Đêm Trói Buộc (The Night) kể về hai vợ chồng người Iran nhập cư đến Mỹ. Babak, chồng và vợ - Neda, vừa mới rời nhà bạn sau một buổi tiệc cùng con gái nhỏ. Nhưng Babak có chút say do uống rượu nên cả nhà bị lạc đường. Trời không còn sớm nữa, nên cả nhà quyết định qua đêm tại một khách sạn gần đó – khách sạn Normandie. Nhưng khi đêm kéo dài, cả gia đình bị quấy phá bởi những hiện tượng quỷ dị. Bị khủng bố tinh thần, những góc khuất trong hôn nhân của 2 người bị bóc trần.
The Night có cốt truyện thẳng thẳng và đơn giản, ít nhất là khi nó nằm trên các trang giấy. Nói thẳng ra, người xem có thể rút ra được thông điệp mà phim muốn gửi gắm: những bí mật trong hôn nhân có sức mạnh tàn phá mỗi người như thế nào và chỉ sự thật mới có thể nâng họ đến cứu rỗi. Nhưng với cách thực hiện của đạo diễn Kourosh Ahari, khái niệm này hiện lên thật kinh hoàng và ớn lạnh.
Kết hợp yếu tố phong tục dân gian, những hồn ma bước ra từ các truyện dân gian Iran, mê tín và những điềm gở với các yếu tố xã hội để truyền tải góc nhìn kinh dị về hôn nhân, The Night chắc chắn không phải là một phim kinh dị đại chúng. Nếu phải xếp hạng và phân loại, bộ phim này thuộc thể loại độc lập (Indie) nhiều hơn. Và điều đó cũng đồng nghĩa The Night không kể câu chuyện của nó theo cách thông thường, và nội dung sẽ thách thức sự tiếp nhận lẫn trí óc tưởng tượng của người xem khá nhiều, đó là chưa kể đến những hình ảnh ẩn dụ được lồng ghép trong đây, dù những phương tiện dùng để “nói” với khán giả khá truyền thống. Tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc phim sẽ có rất nhiều cách hiểu.
Nét truyền thống của The Night nằm ở khái niệm cơ bản của bộ phim. Một cặp đôi và đứa con bước vào một khách sạn ma ám, họ bị quấy phá và phải tìm đường thoát ra. Từ quá trình đó, hai nhân vật chính sẽ để khán giả hiểu tại sao họ lại đến khách sạn đó, liệu điểm đến đó có phải là vô tình hay có sự nhúng tay của thế lực vô hình, tại sao là họ mà không phải người khác, thế lực vô hình là ai…vân vân. Trong đây, chúng ta được đưa vào công thức kinh điển là “ngôi nhà/khách sạn ma ám”. Nhưng nét truyền thống của The Night chỉ là bề nổi của bộ phim. Những chi tiết diễn ra trong câu chuyện mới là bề sâu và là bề dày của phim.
The Night có vì thế mà khó hiểu không? Điều này thật khó để trả lời. Nếu người xem đang mong chờ một phim kinh dị chỉ được nhấn nhá bằng các màn hù dọa, âm hồn vất vưởng vì quá khứ của đen tối của chủ thế khách sạn, thì The Night sẽ làm họ thất vọng. Nhưng nếu người xem cởi mở và chịu khó suy nghĩ và chú ý đến tình tiết phim, thì cái hay của The Night mới thực sự bộc lộ. Theo đó, đây không còn là một bộ phim kinh dị nữa, mà trở thành một câu chuyện ngụ ngôn cảnh báo viễn cảnh khủng khiếp mà các cặp đôi phải chịu đựng nếu họ không chịu mở lòng với nhau. Và khi họ tiến đến hôn nhân, mọi thứ sẽ càng trầm trọng và kinh hoàng hơn.
Mỗi một con quỷ hiện hữu trong đây tượng trưng cho những gánh nặng tinh thần mà cặp đôi chính phải mang theo, phải chịu đựng và chúng đang dày vò họ. Nhưng sự cứu rỗi đã đến trong hình hài một tòa nhà quỷ dị và u ám. Liệu họ có biết nắm bắt hay không mới là điều mang tính quyết định.
Thế khó của The Night cũng nằm ở chỗ cốt lõi của nó – đây là một phim kinh dị độc lập không twist nhưng mang tính ngụ ý rất cao. Phim không có lấy một phân cảnh hồi tưởng nào, cũng chẳng có các cột mốc đánh dấu các dòng thời gian. Nên nhiều khi bộ phim trôi qua như cát qua tay người, khó nắm bắt và trở nên khó hiểu, thậm chí các phân cảnh mang tính tượng hình rất có ý nghĩa cũng bị nhầm lẫn là thừa thãi. Vẫn là câu nói trên, nếu bạn cởi mở và chịu khó cảm nhận lẫn suy nghĩ, The Night sẽ là một trải nghiệm điện ảnh dễ dàng hơn.
Bù lại, The Night khá tốt về mặt kinh dị. Thay vì lạm dụng jump-scare, bộ phim vận dụng lối hù dọa tinh tế hơn và đánh mạnh về mặt thị giác và thính giác. Một điều rất rõ là phim đã học tập The Shinning của Stanley Kubrick trong việc sử dụng hiệu quả không gian. Khách sạn Normamdie, bối cảnh chính của phim, hiện lên và được nhấn nhá bằng bầu không khí u ám, tĩnh mịch với các gam màu tối. Nhưng điểm nhấn nằm ở các dãi hành lang. Kết hợp với các góc quay cận và kéo dài theo chuyển động của nhân vật và thể hiện tầm mắt của họ, những dãi hành lang này thực sự truyền tải được cảm giác tịch mịch, hạn hẹp đến khó thở nhưng đồng thời lại vừa dài tưởng chừng như không thực. Chúng có thể gieo nỗi sợ không gian kính lẫn sợ khoảng trống cùng lúc vào khán giả. Bên cạnh đó, The Night cũng làm người xem ớn da gà với tạo hình của các bóng ma và hình ảnh con quỷ “trùm” xuất hiện ở đoạn cao trào.
Điều làm người viết hài lòng là bối cảnh và yếu tố kinh dị của phim không chỉ để hù dọa, mà còn là công cụ để The Night thực hiện tầm nhìn và ý nghĩa tổng thể của câu chuyện. Ngay cả những thực thể nhìn có vẻ lạc tông hay chỉ gây sốc trong đây đều không hề thừa. Tất cả chúng đều là những mảnh ghép hoàn thiện The Night theo hướng sâu sắc hơn.
Tóm lại, nếu người xem thực sự trông chờ một phim kinh dị sáng tạo với chủ để cũ, The Night sẽ khá hay ho và đáng thì giờ - thực tế thì phim chỉ hơn 1 giờ rưỡi chừng 15 phút, nhưng nhịp điệu phản ánh màn đêm của phim, đó là một đêm rất dài, mỏi mệt và kinh hãi, sự thật phía sau màn đêm đó càng hãi hùng hơn (và nó đã được gợi ý ngay từ đầu).