Sau khi đứng top doanh thu phòng vé quê nhà, Đừng Gọi Anh Là Bố! (MY GOD! FATHER) – phim hài, hành động đến từ Thái Lan chính thức được công chiếu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bộ phim của đạo diễn Pawat Panangkasiri, với sự tham gia của bộ ba diễn viên đình đám gồm Thanawat Wattanapoom, Chantavit Dhanasevi và Sammy Cowell, đã không đủ thuyết phục khán giả Việt, thậm chí ở các tình tiết hài hước.
Đừng Gọi Anh Là Bố! xoay quanh mối quan hệ bất hòa giữa Got (Wattanapoom) – tay đua chuyên nghiệp và người bố Prem (Dhanasevi). Một tai nạn xe hơi đưa anh trở về khoảng thời gian bố anh vẫn còn trẻ và vô tình trở thành bạn chí cốt của ông. Thông qua chuyến xuyên không kì diệu này, anh có cơ hội gặp lại mẹ và hiểu hơn về câu chuyện đằng sau tính cách cộc cằn của bố.
Lúc này, Prem là một chàng trai không sợ trời, không sợ đất, dễ dàng chiêu mộ những người cùng chí hướng vào băng đảng Đẹp Trai, nhằm diệt trừ xã hội đen khắp Thái Lan. Thế nhưng, khi quán bar của cô bạn gái Bew (Cowell) bị giang hồ thứ thiệt đòi địa bàn, băng đảng Đẹp Trai liên tục gặp những chuyện oái ăm và cậu con trai xuyên không cũng bị lôi vào chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm này.
Thất bại đầu tiên của Đừng Gọi Anh Là Bố! là sử dụng nhiều tình tiết hài hước quá cũ kỹ và không buồn cười. Phim theo motif quen thuộc: hài ngớ ngẩn, cao trào và cảm động lấy nước mắt như phần lớn phim về tình cảm gia đình khác.
Tuy nhiên, việc xây dựng tâm lý nhân vật hời hợt dẫn đến chuyện khán giả cười không nổi, khóc cũng không xong. Được giới thiệu lọt top doanh thu phòng vé nội địa nên người viết mong chờ một bộ phim chỉn chu, nhưng Đừng Gọi Anh Là Bố! chỉ trôi tuột, không đọng lại chút cảm xúc gì trong tâm trí sau khi xem.
Khi xuyên không về quá khứ và đồng hành cùng bố, Got nhận ra tính tình chính trực và lạc quan của ông, khác hẳn với một lão già bi quan của hiện tại. Điều duy nhất ở bố mà không thay đổi chính là việc ông không biết bộc lộ tình cảm dành cho người khác thế nào.
Người viết thấy được đây là ý tưởng tuy không mới nhưng có thể triển khai tốt trong Đừng Gọi Anh Là Bố!, thế nhưng tất cả đều được thể hiện qua những câu thoại suông, những đoạn diễn biến về băng đảng Đẹp Trai được tua ngược, chắp vá một cách vụng về.
Có lẽ để duy trì sự hài hước, vốn phù hợp với tông màu tươi sáng xuyên suốt phim mà Đừng Gọi Anh Là Bố! thiếu đi sự cao trào cần thiết để thuyết phục vào phần tình cảm gia đình.
Nhằm duy trì tinh thần lạc quan mà cuối phim, biên kịch quyết định bất chấp logic mà cho nhân vật thay đổi quá khứ để nhận được tương lai đầy tươi sáng. Đúng là phim du hành thời gian nào cũng vấp phải những hạt sạn, nhưng sạn trong phim quá vô lý và làm lệch đi thông điệp.
Ngoài thể loại hài thì Đừng Gọi Anh Là Bố! cũng có yếu tố hành động, chủ yếu tập trung vào đánh đấm. Những cảnh đánh nhau giữa băng đảng Đẹp Trai và giang hồ vừa có bạo lực, vừa chọc cười đủ để giải trí.
Nam chính Got được giới thiệu là một tay đua cừ khôi nhưng cảnh anh ấy đua xe còn ít hơn cả động tay động chân, hơn nữa lại có một cảnh đua xe của anh cũng không tạo cảm giác kịch tính hay ảnh hưởng tới cốt truyện.
Về phần diễn xuất thì ba diễn viên tham gia Đừng Gọi Anh Là Bố! đều là những gương mặt đình đám của điện ảnh Thái. Trong bộ phim đơn giản thế này thì phần thể hiện của họ cũng chỉ dừng ở mức tròn vai, ăn ý nhưng lại không có khoảnh khắc ấn tượng nào đọng lại.
Điểm sáng ở phim là tái hiện cảnh phố phường Thái Lan năm 1998, xem xong lại kích thích khán giả muốn đi du lịch, dù một vài cảnh dường như được dàn dựng trong phim trường và chưa kịp xử lý kỹ xảo.
Nhìn chung thì Đừng Gọi Anh Là Bố! thuộc kiểu phim giải trí “ăn liền”, xem xong cười nhạt và quên lãng.