Crime scene: The Vanishing at the Cecil Hotel (Netflix) là bộ phim tư liệu về vụ án nhuốm màu bí ẩn của cô sinh viên người Canada Elisa Lam. Vào tháng 2 năm 2013, Elisa Lam đặt chân đến khách sạn Cecil tại LA, Mỹ, nhưng đến hẹn lại không trả phòng. Sau nhiều ngày tìm kiếm, thi thể của cô được phát hiện tại thùng nước trên tầng thượng của khách sạn. Cảnh sát được triệu tập. Công cuộc điều tra bắt đầu. Nhưng không kẻ tình nghi nào bị bắt giữ. Vụ án này rốt cuộc là gì? Án mạng hay tai nạn?
Bộ tư liệu dài 4 tập này tái hiện 2 dòng thời gian trong vụ án của Elisa Lam. Một ở quá khứ. Một ở hiện tại. Cùng với đó là 2 tuyến truyện. Một về Elisa và còn lại là lịch sử bạo lực của khách sạn Cecil. Các cảnh phim đều được dựng nên từ lời kể của những cá nhân liên quan trực tiếp đến vụ án và những người bị cuốn theo sự bí ẩn của nó. Phim cũng giải mã những bí ẩn về đoạn video thang máy nổi tiếng – thứ đã biến Elisa Lam thành một truyền thuyết thành thị.
Các tình tiết được rải khắp phim. Nếu muốn tìm hết các mảnh ghép, người xem phải kiên nhẫn đến hết ít nhất là 3 tập đầu nên Crime scene: The Vanishing at the Cecil Hotel dễ dàng giữ màn lật tẩy trọng tâm bí mật đến phúc cuối cùng. Từ đó, phim xây dựng bầu không khí bí ẩn và gây cấn, vừa kịp lúc khơi dậy trí tò mò của người xem.
Tuy nhiên, nhiều tình tiết trong đây không hẳn giúp gì được cho việc làm sáng tỏ vụ án, mà chỉ được thêm vào như một cách để câu giờ, khiến phim nhiều lúc dài dòng không cần thiết. Trên thực tế, Crime scene: The Vanishing at the Cecil Hotel có thể được gom lại thành một phim tư liệu dài hơn 1 tiếng rưỡi, tối đa 2 tiếng, không nhất thiết phải kéo dài đến 4 tập phim. Hậu quả là nhiều cảnh trong phim được lặp đi lặp lại nhiều lần. Chúng làm quá trình xem phim trở nên khó chịu. Đan xen các tình tiết ngoài lề cũng khiến phim lan man.
Ngoại trừ thời lượng không hợp lý, đây là một bộ tư liệu được làm chỉnh chu. Các tập phim được xây dựng tử tế, từng bước từng bước lột bỏ các vỏ bọc bí ẩn bao quanh vụ án và giải mã video thang máy nổi tiếng. Việc đó rõ ràng làm mất đi tính ghê rợn bủa vây cái chết của Elisa Lam, nhưng sự thực lại có cơ hội lên tiếng.
Crime scene: The Vanishing at the Cecil Hotel là lời giải đáp cho các bí ẩn xoay quanh vụ án của Elisa Lam và bộ tự liệu đã diễn giải những đáp án đó một cách thuyết phục. Vấn đề nằm ở chỗ liệu khán giả có tin hay không. Việc đó hoàn toàn nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bộ tư liệu và đội ngũ sản xuất. Có lẽ đây mới là tinh thần của phim. Nó không chỉ lật lại một vụ án chấn động mà còn phản ánh vấn đề thời sự đang hoành hành trong thời đại của chúng ta.
Điều gì khiến Elisa Lam trở nên nổi tiếng đến vậy? Một điều chắc chắn là câu trả lời không nằm ở cách cô rời bỏ thế giới, mà ở cách người khác phản ứng với cái chết của cô. Internet đã biến bi kịch của Elisa thành một câu chuyện kinh dị thành thị. Nghe có vẻ như vô hại, nhưng chính sự tham gia của cộng đồng mạng đã khiến vụ án chệch hướng, nhiễu loạn thông tin và chĩa mũi dùi vào một người không hề liên quan.
Vụ án của Elisa Lam có thể được gọi là một cơn bão hoàn hảo. Một vụ mất tích và tử vong có thể được giải mã như bao vụ khác lại bị mắc kẹt trong một loạt các yếu tố không thể kiểm soát được. Tại thời điểm điều tra, sở cảnh sát LA lại đứng trước một cơn khủng hoảng. Chính sĩ quan của họ lại trở thành kẻ đi săn lùng các đồng nghiệp của anh ta. Internet bùng nổ, nhiều người trên khắp thế giới bắt đầu đưa tin và mổ xẻ vụ án, đẩy bi kịch của cô gái trẻ thành một hiện tượng siêu nhiên. Qúa trình tìm kiếm ban đầu không được kỹ càng. Nhân viên khách sạn và cảnh sát không có sự giao tiếp hiệu quả, khiến hướng điều tra bị chệch.
Bi kịch mang tên Elisa Lam cũng bóc trần những khía cạnh có thể diễn tả thế giới phẳng ngày ngay. Tin giả, thuyết âm mưu và nhiều loạn thông tin làm lòng tin ngày càng trở thành một món hàng đắt giá. Sự thèm khát khẳng định bản thân trên mạng khiến chúng ta không còn hứng thú với sự thật không có chút bí ẩn nào và mở lòng chào đón sự giật gân hơn mức cần thiết.
Đó là những gì thuyết âm mưu đem lại. Chúng thỏa mãn nhu cầu được cảm thấy đúng đắn, đặc biệt. Nếu chúng ta thực sự có thể giải quyết một vụ án mạng bí ẩn hoặc đòi lại công lý cho nạn nhân, có lẽ chúng ta không phải là một đốm sáng tầm thường trong cuộc sống.
Điều đáng buồn ở đây là Crime scene: The Vanishing at the Cecil Hotel đã không thực sự để tâm đến chính Elisa Lam, mà chỉ chăm chăm khai thác khía cạnh giật gân mà cái tên này đem lại. Phim đã trở thành chính những "thám tử mạng" mà nó muốn lên án. Vì thế mà phim trở nên lạnh lùng.
Có thể nó đã đạt được mục tiêu giải mã vấn đề, nhưng thay vì thêm thắt những chi tiết không cần thiết hay lặp lại cùng một cảnh phim khá nhiều, bộ phim nên dành thời gian phỏng vấn những nạn nhân khác của vụ án như gia đình của Lam, những người đã chịu đựng nỗi đau mất đi người thân và cũng là người gần gũi với Elisa nhất. Như vậy, phim truyền tải được con người thực sự của Lam đến với người xem.
Nhưng Crime scene: The Vanishing at the Cecil Hotel đã bỏ lỡ cơ hội và điều đọng lại cho người xem ở cuối phim là một cô gái chịu đựng chứng bệnh tâm thần vô tình trở thành tâm điểm chú ý ở phút cuối đời, thay cho một người đã dũng cảm chống chọi với tâm trí bất ổn để tìm ý nghĩa trong cuộc sống của bản thân.
Crime scene: The Vanishing at the Cecil Hotel là một bộ phim tư liệu đạt chuẩn về mặt nội dung, ít nhất là theo hướng đi nó muốn hướng tới. Nhưng bộ phim này vẫn là một bước lùi so với các dự án tương tự mà Netflix đã sản xuất như Don’t Fuck with Cats (2019) hay Making a Murderer (2015 - 2018).