Cửu Long Thành Trại: Vây Thành đối với khán giả 8x, 9x mang dáng vẻ hoài niệm. Với lứa khán giả trẻ hơn, đây là một cú chạm mặt sôi nổi với điện ảnh Hồng Kông trong kỷ nguyên hiện đại. Nhưng một điểm chung là bộ phim này là một trải nghiệm xứng đáng.
Một tiếng gọi về quá khứ
Dựa trên loạt truyện tranh City of Darkness của tác giả Andy Seto và cuốn tiểu thuyết Cửu Long Thành Trại do nhà văn Yu Yi chấp bút, Cửu Long Thành Trại: Vây Thành kể về thiếu niên Trần Lạc Quân (Lâm Phong), một người tị nạn, đặt chân đến đất Hồng Kông những năm 90 với hy vọng có thể bắt đầu cuộc sống mới.
Sau thời hoàng kim của Tâm Trạng Khi Yêu, Trùng Khánh Sâm Lâm, Thập Diện Mai Phục...điện ảnh Hồng Kông đang chật vật tái định hình bản sắc trong thời đại mới. Nói là thế, đến Cửu Long Thành Trại: Vây Thành đã chứng tỏ sức sống của nền phim ảnh ấy vẫn còn rất mạnh mẽ.
Cửu Long Thành Trại: Vây Thành có thể nói là nút chuyển giao của quá khứ và hiện tại. Nó vừa làm sống lại một bản sắc kinh điển lâu đời, vừa thể hiện tinh thần học hỏi không ngừng khi tiếp nhận những dấu ấn của các nền điện ảnh lân cận, từ đó tạo nên một bộ phim hành động xuất sắc. Tất nhiên, công cán phải kể đến dàn diễn viên 3 thế hệ của phim nữa.
Cửu Long Thành Trại: Vây Thành: Kết tinh của nhiều nền điện ảnh
Những gì không hỏng thì đừng sửa. Điện ảnh Hồng Kông ghi dấu ấn mạnh mẽ với thể loại phim tội phạm băng đảng của họ. Vậy tại sao bản sắc ấy không thể trở thành một tiền đề cho những phần phim điện ảnh tương lai. Nhiều người có thể nói đó là lối mòn, nhưng nếu được khai thác dưới góc độ mới mẻ và lôi cuốn, đó là phát triển và mở rộng sự kinh điển.
Cửu Long Thành Trại: Vây Thành là một phim hành động điển hình, sở hữu một nhịp điệu nhanh, đầy hành động, câu chuyện dễ hiểu và phần hình ảnh trau chuốt sắc lẹm. Quyết định lấy bối cảnh những năm 90 tạo điều kiện tuyệt vời cho đạo diễn Trịnh Bảo Thụy vận dụng tông màu và bối cảnh cũ kỹ của Hồng Kông, gợi về một lối sống và những con người rất hiếm khi còn thấy ở khu đô thị nhộn nhịp bật nhất châu Á - băng đảng và tình anh em xã hội.
Khỏi phải nói Cửu Long Thành Trại: Vây Thành mang đến cảm giác hoài cổ đến thế nào. Về cốt lõi, Cửu Long Thành Trại: Vây Thành không khác mấy những bộ phim gangster ở thập niên cũ. Thế giới trong đây tồn tại dựa trên máu đổ, quy tắc ngầm và tình anh em kết nghĩa.
Điện ảnh Hồng Kông không cổ súy cho sự vô nhân đạo, nhưng cũng không bóp méo sợi dây gắn kết giữa những tay anh chị này. Không chịu ảnh hưởng quá nhiều của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho bộ phim tái xuất hình ảnh xã hội đen phức tạp gắn liền với nguồn gốc của vùng đất, tạo nên những hình tượng đa chiều cho phim ảnh. Cửu Long Thành Trại: Vây Thành không ngoại lệ.
Nhưng bộ phim cũng mang cảm giác giao thời, nơi những chiến binh kỳ cựu sắp phải gác kiếm, dẫn đến dấu chấm hết thời đại tung hoành của họ. Không ai đứng trước thời điểm đó mà không ngẫm nghĩ về phần đời đã qua. Từ đó, bộ phim có thể chăm chút cho chủ đề của nó một cách mượt mà.
Từ dàn nhân vật kéo dài hai thế hệ, trước thời điểm lịch sử của vùng đất, bộ phim lột tả những câu hỏi về bản sắc, gia đình, khát vọng được thuộc về, quá khứ và tương lai, thậm chí là chính trị, đã thúc đẩy con người thời ấy đến đâu.
Tiếc thay, không phải khía cạnh nào cũng được thể hiện một cách sâu sắc. Lấy nhân vật Trần Lạc Quân làm trung tâm, điểm nhấn của Cửu Long Thành Trại: Vây Thành là cuộc vật lộn và khát vọng được sống của anh trước định mệnh dường như luôn chống lại mình.
Bất chấp bối cảnh của nó, bộ phim càng về sau lại càng mang tính chất cá nhân hơn là đem đến góc nhìn mang tính thời đại. Như thế không sao cả. Hành trình của Trần Lạc Quân bụi bặm, khốn khổ nhưng chưa bao giờ chịu đầu hàng trước sóng gió là một điểm nhấn đầy thu hút, nhất là khi nó giao thoa với các tuyến truyện và nhân vật khác.
Động năng của Cửu Long Thành Trại: Vây Thành là một yếu tố nữa đáng chú ý. Bộ phim hành động này cân bằng hàng thập kỷ điện ảnh hành động Hồng Kông với những nét chấm phá ngoại lai một cách đáng kinh ngạc.
Yếu tố võ hiệp của xứ Cảng Thơm là không lẫn vào đâu được, nhưng trận chiến về tổng thể vẫn ánh lên nhè nhẹ dấu ấn Nhật Bản, diễn ra trên nền âm thanh dồn dập mang tính sử thi của guitar điện. Còn các góc quay gợi nhớ đến John Wick của Hollywood.
Bối cảnh Cửu Long Thành một lần nữa được phát huy khi đóng góp cho bộ phim sự ngộp thở căng thẳng, thúc đẩy những màn đánh đấm ác liệt hơn. Phong cách chiến đấu kết hợp giữa nắm đấm và lưỡi kiếm, thể hiện càng cao tính cá nhân và sự lộn xộn có chủ đích được trau chuốt mượt mà. Yếu tố võ thuật ở đây có chút không tưởng nhưng không bao giờ vượt quá giới hạn chấp nhận được.
Cửu Long Thành Trại: Vây Thành máu lửa với năng lượng bùng nổ, kết hợp CGI lẫn hiệu ứng thực tế, tạo nên một trải nghiệm phim ảnh sôi động và thu hút bởi màn thể hiện của dàn diễn viên tài năng. Tuy nhiên, nếu nói Cửu Long Thành Trại: Vây Thành không có điểm trừ sẽ là nói dối.
Bối cảnh Cửu Long Thành nhìn tổng thể khá ấn tượng về mặt CGI, nhưng nếu săm soi kỹ sẽ thấy một vài chỗ hơi cứng. Bên cạnh phần quay quay hành động vẫn cần một chút cải thiện, câu chuyện mang đậm yếu tố “soap-opera” quen thuộc của TVB khiến phim đôi lúc như được cấu thành từ một loạt các tập phim truyền hình được trình chiếu liên tục, nhưng lâu lâu thiếu đi một số mắc xích một cách kỳ lạ.
Cửu Long Thành Trại: Vây Thành dành cho ai?
Thật đáng mừng là Cửu Long Thành Trại: Vây Thành không có ý định trở thành một siêu phẩm, nên những điểm thiếu sót không mấy ảnh hưởng quá nhiều đến câu chuyện.
Phim hành động là để giải trí. Về điểm này, Cửu Long Thành Trại: Vây Thành hoàn thành đúng điệu. Kịch bản không lớn lao, nhưng vẫn mang ý nghĩa, bộ phim hoàn toàn có thể thu hút được khán giả đại chúng lẫn những ai yêu thích phim Hồng Kông, đặc biệt là với chủ đề xã hội đen kinh điển của nền điện ảnh này.