Các bộ phim về Thế chiến thứ 2 luôn là một nguồn tư liệu vô tận cho các nhà làm phim khai thác. Sự ác liệt của chiến tranh, các trận đánh hào hùng nổi tiếng của lịch sử hiện đại, hay đơn giản chỉ là giá trị của con người trong thời chiến luôn đem đến nhiều suy nghĩ cho người xem. Hè này chúng ta đã được thưởng thức Dunkirk của đạo diễn đại tài Christopher Nolan, trong quá khứ thì những cảm xúc mà Schindler's List, Pearl Harbor hay Saving Private Ryan đem lại vẫn luôn tuyệt vời. Tất cả những tác phẩm trên của điện ảnh phương Tây đều đặc biệt theo cách riêng của mình, tuy nhiên với bom tấn Hàn Battleship Island (tựa Việt: Đảo Địa Ngục), đạo diễn Ryu Seung Wan đã mang đến một câu chuyện đậm chất phương Đông hơn, bi kịch hơn khi hàng trăm người Triều Tiên phải làm nô dịch để phục vụ Đế quốc Nhật Bản trong cuộc chiến này.
Đảo Địa Ngục dựa trên câu chuyện lịch sử bi tráng, về những cuộc đấu tranh và đào thoát của 400 người lao động khổ sai bị quân Nhật bắt giữ, giam cầm, bóc lột, tra tấn. Những tù nhân được đưa tới đây, tống vào những mỏ khai thác than trong điều kiện hết sức tồi tệ và có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Họ luôn tìm cách trốn thoát khỏi Hashima, xong điều đó trở nên bất khả thi khi hòn đảo nằm giữa đại dương này được xây dựng vô cùng kiên cố, và các hầm lò thì nằm ở độ sâu dưới 1,000 mét so với mực nước biển.
Chúng ta sẽ theo chân Lee Kang Ok (Hwang Jung Min) – một nhạc trưởng ranh mãnh nhưng thật sự là một người cha tuyệt vời, hết lòng vì cô con gái bé bỏng do Kim Su An thủ vai trong chuyến trong chuyến tàu đổi đời (đối với họ) từ Busan đến Nhật Bản. Tuy nhiên, tất cả chỉ là một sự sắp đặt, tất cả hành khách trên chuyến tàu đều không thoát khỏi số phận bị đưa đến làm nô dịch tại mỏ than Hashima nằm gần Nagasaki, được thiết kế như một chiến hạm – nội bất xuất ngoại bất nhập giữa biển khơi. Ở đây có sự phân biệt đối xử tồi tệ dành cho lao động Triều Tiên, nam bị bắt làm việc trong các hầm mỏ sâu hơn 1,000 mét dưới đại dương mà không hề có dụng cụ bảo hộ và hoàn toàn có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào và không người Nhật nào mảy may quan tâm. Phụ nữ thì bị tống vào các nhà thổ, làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật. Trên chuyến đi này, còn có Choi Choel Sung (So Ji Sub) – tay giang hồ gai góc nhưng trượng nghĩa, luôn ra sức bảo vệ đồng bào mình, Lee Jung Hyun vào vai một gái nhà chứa với quá khứ u buồn nhưng luôn mạnh mẽ, cứng cỏi. Nhân vật đặc biệt tự mò đến hòn đảo chết chóc này là Park Moo Yeong (Song Joong Ki), một quân nhân của lực lượng giải phóng Triều Tiên muốn giải cứu một lãnh tụ dân tộc đang ở Hashima. Mỗi con người một tính cách, một số phận nhưng giờ đây tất cả họ phải nương tựa vào nhau nơi bình đẳng giữa các dân tộc là thứ không tồn tại.
Đạo diễn Ryu Seung Wan – người đã thành công rực rỡ với siêu phẩm Veteran thực sự đã dành nhiều tâm huyết cho dự án bom tấn này, tuy nhiên việc này lại vô tình gây hại cho tác phẩm khi ông đã lồng ghép quá nhiều câu chuyện vào nội dung phim cho dù thời lượng hơn 2 tiếng là khá dài so với các phim châu Á. Các tình tiết nửa đầu bộ phim phát triển khá chậm rãi, lồng ghép vào nhau cùng dẫn dắt người xem khi các nhân vật tiếp xúc với nhau. Nhưng khi đến cao trào, việc này dẫn đến tâm lý nhân vật bị ép chín khi người xem chưa thực sự cảm nhận được giá trị của họ, chưa kể cách dẫn dắt xen kẽ, chuyển cảnh liên tục khiến các câu chuyện trở nên khó nắm bắt và không tìm được điểm chung. Bạn sẽ phải tự hỏi sau hơn nửa bộ phim, thực sự ai đang là nhân vật chính.
Một bức tranh hỗn loạn được dựng lên tại hòn đảo chết chóc này và vô tình nó đã làm nổi bật lên thực tế tàn khốc tại đây, mỗi con người Triều Tiên một tính cách, một số phận nhưng họ luôn khát khao được sống, được thoát khỏi địa ngục trần gian và đến cuối cùng mong muốn tồn tại đã mang họ đứng lên cùng nhau. Có hai cảnh phim mà người viết khá thích, thứ nhất là cảnh toàn bộ lao động Triều Tiên thắp nến họp lại với nhau tìm lối thoát và cảnh lá cờ của Đế quốc Nhật bị rạch làm đôi. Những cảnh này có thể nhắc chúng ta nhớ niềm tự hào dân tộc là lớn thế nào và tự do đáng quý ra sao. Tác phẩm tựa như lời nhắc nhở của điện ảnh xứ kim chi đến những bí mật mà chính phủ Nhật Bản chưa hề muốn công bố liên quan đến di sản văn hóa mà Unesco công nhận, mỏ than Hashima này.
Với dàn diễn viên hạng A của điện ảnh Hàn góp mặt trong Đảo Địa Ngục, tác phẩm đã có đủ sức nặng để lôi kéo khán giả đến rạp. Mỗi người mang một nét riêng cho bộ phim nhưng mình đặc biệt ấn tượng với cha con nhạc trưởng Lee Kang Ok. Hwang Jung Min mang lối diễn khá trào phúng và cường điệu nhưng rất phù hợp với người đàn ông dù luồn cúi nịnh bợ trước kẻ thù, nhưng tất cả những gì ông làm là vì đứa con gái nhỏ của mình. Kim Su An vẫn “steal the show” từ sau vai diễn thành công trong Train to Busan, nét đáng yêu trong sáng của cô bé mang đến khá nhiều cảm xúc. Sự kết hợp của họ tạo cho phim không khí nhẹ nhàng hơn trong bối cảnh đã quá nặng nề và ngột ngạt. So Ji Sub và Song Joong Ki với vẻ ngoài cường tráng và diễn xuất khá tròn vai (trừ màn cuối đánh nhau khá ảo) chắc hẳn sẽ thu hút khá nhiều fan nữ đến rạp.
Bối cảnh và phục trang của bộ phim rất tuyệt vời. Với kinh phí đầu tư khủng top 3 của điện ảnh Hàn Quốc, nhà sản xuất đã đem khán giả đến với một hòn đảo địa ngục thực sự. Các cảnh hầm mỏ, ký túc xá tối tăm ẩm thấp, khu nhà thổ tạm bợ và sự đối lập với dinh thự xa hoa của quan chức người Nhật tạo nên một nét tương phản tuyệt đối. Âm thanh cũng được đầu tư khá lĩ lưỡng, các trường đoạn hành động nghe rất thật. Tuy nhiên, phần âm nhạc của bộ phim không mang đến cho mình nhiều ấn tượng trừ những bài hát hùng hồn của Đế quốc Nhật Bản được lồng ghép khá châm biếm xuyên suốt bộ phim.
Tháng 8 này không có nhiều tác phẩm được đánh giá cao ra rạp, rất thuận lợi cho Đảo Địa Ngục chiếm lĩnh phòng vé bởi chất lượng khá tốt của bộ phim cộng với dàn diễn viên đủ sức hút. Mặc dù nội dung có thể hơi kén người xem đối với khán giả đại chúng ở Việt Nam, tuy nhiên nếu bạn đã đến rạp, bạn sẽ khó có cảm giác chán ngán. Bộ phim sẽ khiến những trái tim cứng rắn nhất cũng sẽ phần nào thổn thức bởi những câu chuyện đau thương, bi tráng ẩn giấu dưới những trang sử về hòn đảo “không lối thoát” này.