Trong thời điểm nóng hổi vì dịch bệnh hiện nay, có rất ít phim bom tấn dám mạo hiểm ra mắt lúc này. Vì vậy mà đường đua rộng mở cho các phim nhỏ lẻ hơn như Dinh Thự Oan Khuất (Ghosts of War), nhưng đáng tiếc, phim không đủ hấp dẫn để kéo khán giả ùn ùn trở lại rạp.
Phim xoay quanh 5 chàng lính đang trên đường thực hiện nhiệm vụ canh gác một tòa lâu đài Pháp trong thời điểm cuối Thế Chiến thứ 2. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như họ nghĩ khi vừa phải đối đầu với lũ Đức Quốc Xã đang lượn lờ quanh lâu đài, lăm le tấn công những người lính trẻ, cùng với đó là phải đối phó với những thế lực vô hình ẩn hiện trong chính nơi họ đang trú chân. Liệu họ có thể sống sót để quay về, hay phải bỏ cuộc và đối mặt với toà án binh vì chính sự đe dọa khôn lường đó?
Bối cảnh phim có vẻ không còn lạ gì với những tín đồ mê phim kinh dị, hình ảnh một căn biệt thự ma ám dường như đã quá quen thuộc nhiều người, nhưng cũng đồng thời gợi cho chúng ta nhiều sự tò mò, vì những nhân vật khám phá căn biệt thự không phải là những cô cậu thiếu niên hay những gia đình như ta thường thấy, mà là những người lính can trường, mạnh mẽ. Nhưng rồi chúng ta lại thấy những yếu tố quen thuộc mà thể loại này thường có, các bóng ma lướt ngang nhân vật, tiếng động lạ, ảo giác từ quá khứ... nhìn chung không mới mẻ và có phần rập khuôn.
Phim có mở đầu khá tốt, xây dựng một tình huống tương đối dễ tiếp cận với đa số người xem, dẫn thẳng chúng ta tới một thế giới hoang tàn đổ nát sau chiến tranh. Khán giả có thể thấy sự tàn nhẫn và bạo lực mà Thế Chiến thứ 2 đã mang lại, thể hiện lên cả phe lính Mỹ và bè lũ Phát Xít ngay từ những phút đầu phim, báo hiệu một hành trình đầy gian lao và căng thẳng của những người lính mà bộ phim hướng tới. Nhìn chung, phim có một kết cấu khá ổn, rõ ràng, nhưng đó là ở nửa đầu, còn nửa sau...thì là một chuyện khác.
Thứ đã giết chết cảm xúc mà nửa đầu phim xây dựng một phần chính là những cảnh jump-scare vô tội vạ. Một số cảnh thì tình tiết dẫn đến jump-scare khá tốt, một số khá tệ và gây khó chịu không phải vì đáng sợ, mà là vì sự bực mình khi liên tục phải hoảng hốt một cách bộc phát, vô hình chung làm tổn hại tới tâm trạng xem phim. Đối với một fan kinh dị lâu năm, đây chính là điều mà họ không hề mong muốn ở những bộ phim kinh dị, đặc biệt là những phim thuộc thế hệ hiện tại, khi mà người xem luôn đòi hỏi một câu chuyện, cách xây dựng nỗi sợ thông minh hơn, sáng tạo hơn là những chiêu trò gây hoảng sợ ngắn hạn như jump-scare.
Phim kinh dị đề tài chiến tranh không phải là mới, đa phần tập trung vào những kí ức kinh hoàng, những sang chấn tâm lý mà người lính nhận phải khi chiến đấu, một số mở rộng sang các thế lực siêu nhiên, tất cả đều xoay quanh tội ác của chiến tranh, tạo cho người xem một cảm giác sinh tồn, ngột ngạt và kinh hoàng mà chiến tranh để lại cho thế gian.
Phim tham lam kết hợp cả hai yếu tố vừa siêu nhiên vừa tâm lý, và đáng tiếc là lại làm không tới nơi tới chốn, tạo nên một câu chuyện lằng nhằng, cảm xúc lẫn lộn, khiến người xem không biết liệu họ đang xem một bộ phim kinh dị, hay một bộ phim viễn tưởng, đây chính là một bằng chứng cho việc một số thể loại phim tốt nhất là không nên pha trộn vào nhau. Vì thật sự cả hai điều trên, phim đều làm không tới, khiến câu chuyện ngày một rối rắm đến mức không cần thiết.
Khoảng 30 phút cuối chính là điểm yếu nhất của phim, tất cả được đẩy một cách gấp rút, thiếu tự nhiên. Nhân vật giải quyết vấn đề theo cách.. từ trên trời rơi xuống và phi logic. Pha xoay chuyển 180 độ ở gần cuối phim, chuyển từ kinh dị siêu nhiên sang khoa học viễn tưỡng, phim cố gắng nhồi nhét các yếu tố siêu thực về thời gian để "hack não" người xem, nhưng lại thiếu tinh tế và tự nhiên trong cách gợi mở và giải mã, khiến mọi thứ càng thêm hỗn độn và dư thừa cho người xem.
Thực sự thì pha chuyển mình đề cập trên sẽ không thành vấn đề gì nếu cái kết được triển khai đàng hoàng và thỏa đáng hơn. Không hiểu là do nhà làm phim hết kinh phí hay là cạn kiệt ý tưởng, mà lại tạo ra một cái kết vô hậu và chóng vánh như vậy. Có cảm tưởng nếu như đoạn kết phim được trau chuốt hoặc chí ít là thêm thời lượng thì khán giả sẽ khỏi phải chưng hững mà thốt lên "Cái quái gì vậy?" khi vừa bước ra khỏi rạp.
Dàn diễn viên nhìn chung làm khá tốt vai trò của mình, nhưng một số chỉ dừng ở mức tròn vai. Tiểu sử của các nhân vật cũng mịt mờ, làm người xem ít có gì đồng cảm cho nhân vật và hành động của họ, trừ nhân vật anh lính bắn tỉa Tappert là khá ấn tượng vì thực ra chỉ mỗi nhân vật đó là có một tuyến truyện đàng hoàng. Những tình huống hài hước cũng được thể hiện tự nhiên, duyên dáng bởi diễn xuất của họ, các câu đùa không quá lố mà chỉ đơn giản là những câu nói bâng quơ của họ cũng khiến ta bật cười. Có thể nói chính dàn diễn viên chính là một phần khiến bộ phim đáng xem hơn.
Dinh Thự Oan Khuất rõ ràng là có rất nhiều tiềm năng, từ dàn diễn viên trẻ ấn tượng tới câu chuyện thú vị, dễ khai thác nhiều yếu tố xoay quanh đó, nhưng lại bị lãng phí vì ôm đồm quá nhiều thứ trong khi không yếu tố nào là làm cho rõ ràng, dẫn đến sự đuối sức ở cuối phim. Các nhà làm phim sau này thật sự cần phải cân nhắc về việc tiết chế sử dụng các phương pháp gây hoảng sợ ở thập niên trước như jump-scare, vì cho dù câu chuyện có hay tới cỡ nào, xoắn não tới đâu, thì những yếu tố như vậy sẽ giết chết bộ phim. Nếu bỏ qua những vấn đề nêu trên thì Dinh Thự Oan Khuất vẫn là một bộ phim tạm ổn, thích hợp để giải trí trong tình hình ảm đạm trong thị trường phim ảnh đang rất thiếu vắng dòng phim kinh dị hiện nay.