Đánh giá phim

[REVIEW] Đại Sư Huynh – Thông điệp ý nghĩa cho lứa tuổi học sinh

Trong những năm gần đây, phim về đề tài về học đường đã không còn xa lạ đối với tất cả mọi người. Muôn vàn các tác phẩm điện ảnh, dự án phim truyền hình nối tiếp nhau ra đời, trong đó không ít tác phẩm nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ khán giả. Có thể nói, phim thuộc đề tài này không quá kén người xem, như một nguồn tài nguyên dồi dào, có hàng trăm hàng ngàn khía cạnh thú vị để các nhà sản xuất, biên tập phim thoải mái khai thác và vẽ nên tác phẩm của riêng họ. Ở một diễn biến khác, dường như cái tên Chân Tử Đan đã trở nên quá quen thuộc đối với tín đồ phim điện ảnh, đặc biệt là những khán giả có sự yêu thích đối với thể loại phim hành động, võ thuật, sau hàng loạt các sản phẩm đình đám. Thậm chí, còn có tin đồn rằng chỉ cần là phim có sự góp mặt của ông thì sẽ mặc nhiên kéo được không ít khán giả tới rạp. Vậy nên sự kết hợp 2 trong 1 giữa thể loại học đường và võ thuật trong Đại Sư Huynh của Chân Tử Đan sẽ hấp dẫn đến dường nào?

Mặc dù đã có không ít kinh nghiệm diễn xuất nhưng bộ phim Đại Sư Huynh là dự án phim đầu tiên của Chân Tử Đan về học đường. Lần đầu thử sức với một bộ phim có nội dung khá lạ so với các tác phẩm trước đó, đối với Chân Tử Đan đây chính là cơ hội để làm đa dạng hóa nhân vật của ông, về phần khán giả đây cũng chính là dịp để họ có thể thưởng thức một bộ phim “lạ miệng” hơn nhưng vẫn có sự tham gia của diễn viên họ yêu thích.

Nội dung chính của bộ phim Đại Sư Huynh thật ra không có quá nhiều đột phá và ấn tượng, vẫn là những mẩu chuyện nhỏ về các rắc rối thường gặp của một nhóm học sinh cá biệt. Tuy nhiên, mỗi nhân vật trong phim đều tạo được sự đồng cảm nhất định từ phía khán giả vì những câu chuyện của họ quá đỗi quen thuộc và gần gũi. Cách tạo ra câu chuyện tuyệt vời là thế nhưng cách giải quyết vấn đề lại quá dễ dàng và nhanh chóng khiến người xem cảm thấy hụt hẫng và phi lý. Kết quả là càng về cuối, bộ phim lại càng mất đi sự cuốn hút ban đầu.

Diễn xuất của Chân Tử Đan vẫn duy trì ở một mức độ ổn định, ông thể hiện rất tốt vai trò của nhân vật Trần Hiệp. Có lúc đĩnh đạc dạy bảo học trò của mình, cũng có lúc lại như một người anh lớn chăm sóc đàn em nhỏ. Ngoài ra không thể không nhắc đến khả năng diễn xuất của dàn diễn viên trẻ như Lạc Minh Cật, Thang Quân Từ, Thang Quân Diệu, Lý Tĩnh Quân và cuối cùng là Gordon Lau. Diễn xuất của họ tuy chưa thể nói là xuất sắc nhưng cũng đủ để thể hiện tốt nhân vật mà họ đảm nhận. Bên cạnh đó, bộ phim còn có sự góp mặt của Trần Kiều Ân, những tưởng vai diễn của cô sẽ cùng nhân vật Trần Hiệp do Chân Tử Đan thủ vai sẽ “song kiếm hợp bích” dạy dỗ học trò, nhưng hóa ra nhân vật Lương Dĩnh Tâm của cô lại vô cùng mờ nhạt, hoàn toàn không giống một “cô giáo nữ thần cấp năm sao” được quảng cáo trên poster phim.

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng chính là phần nhạc phim. Không một từ nào có thể diễn tả được độ xuất sắc của phần nhạc trong bộ phim này. Phần nhạc nền được lồng ghép phù hợp đến hoàn hảo và quan trọng là giai điệu rất bắt tai khán giả. Một bật mí nho nhỏ là phim sử dụng tiếng Quảng Đông thay cho tiếng Phổ Thông nên khi nghe cảm giác rất mới lạ và thú vị.

Tóm lại, dù có nói thế nào thì đây cũng là một bộ phim mang thông thông điệp rất ý nghĩa về tình cảm gia đình, tình bạn và cả tình thầy trò. Có thể bộ phim không quá xuất sắc nhưng mong đợi nhưng nó đủ để truyền tải thông điệp, đủ để có thể tạo được một chút vấn vương trong lòng khán giả, để lại những nút thắt vẫn còn chưa có lời giải đáp mà mỗi khán giả sẽ tự có câu trả lời cho riêng mình. Bộ phim là một món quà, là một cầu nối để chúng ta dành thời gian cho gia đình, bạn bè, thậm chí là nếu được các bạn học sinh cũng có thể cùng thầy cô ngồi lại với nhau cùng xem Đại Sư Huynh để thêm trân trọng và gắn kết trước thềm tựu trường.