Thoát khỏi lối mòn quen thuộc của TV series Hàn thường xoay quanh chủ đề về tình yêu, giới thượng lưu hay những khía cạnh tốt đẹp trong cuộc sống. D.P. ra mắt như một hương vị mới lạ giữa rừng K-drama ngập tràn trên Netflix hiện nay, đào sâu vào vấn nạn bạo lực trong quân đội từ đó khắc họa những hiện thực tàn khốc của một bộ phận xã hội. Ngay từ những ngày đầu công bố dự án, bộ phim đã thu hút khán giả bởi dàn diễn viên chất lượng với các gương mặt Jung Hae In, Kim Sung Kyun, Koo Kyo Hwan và Son Suk Ku.
Trong độ tuổi 18-28, tất cả nam công dân của Hàn Quốc đều phải thực hiện nghĩa vụ trong vòng 2 năm, nhưng trong số đó có không ít người nảy sinh ý định đào ngũ vì nhiều nguyên do khác nhau. Chính vì điều đó, trong quân đội của Hàn Quốc đã thành lập một bộ phận mang tên là Deserter Pursuit, nhằm truy đuổi và mang những kẻ đào ngũ quay trở lại.
Tựa phim D.P. chính là xuất phát từ đội ngũ này, bộ phim mang đến cho người xem một cái nhìn thẳng thắn và trực diện nhất vào cuộc sống ở quân đội Hàn Quốc, hiếm hoi có bộ K-drama nào trước đó làm điều này. Hơn hết, D.P. còn đánh dấu bước đột phá của Netflix khi mạnh tay đầu tư vào các bộ phim Hàn Quốc hướng đến đề tài hiện thực xã hội nhiều hơn, phá vỡ những nguyên tắc truyền thống của phim Hàn từ trước đến nay.
Dựa trên webtoon nổi tiếng D.P Dog Day, D.P. theo chân nam thanh niên Ahn Jun Ho (Jung Hae In) chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ nhập ngũ 2 năm. Ahn Jun Ho là một người có sức khỏe tốt, trầm tính, sở hữu trí thông minh tiềm ẩn. Nhìn ra được những tính cách ấy của Jun Ho, trung sĩ Park Beom Gu (Kim Sung Kyun) đã chọn anh vào lực lượng D.P. - truy bắt lính đào ngũ. Có được sự thông minh và tài quan sát nhạy bén thôi vẫn chưa đủ, thứ Jun Ho thiếu chính là kinh nghiệm, nên cấp trên đã cử Han Ho Yeol (Goo Kyo Wan) người đã từng làm ở D.P. để đồng hành cùng với anh trong các nhiệm vụ sắp tới.
Nhiệm vụ của cặp bài trùng này là được phép mặc đồ thường và ra khỏi quân đoàn trong một thời gian quy định để điều tra, lần theo dấu vết và bắt những kẻ đào ngũ quay trở về. Đằng sau đó, chúng ta mới có thể nhìn thấu được không phải tất cả những người đào ngũ đều vì tính lười nhác, mà có những người đằng sau họ là cả một câu chuyện cần được thương cảm.
Trong quá trình truy đuổi của Jun Ho và Ho Yeol để đưa lính đào ngũ quay lại, những sự thật về các các vụ bạo lực, quấy rối tình dục, hủy hoại thân thể cũng dần được phơi bày ở quân đoàn của họ. Bên cạnh đó, còn lên án cả hệ thống mục rữa của quân đội từ việc hối lộ thăng chức, đùn đẩy trách nhiệm cho đến chuyện những người có cấp bậc quân hàm cao hơn lại tự cho mình cái quyền chèn ép cấp dưới hay tân binh.
Mỗi tập phim là cuộc truy bắt những tên lính đào ngũ khác nhau và từ những câu chuyện của họ đã xâu chuỗi lại và dẫn đến một cao trào trong hai tập cuối. Ngoài những lý do đáng trách của một số bộ phận, có không ít người lính đào ngũ đều có câu chuyện ẩn đằng sau đó như ở một tập có một anh chàng đào ngũ vượt hàng rào kẽm gai và đi bộ đường núi 10km chỉ để bảo vệ người bà già yếu của mình đang sống đơn côi ở khu giải tỏa đất. Nhưng hầu hết những tên lính đào ngũ, khi được điều tra, họ đều từng bị bạo lực trong chính đội ngũ của mình. Huấn luyện nghiêm ngặt đã đủ mệt mỏi, thêm phần sức ép bị bạo lực trong quân đội đã dần bào mòn đi ý chí sống của họ.
K-drama để nói về chủ đề quân đội và đề cập sâu vào các vấn đề xã hội không nhiều. Nếu có như phim Hậu Duệ Mặt Trời (2016) thì chỉ là nhìn mặt những mặt tích cực của hệ thống chính trị này của Hàn Quốc. D.P. là một trải nghiệm lạ, cái nhìn thẳng thắn vào hiện thực tàn khốc của những bất cập trong quân đội đã để lại nhiều suy nghĩ âm ỉ trong lòng người xem.
Nếu tìm thông tin về nạn bạo lực quân đội ở Hàn Quốc trên các trang thông tin thì bạn sẽ thấy đó là một hiện thực khắc nghiệt như thế nào. Cái kết của phim cũng đã chỉ rõ ra được, đó là một vấn đề nhức nhối cần thay đổi và cần thời gian, nhưng thời gian hạn định là tới khi nào thì chẳng ai biết được chính xác cả.
Màu phim trầm và nội dung khá đen tối nhưng D.P. không quá nhàm chán để theo dõi như thế, bởi nhịp độ của bộ phim giữ được rất tốt xuyên suốt qua 6 tập. Những phân cảnh hành động và rượt đuổi cũng được tính toán xen kẽ hợp lý thu hút sự tập trung và mang lại cảm giác hồi hộp, phấn khích cho người xem.
Sự phối hợp của cặp bạn diễn Jung Hae In và Goo Kyo Wan là một điểm nhấn cho D.P. bên cạnh việc san sẻ và giúp đỡ nhau trong lúc làm việc, họ còn có những tính cách đối lập nhau đủ để tạo ra những pha tấu hài thoải mái cho người xem khi đang theo dõi một nội dung khá nặng nề như vậy.
Bên cạnh những điểm sáng, D.P. cũng có một số hạn chế nhất định, nhưng nó không phá hủy trải nghiệm của người xem mấy. Có thể nhắc đến quá khứ của Jun Ho khi chứng kiến người mẹ chịu sự bạo hành từ bố của mình, câu chuyện của anh được đưa ra ngay từ tập 1 của bộ phim, nhưng sự phát triển tâm lý của nhân vật Jun Ho và chi tiết quá khứ của anh trong phim lại được xây dựng khá qua loa, khác với những nhân vật phụ, điều đó giảm đi sự thấu hiểu nhất định dành cho nhân vật Jun Ho. Trong tập 1, một sự cố hy hữu đã xảy ra trong lần tác chiến đầu tiên của Jun Ho trong quá trình truy bắt kẻ đào ngũ, chi tiết đó khá đắt giá, nhưng lại không được giải quyết thỏa đáng và đặt để sang một bên khá nhanh chóng khi sang các tập sau. Điều đó dường như cũng làm mắt xích kết nối giữa các tập yếu đi hẳn. Và cái kết bỏ ngỏ của phim, khiến người xem tò mò và mong đợi một phần phim tiếp theo. Hay đây là sự dừng lại đúng lúc và hợp lý của D.P.?
Khá mừng khi Netflix đang dần có xu hướng đầu tư vào những K-drama nói về các vấn đề xã hội hơn, như các bộ phim trước đó Hoạt Động Ngoại Khóa (Extracurricular), Hướng Tới Thiên Đường (Move To Heaven). Gần 6 tiếng dành cho D.P. là một trải nghiệm đầy thú vị, vấn đề mà bộ phim đưa ra vẫn còn luôn âm ỉ trong xã hội Hàn Quốc bao thập kỷ qua, bộ phim liệu có đủ sức ảnh hưởng của mình đến việc thay đổi những quy tắc mục ruỗng này không, câu trả lời có lẽ phải đợi ở tương lai.