Trước khi xem phim, nhìn qua poster có vẻ "ăn theo" các phim kinh dị của Thái, cùng dàn diễn viên không mấy nổi bật, người viết cứ tưởng đây sẽ lại là một bộ phim kinh dị nhạt nhẽo của điện ảnh Việt. Thế nhưng khi xem phim thì người viết mới thấy mình đã hoàn toàn sai lầm. Chưa thể gọi là xuất sắc, nhưng Dream Man quả thực là bộ phim kinh dị rất đáng khen và đáng xem trong năm nay với cốt truyện rành mạch, khai thác đề tài tuy quen thuộc nhưng không cũ kỹ, phản ánh được mặt tối trong giới trẻ hiện tại cùng thông điệp đáng suy ngẫm.
Cốt truyện của Dream Man được chia ra thành 2 phần khá rành mạch: thế giới ảo và thế giới thực. Nhân vật chính trong phim là một nhóm bạn đại học bao gồm Phong (Thanh Duy), Như (Đàm Phương Linh), Cường (Anh Tú), Thảo (Thanh Tú) và Thắng (Lý Bình). Phong và Như là một cặp trai xinh gái đẹp, nhà giàu sang chảnh nổi tiếng khắp trường. Phim mở đầu với cái chết của Thảo sau khi kết bạn với nick Facebook Dream Man. Thắng sau đó cũng kết bạn với nick này và cũng qua đời. Mọi việc còn chưa kịp nguôi ngoai thì Như cũng mất tích. Để tìm Như và truy ra danh tính của Dream Man, Phong và Cường lần theo manh mối đến ngôi nhà của nhân vật bí ẩn này. Và khi Phong chạm trán người đó, phim bắt đầu xoay chuyển theo một hướng hoàn toàn khác và mọi bí ẩn dần được lý giải.
Đây chưa phải là một bộ phim có cốt truyện "hack não", thách thức tư duy của người xem, nhưng so với mặt bằng chung của phim kinh dị Việt hiện tại thì Dream Man có cốt truyện rất mới lạ, cách dẫn dắt và tháo gỡ các nút thắt khá thông minh và sáng tạo. Nửa đầu của phim quả thực rất bình thường, thậm chí còn khá quê mùa và lỗi thời vì phim đã được quay vào 3 năm trước. Các tình tiết ở đoạn đầu cũng không có gì đặc biệt, nhiều chi tiết đậm chất "phim Việt" khiến người xem suýt thì bỏ về. Thế nhưng từ giây phút Phong chạm trán Dream Man thì phim bắt đầu kịch tính hơn hẳn và mọi chi tiết trong đoạn đầu mà người xem nghĩ là thừa thải đều trở nên logic. Mỗi chi tiết, mỗi lời thoại đều có ẩn ý và mỗi nhân vật đều có một vai trò nhất định trong câu chuyện. Khi phim kết thúc, người xem hiểu được phim nói về điều gì, thông điệp là gì, tâm lý của nhân vật như thế nào. Rõ ràng biên kịch của Dream Man đã làm rất tốt trong việc kể câu chuyện mà mình muốn kể và xác định rõ thông điệp gửi đến khán giả là gì.
Mặc dù phim đã được thực hiện từ 3 năm trước, kỹ xảo có phần lỗi thời, chưa được xuất sắc cho lắm, giao diện Facebook trong phim cũng đã quá cũ, nhưng những mặt tối mà phim phản ánh vẫn còn đúng với xã hội hiện tại. Các nhân vật cũng được xây dựng một cách chân thực, gần gũi, đúng với giới trẻ hiện tại. Đó là những cô cậu "rich kid" có nhà rộng, xe đẹp, gia đình hạnh phúc, sống chẳng cần phải lo nghĩ điều gì ngoài những lượt like và share Facebook. Đó là cô nàng hot girl dùng mọi thủ đoạn để được nổi tiếng, kể cả bán đứng bạn bè và bán rẻ nhân phẩm. Đó còn là một cậu sinh viên nghèo vừa đáng thương vừa đáng trách, ngưỡng mộ cuộc sống hoàn hảo của những rich kid kia nhưng thay vì cố gắng để vươn lên thì chỉ biết mải mê rong đuổi trong cái thế giới ảo do chính cậu tạo ra.
Dàn diễn viên trong phim chỉ toàn là những gương mặt khá mới, không phải là những cái tên của phòng vé nhưng lại thể hiện rất tốt. Ở thời điểm 3 năm trước mà Thanh Tú đã diễn rất tròn vai và tự nhiên, rõ ràng tài năng của cô nàng là thứ không thể phủ nhận và cô xứng đáng được xem là nữ diễn viên triển vọng của màn ảnh Việt hiện tại. Lý Bình, Đàm Phương Linh và Anh Tú cũng diễn rất khá, trong đó Anh Tú cũng là một diễn viên triển vọng nhưng tiếc là nhân vật của anh không có nhiều đất diễn. Thanh Duy thì phải nói là diễn xuất sắc, thể hiện được mọi sắc thái của một nhân vật có tâm lý và tính cách phức tạp. Điểm trừ của anh là giọng nói ở nửa đoạn đầu có phần...nữ tính quá mức khiến người xem không khỏi bật cười và đôi lúc khá "tụt mood". Nhưng cũng may là ở đoạn sau giọng của anh đã nam tính hơn nên cũng tạm chấp nhận được.
Nhiều điểm đáng khen là thế nhưng Dream Man vẫn còn mắc khá nhiều lỗi. Phim tạo được cảm giác ám ảnh tâm lý nhưng những đoạn hù doạ jumpscare vẫn còn khá cliché và buồn cười. Chẳng hạn như hình ảnh bà mẹ đầu tóc rũ rượi, lúc điên lúc tỉnh, lúc thì thầm lúc cười lớn, hình ảnh cô gái mặc váy trắng xoã tóc dài trong rừng, hay lúc bị nhốt trong phòng và đưa gương mặt sát camera để hù doạ khán giả...Tất cả những màn hù doạ này đều đã quá lỗi thời và nhàm chán đối với khán giả bình thường chứ đừng nói đến những tín đồ mê phim kinh dị.
Tuy vậy, nhìn chung, Dream Man vẫn là bộ phim kinh dị rất đáng khen và đáng xem, đặc biệt đây lại là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Roland Nguyễn. Còn nhiều điểm chưa tốt nhưng đối với một dự án của những gương mặt còn khá mới từ đạo diễn cho đến dàn diễn viên thì đây vẫn là một tác phẩm đáng để hoan nghênh. Phim tập trung vào phần tâm lý và khai thác những vấn đề tình bạn, những mối quan hệ ảo, mạng xã hội... chứ không phải theo kiểu kinh dị tâm linh, hù doạ theo kiểu ma quỷ như nhiều phim kinh dị khác, nên nếu bạn đã chán với các thể loại ma quỷ máu me thì Dream Man là lựa chọn không tồi để thưởng thức.