Điện ảnh không chỉ mang tính chất giải trí đơn thuần mà còn giống như một lăng kính tái hiện lại cuộc sống và thể hiện khát khao của con người về một thế giới tốt đẹp hơn. Thông qua điện ảnh, chúng ta thấy được thời kì đen tối của nhân loại trong Thế chiến thứ 2 trong Schindler’s List, thấy được nỗi thống khổ mà những người da màu phải chịu đựng trong 12 Years A Slave, Crash hay The Help. Nhưng điện ảnh không chỉ có thế, không phải lúc nào cũng chỉ có đắng cay và đau khổ. Cuộc sống luôn có hai mặt, tuy khắc nghiệt nhưng đâu đó vẫn còn có hy vọng và những điều kì diệu, giống như cuộc đời bất hạnh nhưng phi thường của những con người như Forrest Gump hay Stephen Hawking trong The Theory of Everything. Và trong năm nay, chúng ta lại được biết đến một câu chuyện phi thường khác – câu chuyện về cuộc đời của một cậu bé sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những con người khác, về tình yêu gia đình, tình bạn, tình người đáng ngưỡng mộ trong bộ phim mang tên Wonder (Điều Kỳ Diệu) của đạo diễn Stephen Chbosky.
Wonder được chuyển thể từ quyển sách nổi tiếng cùng tên của nữ tác giả R.J. Palacio. Ngay từ lúc được xuất bản vào năm 2012, Wonder đã gây xúc động và truyền cảm hứng cho biết bao trái tim của độc giả trên khắp thế giới. Trong Wonder, cậu bé August Pullman, hay còn được gọi với cái tên thân mật là Auggie, ngay từ lúc mới sinh đã mắc phải hội chứng Treacher Collins khiến gương mặt bị dị dạng. Cậu bé phải trải qua hàng tá ca phẫu thuật nhưng vẫn không thể có được vẻ ngoài bình thường như bao con người khác. Từ lúc mới sinh cho đến năm 10 tuổi, Auggie chỉ sống trong cái thế giới nhỏ bé và không hề đi đến trường mà chỉ tiếp thu kiến thức từ chính người mẹ của mình. Cuộc sống của Auggie hoàn toàn thay đổi khi bố mẹ quyết định đưa cậu đến trường để có được nền giáo dục tốt hơn và hòa nhập với mọi người. Tuy nhiên, trường học vốn dĩ đã là nơi kinh khủng đối với rất nhiều đứa trẻ bình thường, huống chi đối với Auggie. Tại đây, cậu bé phải sống trong mặc cảm, bị kì thị, bị bắt nạt vì khác biệt so với những người khác. Nhưng với tình yêu thương và sự động viên của gia đình, thầy cô, những người bạn tốt bụng, cùng với sức mạnh và nghị lực của bản thân, Auggie cũng vượt qua được thử thách và cùng với các nhân vật khác viết nên câu chuyện phi thường về cuộc sống.
Nhưng thế giới trong Wonder không chỉ xoay quanh một mình Auggie mà mỗi nhân vật trong phim đều có những câu chuyện của riêng họ. Một trong những thành công của phim chính là xây dựng được một cốt truyện mạch lạc, những mối liên kết chặt chẽ giữa các nhân vật bằng cách kể câu chuyện từ 4 nhân vật: Auggie, Olivia, Jack Will và Miranda. Mỗi nhân vật với mỗi góc nhìn khác nhau, với những hoàn cảnh và nỗi đau của riêng họ đã tạo ra được sự đồng cảm sâu sắc nơi khán giả, đồng thời khiến cho câu chuyện trở nên thuyết phục và logic hơn.
Wonder không đi theo lối mòn của đa số các phim thông thường chỉ tập trung vào một nhân vật chính, mà phim còn tập trung xây dựng tâm lý, tính cách của những nhân vật từ thứ chính cho đến phụ. Chúng ta thấy được sự kiên nhẫn, sự hy sinh, tình thương vô bờ của vợ chồng Pullman dành cho cậu con trai bị dị dạng. Chị gái của Auggie – Olivia, với sự chịu đựng và hy sinh thầm lặng qua suốt bao năm tháng, chấp nhận tình cảnh thiếu thốn sự quan tâm của bố mẹ để họ có thể chăm lo cho đứa em trai bất hạnh. Cậu bé Jack Will ban đầu làm bạn với Auggie một cách miễn cưỡng, dần dần trở thành người hùng thực sự bảo vệ Auggie bất chấp bị đuổi học hay sứt đầu mẻ trán. Julian từ một đứa trẻ nông cạn chuyên đi bắt nạt người khác nhưng sau cùng cũng biết nhận ra lỗi lầm. Thầy hiệu trưởng Tushman nhân hậu, hài hước, nghiêm khắc trong việc xử lý nạn bắt nạt ở học đường, nhưng cũng vô cùng rộng lượng và sẵn sàng tha thứ cho những đứa trẻ nhỏ dại. Miranda với vẻ ngoài khiến khán giả tưởng rằng là một cô nàng đang ở tuổi nổi loạn và quay lưng với bạn bè, nhưng ẩn sâu bên trong là một trái tim khao khát được yêu thương, khao khát có được gia đình hạnh phúc và sẵn sàng nhường cơ hội cho bạn thân của mình được tỏa sáng. Chỉ trong 1h53’ mà từng ấy nhân vật đều có chiều sâu và tạo được sự đồng cảm nơi khán giả, thì có thể thấy biên kịch và đạo diễn phải thật sự tinh tế và tài năng mới có thể làm được như vậy.
Bên cạnh khả năng viết kịch bản, dàn dựng của đạo diễn và biên kịch, tài năng diễn xuất của các diễn viên cũng là yếu tố làm nên thành công của bộ phim. Từ những diễn viên nhí đầy triển vọng cho đến các diễn viên kì cựu đều thể hiện xuất sắc vai diễn của họ. Jacob Tremblay quả thực rất xứng đáng với danh hiệu “thần đồng” khi lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu khán giả từ Room cho đến Wonder. Noah Jupe với gương mặt dễ thương vô đối cũng tiếp tục tỏa sáng sau khi chiếm được tình cảm của khán giả trong tác phẩm Suburbicon được ra mắt hồi tháng 11 vừa qua. Izabela Vidovic cũng là tài năng chớm nở khi thể hiện xuất sắc vai Olivia – nhân vật có chiều sâu và diễn biến tâm lý phức tạp nhất phim, thậm chí còn có những lúc tỏa sáng hơn cả Auggie. Vai vợ chồng Pullman dường như được sinh ra là để dành cho Julia Roberts và Owen Wilson, bởi màn diễn xuất của họ quá ăn ý và chân thật.
Có thể đối với nhiều khán giả, kịch bản của Wonder có phần quá đơn giản và bình thường, nhưng chính sự đơn giản và những chi tiết nhỏ nhặt được lồng ghép một cách tinh tế trong phim lại là thứ khiến trái tim của khán giả rung động. Hiếm có bộ phim nào khiến khán giả phải bật cười liên tục vì những chi tiết đáng yêu, ngây ngô, nhưng đồng thời cũng phải rưng rưng nước mắt vì chính sự ngây ngô đó. Wonder không phải là bộ phim kích thích bộ não hay khả năng tư duy, mà là bộ phim được làm ra để kích thích con tim và khả năng yêu thương của khán giả. Giữa cuộc sống đã có quá nhiều đau khổ và khắc nghiệt, có lẽ đôi lúc chúng ta nên để con tim cảm nhận thay vì để bộ não phán xét. Bởi cuộc sống này có rất nhiều điều kì diệu, và chúng được tạo ra từ chính con tim và tình yêu của mỗi chúng ta.