Đây là bộ phim mà dù bạn có đọc spoil thì cứ yên tâm, xem vẫn chẳng hiểu cái quái gì đang xảy ra đâu mà!
Doom Patrol không phải là nhóm siêu anh hùng nổi tiếng nhất của DC và nhiều người có lẽ lần đầu tiên nghe thấy họ nhưng DÁM CÁ, bạn sẽ chưa bao giờ được xem một cốt truyện cũng như sự kết hợp KỲ CỤC lại VÔ CÙNG ĐỘC ĐÁO như Tv series này. Một nhóm "siêu anh hùng" bị xã hội ruồng bỏ nay lại được dẫn dắt bởi một người đàn ông ngồi xe lăn để chiến đấu bảo vệ cái xã hội đã ruồng bỏ họ. Nghe quen đúng không?
Nhưng khẳng định luôn một điều trước tiên: Họ chẳng CAO THƯỢNG, SIÊU ANH HÙNG như X-Men, Avengers hay “các anh em cùng nhà" Justice League ,Titans đâu nhé. Họ từng ích kỷ, yếu đuối, lười biếng, tham lam & tự luyến như bao người khác. Họ nghĩ sức mạnh mình đang có là minh chứng cho “nghiệp quật là có thật". Ai cũng sống trong dằn vặt, dày vò nhưng chính những cái bản ngã ấy tạo nên sức cuốn hút cho bộ phim bởi cuối cùng cũng có những siêu anh hùng “rất đời & rất thực" mà bất kỳ ai đều đồng cảm được.
Trong loạt phim Titans live-action ra mắt vào năm ngoái, Doom Patrol xuất hiện với các thành viên Niles Caulder (Bruno Bichir), Elasti Woman (April Bowlby); Robotman (Brendan Fraser); Negative Man (Matt Bomer) đã chiếm ngay spotlight của cả dàn diễn viên chính Titans, các fan DC rạo rực bình luận, mòn mỏi mong chờ một sự kết hợp của những kẻ “thảm hại, dưới đáy xã hội" mang tên Doom Patrol. Ngay từ tập Pilot, series đã đạt được điểm số 9.0 IMDb và tận 93% Rotten Tomatoes - một khởi đầu quá thành công cho phim và hứa hẹn tạo nên một nhóm siêu anh hùng “chẳng giống ai".
13 tập của Doom Patrol do Jeremy Carver sản xuất hiện đang chiếu trên hệ thống streaming riêng của DC Universe. Trước khi đi sâu hơn thì hãy đọc thử một vài nhận xét từ một khán giả, phê bình phim trên trang DC Việt Nam nhé:
“Xem cái show này như kiểu cả lão đạo diễn với biên kịch đang phê cần hay sao ý. Cốt truyện quá là đỉnh."
“Bình đẳng giới, bình đẳng cả động vật, xứng đáng ăn Oscar."
“Không thể ngờ là biên kịch nghĩ ra được cái trò này!”
“ 2 chữ thôi: Xuất sắc!”
1. Gia đình là số 1
Một gia đình thì đâu nhất thiết phải có quan hệ máu mủ với nhau? Năm cá thể riêng biệt bị xã hội ruồng bỏ và miễn cưỡng phải sống với nhau trong một biệt thự hẻo lánh, không ai biết đến. Dù có tranh chấp, ghét nhau đến mấy thì họ vẫn chỉ có nhau vì ở ngoài xã hội đâu còn ai cần họ? Tiến sĩ Niles Caulder - một nhà phát minh tài giỏi, giàu có chính là sợi dây liên kết, là ân nhân cứu mạng của bốn “kẻ lập dị”: Robotman (Cliff Steele); Elasti Woman (Rita Farr); Negative Man (Larry Trainor) & Crazy Jane. Bản thân tiến sĩ là một kẻ độc đoán, tính toán & luôn chôn giấu nhiều bí mật. Họ gọi ông ta The Chief để thể hiện sự kính trọng, tôn sùng dành riêng cho vị ân nhân cứu mạng. Nhưng chính vị ân nhân này lại buộc họ phải ẩn giấu, không được xuất hiện trước đám đông. Hay nói cách khác họ là “những tài sản quý báu" chỉ thuộc về Niles Caulder.
Mỉa mai thay, chính sự lệ thuộc này khiến họ rơi vào tình trạng hỗn loạn, phải bước ra ngoài xã hội khi Niles Caulder mất tích. “Bố” đi rồi thì “các con giời" trong nhà trở nên bấn loạn, hoang mang không biết phải làm gì. Đã thế, họ đã phải đối mặt với một “ông chú” điên khùng, thâm độc mang tên Mr. Nobody - kẻ thù không đội trời chung với Niles Caulder. Vậy là 4 “con giời" chỉ được chọn con đường duy nhất: Buộc phải làm siêu anh hùng để tìm The Chief.
Nhưng sao làm anh hùng nổi khi họ chỉ biết căm ghét chính bản thân mình? Một tay đua ích kỷ, trăng hoa từng mất đi tất cả trong một tai nạn xe hơi thảm khốc, giờ chỉ còn là bộ não được ghép vào cơ thể người máy; một phi công đẹp trai, tài ba lại không dám sống thật với bản thân mình để rồi khi bị nhiễm phóng xạ phải sống trong cô độc, tự hành hạ bản thân; một cựu minh tinh màn bạc chìm đắm trong quá khứ, bị ánh hào quang sân khấu làm mờ mắt nhưng bỗng chốc thành một “kẻ dị dạng”, không dám đối diện với bất kỳ ai và cuối cùng, một cô gái phải nếm trải tận cùng của sự tổn thương do bị lạm dụng, phải học chung sống với 64 nhân cách khác nhau.
Trước khi họ là siêu anh hùng; họ phải học cách thoát ra khỏi cái đáy của sự tuyệt vọng, thù ghét bản thân. 13 tập phim Doom Patrol ngoài hành trình đi tìm Niles Caulder; ta chứng kiến những “căn bệnh" tâm lý của Cliff Steele, Rita Farr, Larry Trainor & Jane. Từng bước một, họ gỡ rối, giúp đỡ lẫn nhau để đối mặt với những nỗi ám ảnh trong quá khứ. Chỉ khi mất đi tất cả, họ mới biết cách quan tâm đến người khác, gạt bỏ cái “tôi" vì mục đích cao cả hơn. Siêu anh hùng - họ đã có chữ “ siêu" nghĩa là sức mạnh phi thường; chỉ cần hoàn thiện nốt 2 chữ “anh hùng” nữa là đủ.
Doom Patrol còn là một nốt nhạc nhẹ nhàng ẩn ý về cộng đồng LGBT. Lời bài hát People like us không chỉ dành cho Larry mà còn là thông điệp gửi đến cho tất cả những ai luôn cảm thấy mình bị cô lập, không bình thường:
“Những con người chung số phận, hãy gắn kết cùng nhau nào... Hãy luôn tỉnh táo vì chẳng có gì là tồn tại mãi mãi. Hãy mau lại đây, hỡi những kẻ bại trận, những kẻ bị quên lãng. Thật khó để đạt đến đỉnh cao khi bạn đang nằm dưới vực sâu”
2. Mr Nobody - Nhân vật phản diện ấn tượng nhất trong loạt series siêu anh hùng
Doom Patrol nhận ra được một sự thật cốt lõi của tất cả những bộ phim siêu anh hùng: các nhân vật phản diện thường thú vị hơn nhiều so với những người hùng. Trong trường hợp này, nam diễn viên Alan Tudyk (nổi tiếng với những bộ phim sci- fi như Star War; Firefly; I, robot..) trong vai Mr Nobody - một “vật thí nghiệm" của bọn phát xít, có khả năng đoán trước được mọi sự việc và hấp thụ sự tỉnh táo của người khác. Để hình dung về nhân vật này, hãy mường tượng đến Killgrave trong tv series Jessica Jones nhưng nhân đôi tính hung bạo, điên dại thêm một chút mỉa mai, thích khẩu nghiệp.
Lão còn đóng vai trò là người kể chuyện bởi còn gì phấn khích hơn việc nhân vật phản diện thuật lại toàn bộ những cạm bẫy, tra tấn tinh thần những người anh hùng của chúng ta. Cách thức tra tấn của Mr. Nobody cũng chẳng giống ai. Lão chỉ thích xoáy sâu vào những bí mật; khơi dậy những gì đen tối nhất trong mỗi người, đến mức khiến Cyborg (một thành viên trong Justice League và chỉ xuất hiện một vài tập trong Doom Patrol) tự huỷ hoại chính mình. Cũng hiếm có nhân vật phản diện nào lại khao khát lập nên một nhóm siêu anh hùng đến thế. Nếu tiến sĩ Caulder là ân nhân của 4 con người đáng thương ấy thì Mr. Nobody mới là người đẩy họ bước ra khỏi khỏi vòng tròn an toàn và tạo nên Doom Patrol.
Giống như Deadpool, Mr. Nobody nhận thức được rằng mình là một nhân vật truyện tranh và chẳng có bí mật nào trên đời mà lão không biết cả. Có một lần, tiến sĩ Caulder hỏi lão đang kể chuyện cho ai nghe vậy? Mr. Nobody liền trả lời: Grant Morrison fans (tác giả của bộ truyện tranh Doom Patrol); Reddit trolls đăng ký trên trang DC & 3 fan mới bị mắc kẹt trong mông của con lừa". Cách thuật chuyện này không hẳn là mới, nhưng để Alan Tudyk trực tiếp mỉa mai cái show bạn đang xem nó “mọt sách”, “viễn tưởng" ra sao thì quả là bá đạo! Mr. Nobody xứng đáng có một bài phân tích riêng vì dù viết nghìn từ cũng chưa đủ để nói về sự độc đáo, cảm giác kích thích mà nhân vật này mang đến cho bộ phim.
3 “Điên” rồi! Đạo diễn, biên kịch chắc “điên" hết rồi!
Có những chi tiết trong phim mà xem xong bạn phải thốt lên chắc phải phê cần thì mới nghĩ ra nổi. Bị chui vào mông của một con lừa, rồi “phủ định của phủ định là 1 khẳng định hay chột mắt thì làm gì? Đơn giản, lắp thêm một con mắt mới lên trời và ai nói loài chó không thể cứu con người thoát ra khỏi nạn diệt vọng? - Chúa aka The Decreator, đấng tối cao với 1 con mắt khổng lồ trên bầu trời đang nhìn về mọi người. Nếu bạn nghĩ thế đã đủ hack não thì Doom Patrol lại tiếp tục mang sự điên rồ lên một tầm cao mới: xuất hiện một con phố biết nói và đọc được suy nghĩ của người khác; hay 1 con chuột chui vào trong tai điều khiển Robotman. Khó có thể diễn tả hết cái độ “điên" & dung tục của bộ phim, nhất là với những ai không đọc truyện tranh thì chắc phải tua đi tua lại đến 3 - 4 lần mới thấm được cái “độc nhất vô nhị" của bộ phim này.
Khác với Titans, Doom Patrol là sự pha quyện hài hoà giữa màu sắc u ám và sự hài hước dí dỏm. Cứ 5 phút ta lại nghe thấy từ “f*ck" hoặc “ oh sh*t" thốt ra từ miệng của Robotman hay những câu phán đầy chua ngoa, mỉa mai của Mr. Nobody khiến bạn dù có ghét lão đến mấy cũng phải bật cười. Toàn bộ trang phục, bối cảnh mang đậm chất Mỹ cổ điển của những năm 1950. Nhiều lúc, khán giả như đang bước vào một vùng quê thôn dã nước Mỹ và lắng nghe những giai điệu rất ngẫu hứng, lúc trầm lúc bổng. Dù bộ phim lấy bối cảnh 2019, nó vẫn mang đến cảm giác hoài cổ với những ai lần đầu tiên được cầm trong tay 1 cuốn truyện tranh, hay nhìn thấy “những siêu anh hùng" mặc bộ trang phục chỉ hai màu xanh đỏ khi xem quảng cáo. Chung quy, công thức của Doom Patrol rất đơn giản: 5 mol “điên rồ" cộng thêm 3 mol “đồng cảm" tạo nên một chất kích thích mới mẻ, độc đáo cho dòng phim siêu anh hùng.