Với những người yêu điện ảnh, có lẽ đều có chung cảm giác vừa háo hức vừa lo sợ mỗi khi thưởng thức tác phẩm mới của đạo diễn Christopher Nolan. Háo hức bởi những bộ phim của ông đều vô cùng hấp dẫn, lo sợ vì tác phẩm mới sẽ không vượt qua được những “cái bóng” trước đó. Bởi vậy khi bộ phim Dunkirk ra mắt, không ít khán giả lẫn giới phê bình tò mò nhiều hơn là mong đợi đây sẽ là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc.
Không siêu anh hùng, không khoa học viễn tưởng, Nolan sẽ làm gì để tái hiện sự kiện có thật trong lịch sử? Một thử thách vô cùng nguy hiểm! Nhưng khi Cuộc Di Tản Dunkirk diễn ra trên màn ảnh, một lần nữa tên tuổi của Christopher Nolan lại được khẳng định. Tuy nhiên đừng chờ đợi nó sẽ xuất sắc hơn những tác phẩm điện ảnh trước đó, hay sẽ là một bộ phim chiến tranh tái hiện lại sinh động và chân thực nhất về lịch sử… Thế thì có khác nào đến Ý chỉ biết mỗi Pizza. Hãy xem bộ phim với một “khẩu vị” khác, chắc chắn khán giả sẽ thấy đây là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc của vị đạo diễn lừng danh này.
Không dành cho khán giả dễ tính, mỗi bộ phim của Nolan luôn đòi hỏi khán giả phải tập trung cao độ từ nội dung, đến lời thoại, hành động của nhân vật. Với lối kể chuyện phi tuyến tính, khi thời gian, không gian và diễn biến tình tiết bị xáo trộn, đan xen, chồng chéo lên nhau, Cuộc Di Tản Dunkirk vẫn mang âm hưởng phong cách riêng đã đóng mác Christopher Nolan, đó là câu chuyện được kể từ 3 tuyến khác nhau, đem đến cho người xem cái nhìn đa chiều về cuộc chiến.
Một tuần trên bờ biển Dunkirk nơi hàng nghìn người lính phải chờ đợi cuộc tẩu thoát trong hoang mang khi bị dồn tới đường cùng. Phía trước là những làn đạn vô tình, trên đầu là máy bay địch công kích, sau lưng là đại dương bao la không lối thoát. Một cảm giác tuyệt vọng cùng cực.
Một ngày trên mặt biển là con tàu dân sự bé nhỏ, băng qua sóng lớn đại dương, đi thẳng vào trận chiến để giải cứu quân đội nước mình.
Và một giờ trên bầu trời là cuộc chiến đầy cam go của không quân Anh - Đức.
3 tuyến truyện tưởng như riêng biệt nhưng đích đến đều gặp nhau tại Dunkirk. Và khi tất cả những mảnh ghép được hoàn chỉnh, toàn bộ bức tranh về Cuộc Di Tản Dunkirk hiện lên đầy kịch tính. “Nhưng tôi lại muốn tìm kiếm một kiểu gay cấn khác” – Đạo diễn Nolan chia sẻ.
Như chúng ta đã xem những bộ phim chiến tranh thường lạm dụng quá nhiều bạo lực, bom đạn, cháy nổ, xác chết… nhiều khi chỉ mang đến cho người xem cảm giác phô diễn hình ảnh. Bởi vậy Nolan tái hiện Cuộc Di Tản Dunkirk với ngôn ngữ điện ảnh vừa nên thơ vừa khốc liệt, vừa vĩ đại nhưng rất con người.
Không tập trung sử dụng thủ pháp cận cảnh, đặc tả, hay chọn cắt nhanh các pha hành động để thể hiện những màn đánh nhau giáp lá cà của nhân vật hòng tăng sự ác liệt, tàn bạo của chiến tranh một cách nhân tạo, trong Dunkirk, đạo diễn Nolan tập trung sử dụng những đại cảnh hoành tráng, với những góc máy rộng, từ trên cao để lột tả sự mênh mông bao la đến vô tận của biển trời, tạo cảm giác con người thật nhỏ bé và cô độc, dù hàng nghìn người lính đang kề vai sát cánh, nhưng họ chẳng có nơi nào để ẩn nấp, ngoài việc phải đối mặt với cái chết, và con đường trở về nhà thì mù mịt không lối thoát.
Những cảnh chiến đấu và những chi tiết chết chóc trong phim được tối giản nhưng không đơn giản. Gần như khán giả không thấy màu đỏ của máu, hay những vết thương loang lổ trên thân thể người lính… thay vào đó Nolan sử dụng những sắc thái xanh làm tông màu chủ đạo. Từ bầu trời đến mặt biển ở trong phim không phải là màu xanh ngát của hy vọng, mà đó là màu xanh chàm nhạt, u buồn, lạnh giá dưới mặt biển khi con người ngập trong sự sợ hãi khi đối mặt với tử thần.
Cuộc Di Tản Dunkirk được Nolan sử dụng rất ít thoại. Khán giả sẽ không phải chăm chú vào lời thoại hay phụ đề, rồi phải tập trung cao độ vì chỉ cần xao nhãng vài giây là bạn có thể bị đứt mạch như trong những bộ phim trước đó. Ở Dunkirk lại khác, khán giả chỉ cần hướng mắt lên màn hình, và thả trôi cảm xúc theo những hình ảnh sống động kết hợp cùng âm thanh chân thực và âm nhạc đầy ám ảnh của Hans Zimmer. Tất cả như bản hòa âm dữ dội, đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào. Tiếng đạn bắn xối xả, tiếng phi cơ chiến đấu lướt ngang đầu, ngư lôi cùng đại bác oanh tạc xé tung cả chiến hạm… những âm thanh sống động kết hợp cùng giai điệu lột tả được đầy đủ sắc thái và những cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Không khai thác tiểu sử nhân vật, không cài cắm câu chuyện tình yêu cảm động, các nhân vật trong Dunkirk đều được thể hiện chân thực với dàn diễn viên ấn tượng. Đặc biệt là diễn suất của Tom Hardy sẽ có thể giúp anh có một đề cử Oscar với nhân vật người lính phi công kiên cường.
Nhưng sau tất cả những thủ pháp nghệ thuật trên, ý nghĩa sâu xa của Cuộc Di Tản Dunkirk qua con mắt của Nolan không phải là cuộc chiến giữa Anh-Pháp-Đức, mà điều những người lính phải đấu tranh còn đáng sợ hơn việc đối mặt với kẻ thù, đó là bản năng sinh tồn của con người trong cuộc chiến giữa sự sống và cái chết.
Cuộc Di Tản Dunkirk đẩy những người lính trong cảnh hoảng loạn tột cùng khi phải đối mặt với lựa chọn: Cố gắng giẫm đạp lên cơ hội sống sót của người khác để trở về hay là chết dưới bom đạn của kẻ thù. Đó là chi tiết những người lính phải đấu tranh lựa chọn ai là người phải ra ngoài để giảm trọng lượng cho con tàu có thể ra khơi. Ngay lúc đó, kẻ thù xuất hiện không phải thuộc chiến tuyến bên kia, cũng không phải cậu lính Pháp giả dạng người Anh, mà đó là sự nghi ngờ và lòng ích kỷ của con người. Đó là cái chết vô tình của cậu thanh niên yếu ớt trên chiếc tàu của người dân đang trên đường đến giải cứu Dunkirk. Sẽ có khán giả cho rằng nhân vật này bị thừa, vì tại sao Nolan lại đặt một nhân vật gần như vô danh, không đóng góp được gì nhiều trong bối cảnh câu chuyện như vậy, nhưng đây là một chi tiết rất đắt trong phim. Hãy nghĩ xem cái chết của cậu thanh niên không phải vì phát súng của kẻ thù, mà là vì cuộc chiến ích kỷ, hèn nhát của con người. Trong hoàn cảnh ấy, Nolan cũng cho chúng ta thấy “Số phận hành xử thông qua lòng dạ con người”, và tinh thần bất chấp hiểm nguy sẵn sàng tới Dunkirk của những người dân thường thật sự là những hành động anh hùng.
400.000 người trong một cuộc di tản vĩ đại của lịch sử chiến tranh thế giới, nhưng Christopher Nolan không tập trung xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng cụ thể, hay một câu chuyện điển hình, mà bộ phim tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của những người lính vô danh, những người dân hiền lành, yếu đuối… tất cả đều góp phần vào thành công của Cuộc Di Tản Dunkirk.
Và một chi tiết đặc biệt, cần được nhắc đến đó là trong Cuộc Di Tản Dunkirk không có bóng dáng của kẻ thù. Những người lính ở chiến tuyến bên kia chỉ xuất hiện qua dáng hình của những lỗ đạn trên thân tàu, qua chiếc máy bay lượn trên bầu trời, và trong những tiếng nổ vang trời làm dậy sóng cả mặt biển… Đây có thể coi là một chi tiết rất nhân văn, khi Nolan không nhằm xây dựng một kẻ thù đáng ghét nào, mà ở đó sẽ chỉ có con người với con người. Vì vậy, sẽ có phần thiếu công tâm nếu cho rằng bộ phim đã làm sai sự thật, bởi những gì Nolan thể hiện trong Cuộc Di Tản Dunkirk chỉ là mượn câu chuyện lịch sử để nói lên cuộc chiến sinh tồn của con người. Ở đó, hy vọng là vũ khí, sống sót là thành công, và chiến thắng vĩ đại nhất là được trở về nhà.
Sự kiện Dunkirk trong lịch sử thực chất là một thất bại, một cuộc đào thoát khổng lồ của lực lượng đồng minh nói chung và của nước Anh nói riêng trong thế chiến thứ 2. Bởi vậy không ít người lính có mặc cảm vì thấy mình là kẻ bại trận… nhưng Cuộc Di Tản Dunkirk qua những thước phim của Nolan người xem chỉ nhìn thấy bản năng của con người khi đối diện cái chết, đó là cuộc đấu tranh sinh tồn, để sống, phải sống … vì chiến tranh đã tạo ra cuộc đấu tranh đó, bởi vậy những người lính đáng thương hơn đáng trách, đáng được cảm thông hơn sự coi thường. Bởi chiến thắng không chỉ là tiêu giệt được kẻ thù mà: “Chỉ sống được cũng đã là chiến thắng”.
Với những gì đã thể hiện trong Cuộc Di Tản Dunkirk – có thể thấy Christopher Nolan không bị lặp lại nhưng vẫn là chính mình, đó là điều thành công nhất của bộ phim. Và chắc chắn Dunkirk sẽ đoạt giải Oscar, vấn đề chỉ là đạo diễn, kịch bản, diễn viên, âm thanh, âm nhạc… hay là đề cử phim xuất sắc nhất. Tất cả không phụ thuộc vào giải thưởng mà là sự công nhận của khán giả.
Và nếu có một sự so sánh nào đó, thì có thể ví von Chistopher Nolan là “Pavarotti của Điện Ảnh”. Xem Cuộc Di Tản Dunkirk cảm giác Hans Zimmer là chỉ huy, diễn viên là những nốt nhạc, còn Nolan đang ca lên bản opera do chính mình biên soạn, một bản opera vừa hùng tráng, vừa da diết, vừa dữ dội vừa dịu êm, tất cả chỉ có thể được thể hiện bởi âm giọng tuyệt vời, có thể lên tới tận cùng của các cung bậc cảm xúc.
Với lối kể chuyện đa tầng, đa nghĩa, các tình tiết diễn biến trong kịch bản như được phân bè, phân đoạn phức tạp, mỗi bộ phim của Christopher Nolan đều như một bản nhạc giao hưởng hoành tráng, tuyệt vời, thật sự khiến khán giả bị mê hoặc. Một khán giả đã chia sẻ về bộ phim với những cảm nhận rất sâu sắc thế này:
"Dunkirk có lối kể chuyện độc đáo mà ở đó hầu như không có bất kỳ nhân vật chính nào. Nhưng theo tôi, hai nhân vật chính trong bộ phim này, một là Chiến tranh, và một còn lại Hy vọng. Không đổ máu, không hoang tàn thế mà Dunkirk lại tạo ra một khía cạnh rất khác của chiến tranh. Tôi ngộp trong suy nghĩ về ý nghĩa của sinh tồn. Có người cho rằng sinh tốn bằng mọi giá cũng chính là hèn nhát. Bạn nghĩ sao?"
Thế mới thấy Nolan tài ở chỗ đó, ông luôn khiến khán giả phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi sau khi xem phim của ông. Ví dụ như câu hỏi dành cho nhân vật Farrier của Tom Hardy, rút cuộc số phận của viên phi công đó ra sao? Christopher Nolan khép lại Dunkirk không bằng một dấu chấm kết thúc mà là một dấu chấm hỏi. Lịch sử sẽ vẫn tiếp diễn và khán giả sau khi xem cũng sẽ có câu trả lời cho riêng mình.