng nói chung Cô Ba Sài Gòn làm khá tốt, tròn trịa, mạch phim diễn biến vừa phải, nếu khán giả không quá khó tính thì đây là một bộ phim đáng xem.