Lấy bối cảnh cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2, Darkest Hour là một câu chuyện được kể trên chiến tuyến khác, đó là khi Winston Churchill được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng Anh chỉ vì ông là người duy nhất được phe đối lập ủng hộ, lúc đó, không một ai kể cả nhà vua tin tưởng vào năng lực của ông. Nhắc đến Winston, thì đây là người công cũng nhiều mà tội cũng nhiều - Darkest Hour tập trung vào khắc họa vị thủ tướng này trong thời khắc đen tối nhất của toàn Châu Âu, giữa những mâu thuẫn và xung đột nội tâm của ông, những cuộc vật lộn với phe phái nghị viện, để rồi sau đó Winston Churchill đã xoay chuyển được cục diện cuộc chiến bằng chiến dịch Dynamo, thành công trong việc đưa gần 300,000 binh sĩ tại Dunkirk về với quê nhà.
Với một phim dựa trên sự kiện có thật thế này thì không nên bàn về kịch bản làm gì, vì lịch sử không phải là thứ thêm mắm thêm muối vào được, điều mà Joe Wright làm chính là viết lại nó chân thật đến mức có thể. Mở màn với buổi họp hạ viện yêu cầu Chamberlain từ nhiệm, nhịp phim ngay từ đầu đã căng như dây đàn, dồn dập và áp lực kéo dài đến tận phút cuối. Tuy không có cảnh quay nào về trận Dunkirk, nhưng qua phim có thể thấy không khí của Nội các chiến tranh cũng dữ dội không kém chiến trường là mấy.
Nói về linh hồn của bộ phim, Gary Oldman diễn vô cùng xuất thần, từ dáng đi khệnh khạng, cái chắp tay sau lưng, âm giọng và cử chỉ, lối nói hụt hơi, lắp bắp của một ông lão gần 70 tuổi, cho đến cái môi dưới hay trễ nải trong mỗi câu chữ, tất cả đều được Gary nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi mang đến cho chúng ta một màn trình diễn đầy ngoạn mục. Cũng thật tình cờ là mấy hôm trước tôi có xem Léon: The Professional, và kết quả là đến giờ vẫn há hốc khi không nhận ra bóng dáng nào của Gary Oldman trong hình ảnh nhà lãnh đạo mang tính biểu tượng của thời chiến kia nữa. Đây không còn là diễn mà là hóa thân, một sự hóa thân bậc thầy.
Nói qua một chút về Lily James, vai diễn cô thư ký Elizabeth Layton được cô thể hiện tròn vai, không quá xuất sắc dù nghe nói Darkest Hour phần lớn dựa trên nhật ký của Layton trong thời gian làm việc với Winston Churchill. Còn lại thì mọi nhân vật khác đều mờ nhạt vì Gary quá toả sáng. Với vai diễn này, tôi chưa dám khẳng định sẽ đoạt được Oscar vì không biết Daniel Day-Lewis như thế nào, nhưng chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa về việc nó sẽ đi vào hàng kinh điển.
Âm nhạc từ Dario Marianelli không mấy ấn tượng, thay vào đó điểm cộng ở đây là mảng quay phim. Tuy không có cảnh nào ấn tượng đến độ đi vào lịch sử điện ảnh như cú long-take dài gần 5 phút trên bờ biển Dunkirk trong Atonement, nhưng Darkest Hour vẫn sở hữu cho nó những khung hình mẫu mực và đặc biệt đẹp nhờ vào cách bài trí ánh sáng và sắp đặt góc máy quay tài tình của Joe Wright. Có một đoạn tôi cực kì thích đó là khi Winston bước vào thang máy và xung quanh đều tối đen, chỉ le lói ánh sáng màu cam từ bóng đèn trong không gian chữ nhật chật hẹp, thủ pháp tương tư cũng được sử dụng khi Winston trả lời cuộc điện đàm trong phòng kín, có tới ba lần Joe Wright dùng cách này để làm bật lên khuôn mặt suy tư của vị thủ tướng Anh giữa bóng tối bốn bề - mà tôi nghĩ là tượng trưng cho sự tuyệt vọng trong tình thế quốc gia lúc bấy giờ. Không dám nói là bản thân đã hiểu hết dụng ý, chỉ biết là tôi rất thích cảnh đó.
Nhìn chung, Darkest Hour là một trong số những phim hay không nhờ vào bản thân kịch bản, mà nhờ vào sự xuất sắc của diễn viên. Nên nếu ai thực sự hứng thú với lịch sử, cũng như muốn chiêm ngưỡng màn hoá thân thần thánh của Gary Oldman và được nổi da gà với những cuộc hùng biện lẫn âm nhạc bi tráng, thì hãy ra rạp, còn không thì chắc chắn sẽ thấy Darkest Hour rất khô khan.