Một bộ phim không có kịch tích, không có cao trào, nhưng là những cảm xúc đong đầy của một thời học sinh thơ mộng.
Đó là những gì tôi cảm nhận sau khi xem xong Cô Gái Đến Từ Hôm Qua.
Bộ phim làm từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, đã đi cùng với một thế hệ học trò cách đây 10-20 năm, được đánh giá là một tác phẩm xuất sắc nhưng rất khó để chuyển thể thành phim. Tuy nhiên đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã đầu tư rất nhiều tâm huyết để truyền tải tinh hoa của cốt chuyện, xen kẽ những màu sắc tươi mới các nhân vật, các góc quay đẹp và kỹ xảo hợp lý. Phim khai thác câu chuyện của cậu bé Thư và cô bé Tiểu Li gặp lại nhau khi cả hai đã lên cấp 3 (Tiểu Li tên thật là Việt An). Thư đem lòng yêu Việt An nhưng không nhận ra người bạn thơ ấu, và thế là những chuyện dở khóc dở cười của nhóm bạn 4 người (cùng Hải gầy - bạn thân Thư và Hồng Hoa - bạn thân Việt An) bắt đầu.
Bộ phim là một cú hích với những kẻ hoài cổ khi nó mang về cái theme của những năm 90 một cách vẹn nguyên và tròn đầy. Những cậu trò 8x, 9x đời đầu chắc chẳng còn lạ gì với chiếc xe đạp Phượng Hoàng hay chiếc xe 82 là phương tiện di chuyển “hạng sang”. Ở thời ấy, công cụ giải trí kì diệu là đống truyện tranh Đô-rê-mon, Bảy Viên Ngọc Rồng cũ mèm, là những cuốn tiểu thuyết tình yêu dịch từ nước ngoài. Âm nhạc chẳng có gì hơn là những album hit của anh hai Lam Trường với Tình Thôi Xót Xa, Em Là Ánh Sáng Đời Tôi và sau đó là Đan Trường với Tình Khúc Vàng, Kiếp Ve Sầu. Nơi trút bầu tâm sự, bày tỏ những tình cảm sến súa không nói được trực tiếp với nhau thì chỉ có cách qua chiếc cassette hằng đêm với Quà Tặng Âm Nhạc hoặc những bức thư tình e thẹn mãi không dám gửi cho nhau…
Trang phục trong film cũng được đầu tư khá kỹ lưỡng và chọn lọc cho hợp với bối cảnh. Nữ thì áo dài trắng học sinh khi đi học, váy hoa hoặc chấm bi khi đi chơi, để tóc dài hoặc ngắn ngang vai xoăn nhẹ, hoặc buộc bím 2 bên; nam quần ống bom sơ vin cạp cao đi dép quai hậu hoặc dép cao su khi đi học, quần jean thụng áo thun, mũ phớt hoặc berret khi đi chơi, tóc rẽ ngôi hoặc cắt kiểu nghiêm túc… Các background trong phim cũng đem về ký ức nghịch ngợm của thời học sinh bằng những hàng quà vặt ngoài cổng trường, những trò chơi từ của lũ trẻ con như “bắn bi”, “thổi bóng bay từ nhựa dẻo”, “bắn chim”, “viết sổ bí mật” hay của lũ quỷ học trò cấp 3 như “tụt quần búng tr*m”, “tr*m đâm cột nhà” rất phổ biến thời bấy giờ… Xen kẽ vào khung cảnh cuộc sống là hình ảnh các rạp chiếu bóng cũ kỹ, các tấm biển bảng được vẽ tay, viết phấn, những bàn trà thuốc Lào hoặc tiệm cắt tóc dạo ven đường... Tất cả sau cùng được nhuộm lên một màu phim hơi ngả vàng, khiến cho những ký ức năm xưa được quay trở lại một cái tự nhiên và êm đẹp, nhất là với những cậu nhóc, cô nhóc lớn lên từ vùng ven đô.
Âm nhạc được sử dụng trong phim là một điểm cộng cho việc cộng hưởng chất thơ, chất họa. Những ca khúc cũ của Lam Trường gợi lại một kỷ nguyên đổ bộ của nhạc tình yêu học trò ngày ngày ca cẩm “Từ khi bên em, anh đã biết bối rối…”. Sự xuất hiện của Trúc Nhân với việc cover Phượng Hồng hoặc Người Ta Nói của Ưng Hoàng Phúc khá phù hợp với tâm trạng của các nhân vật. Theo đánh giá chủ quan, hình tượng Trúc Nhân trong các phân cảnh xuất hiện đã được lựa chọn khéo léo, chủ yếu vào những lúc nhân vật Thư rơi vào cảnh khó khăn, thất tình… giống như cách các bà tiên hay xuất hiện trong các phim ca nhạc của Disney để gửi lời động viên đến các chàng trai, cô gái tội nghiệp vậy. Điều này giúp cho chất lãng mạn của phim tăng thêm một cung bậc nữa.
Sự lựa chọn về ngôn ngữ hoặc những câu thoại trong bộ phim là điểm gây tranh cãi. Có người nói rằng lời thoại quá sến súa, không hợp với thực tế, lại có người khen những câu vè “Ve vẻ vè ve, cái vè lá lốt” hoặc “Đàn ông chơi với đàn bà, thể nào cũng đẻ ra vài đứa con”, hay chân lý kinh điển “Theo tình tình chạy, bỏ tình tình theo” là sát thực… Về điều này, cá nhân tôi đánh giá sự sến súa trong phim là có cơ sở. Sự khác nhau giữa môi trường lớn lên của mỗi người dẫn tới việc cảm nhận ngôn từ có khác nhau. Chàng trai lớn lên từ vùng ven thành phố, trải qua những cuộc tình ngượng ngùng khi bị bè bạn phát hiện và trêu chọc, vượt qua sự xấu hổ của mình để thể hiện những hành động sến súa khi đưa quà đưa thư, hay sử dụng những câu nói được sao chép từ trong sách vở tình yêu là những gì tôi và bạn bè tôi đã trải qua. Do vậy, ngôn ngữ sử dụng trong phim có thể sẽ là điểm cộng khi nó khơi gợi được một quá khứ lãng mạn và tươi đẹp đối với những người có hoàn cảnh phù hợp, nhưng sẽ là điểm trừ với các chàng trai, cô gái thực tế hơn một chút, hoặc “nerd” hơn một chút.
Các nhân vật là những hình tượng “kinh điển” của thời học sinh: Cô gái xinh đẹp học giỏi / Chàng trai nghịch ngợm lười học / Cậu bạn thân quân sư quạt mo / Cô bạn thân đanh đá chành chọe / Lớp trưởng cũng xinh đẹp học giỏi mà còn lạnh lùng / Ông bảo vệ già nghiêm khắc hay đi bắt học sinh vi phạm / Cô giáo văn lãng mạn… Những mối quan hệ hay mâu thuẫn cũng thuộc loại “kinh điển” nốt: Giáo viên bắt phạt học sinh một cách cứng nhắc / Tình cảm thày trò bị cấm đoán / Trèo tường trốn học bị bắt lại / Tỏ tình bị từ chối… Việc sử dụng các hình tượng cùng các mối quan hệ này tạo được sự hài hước cho bộ phim và cảm giác thân quen để lôi kéo sự đồng cảm của khán giả, nhưng lại không tạo được những bất ngờ hay nút thắt nên có cho người xem vì nó đã quá cũ.
Điểm cộng cuối cùng tôi cho rằng đó là sự xuất hiện của cặp Thư – Tiểu Li nhí. Diễn xuất rất đạt, nhất là cô bé Tiểu Li đã gợi hình tượng của “cô bé hàng xóm” – mối tình đầu thời con nít một cách xuất sắc. Việc xen kẽ khung cảnh quá khứ, hiện tại hợp lý cũng làm khán giả thấu hiểu thêm tính cách của Thư Thơ Thẩn và Việt An khi trưởng thành. Trong sự phối hợp cũ - mới này, các ẩn dụ bằng kỹ xảo 3D (hóa cá, hóa chim) khá hợp lý, nó giúp cho người xem cảm nhận được cảm xúc của nhân vật được cụ thể bằng hình ảnh, đồng thời là cách “châm biếm” nhẹ nhàng về chất sến của tình yêu học trò.
Điểm trừ lớn nhất có lẽ nằm ở mạch phim. Rõ ràng, không hề có một nút thắt nào đủ lớn để người xem phải dừng lại suy ngẫm, cũng không có sự xuất hiện của nhân vật phản diện hay hình ảnh tương phản nào đủ lớn để làm đòn bẩy, kéo rút lại sự lê thê của cách truyền tải các thông điệp trong phim. Thêm nữa, ảnh hưởng của môi trường lớn lên có tác động rất lớn tới việc cảm nhận phim, do vậy, những ai có quá khứ khác với bối cảnh của các nhân vật chính sẽ cảm thấy phi logic, phi thực tế, kết cấu lỏng lẻo và nhạt nhẽo.
Tuy nhiên, như đã nói từ đầu, bộ phim là những cảm xúc đong đầy dàn trải của một thanh xuân cuồng nhiệt, vô tư, hết mình với tình yêu, hết lòng với bạn bè, sống cùng những buồn giận vô cớ, những niềm vui nhỏ bé nhưng cũng hết sức dễ thương… Sau bộ phim, có lẽ bạn chẳng thèm nhớ về Thư, về Việt An nữa đâu, mà bạn sẽ nhớ về mình, của những ngày tháng ấy, khi mà tiếng ve bắt đầu cất lên và màu phượng đỏ rực, những chàng trai bắt đầu mơ mộng nuối tiếc xa xăm, và những cô gái bắt đầu chuyền tay nhau những cuốn lưu bút nhuộm màu…