Mới đây, Netflix vừa ra mắt series hài tình cảm Emily in Paris, xoay quanh cô nàng người Mỹ Emily Cooper (Lily Collins) có dịp đến Kinh đô Ánh sáng làm công việc trong mơ. Tuy nhiên, việc được cử đi bất ngờ khiến Emily trở tay không kịp, rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì rào cản ngôn ngữ và bất đồng văn hóa.
Để mở đầu bài review Emily in Paris, tác giả Robyn Bahr của tờ THR đã trích dẫn câu thoại: "You know what you look like to me, with your good bag and your cheap shoes? You look like a rube. A well-scrubbed, hustling rube with a little taste." của Dr. Lecter dành cho Đặc vụ Starling từ phim Sự Im Lặng Của Bầy Cừu, không phải để chỉ trích xuất thân nghèo hèn của cô, mà là ám chỉ sự khao khát vươn lên và bỏ lại quá khứ.
Ngược lại, nàng chuyên gia mạng xã hội Emily lại không có ý định thích nghi với sự giả tạo như những người xung quanh. Thậm chí, mục tiêu của cô nàng chính là Mỹ hóa những trưởng giả đồng nghiệp người Pháp.
Nhà sáng tạo Darren Star (Sex and the City, Younger) luôn thích thú việc khai thác hoài bão của nữ giới, dù bộ phim mới nhất của ông có thể không sâu sắc bằng những tác phẩm trước. Emily là một chuyên gia marketing ưa nhìn đang làm việc tại Chicago. Rủi thay, sếp cô (Kate Walsh) không thể đến Paris nhận việc theo hợp đồng và Emily được chỉ định làm người thay thế – dù cô chưa bao giờ nói tiếng Pháp.
Tự tin khoe cá tính, Emily bay thẳng đến Paris với quyết tâm “truyền tải quan điểm Mỹ” đến một thương hiệu Pháp, không cần biết sự bất đồng văn hóa chính là điểm yếu, thay vì là ưu điểm như cô tưởng. Đặt chân đến Pháp, ai giao tiếp với cô đều phải dùng tiếng Anh, nhưng cô vẫn tin rằng bản thân siêu phàm không kém gì những người xung quanh.
Sự ngạo mạn của Emily hóa ra lại là điểm khiến người viết thích thú. Xuyên suốt 10 tập phim, người viết tận hưởng chứng kiến sự sảy chân của nữ chính. Dù cuối mỗi tập phim vỏn vẹn nửa tiếng, cô đều chiếm ưu thế nhưng con đường dẫn tới thành công của cô chỉ trải thảm gai. Từ bất đồng ngôn ngữ cho tới những tình huống giao tiếp tréo ngoe, Emily chính là nạn nhân của chính bản thân cô. Được cái cô sẵn sàng lấy lòng người khác, lật ngược tình thế với nụ cười thảo mai.
Dù người viết có hơi mỉa mai nữ chính nhưng nhìn chung, Emily in Paris là một series đáng xem, nội dung, trang phục và nhân vật đều tròn trịa. Khi Emily đến Paris, khán giả chứng kiến cô chật vật hợp tác với những đồng nghiệp mới, dù cuối cùng cô cũng thắng thế trước Julien giả trân (Samuel Arnold) hay Luc lập dị (Bruno Gouery). Khi Emily cố gắng áp đặt những giá trị vô trùng từ công ty tại Mỹ, đồng nghiệp đã chơi khăm và gọi cô là “la plouc” nghĩa là “đồ hai lúa”. Sự khiêm tốn của Emily sẽ khiến tâm hồn độc địa của bạn phải cười khẩy.
Từng xu nịnh cố vấn nữ, Emily chưa chuẩn bị tinh thần bị bà sếp mới Sylvie (Philippine Leroy-Beaulieu) sát phạt. Là một phụ nữ trưởng thành, Sylvie không chút hứng thú với các chiến dịch xã hội của Emily trên Instagram, vốn thể hiện quan điểm nữ quyền.
Sylvie thất thế trước lòng tự trọng và cảm xúc rõ ràng của cô gái trẻ, thậm chí là không hài lòng trước sự xuất hiện của Emily. Với bà, tình dục chính là một cách sống. Bà không ngần ngại “lên giường” với khách hàng đã có gia đình, mạnh dạn tuyên bố “không phải là một nhà nữ quyền”. Những phụ kiện mà Emily tưởng rằng đôi bông tai, hóa ra là khuyên ngực mà người tình Sylvia tặng cho bà ta.
Emily in Paris không phải là câu chuyện về sự thay đổi như Audrey Hepburn trong Sabrina, Anne Hathaway trong The Devil Wears Prada hay Billy Ikehorn trong Judith Krantz's Scruples, Emily hoàn toàn không phải là một ả nhà quê chực chờ lột xác. Khi đến Paris, cô hoàn toàn có phong cách riêng, mái tóc nâu lượn sóng cùng tủ quần áo xịn xò với những cái mũ beret kiêu kỳ. Emily đủ quyến rũ đến mức mê hoặc 6 người (theo người viết đếm) xuyên suốt 10 tập phim.
Emily có thể không chấp nhận sự khiêu khích tình dục được thêu dệt trong văn hóa Pháp – cô sốc trước những cử chỉ ngoại tình công khai, ngượng ngùng khi khách hàng tặng nội y. Sau khi chia tay với chàng bạn trai mọt sách người Mỹ, cô hẹn hò với các chàng “fuck-boy”, bao gồm cả cậu nhóc vị thành niên. Sau tất cả, Emily chỉ để mắt đến chàng đầu bếp điển trai Gabriel (Lucas Bravo), người giúp cô thoát khỏi dòng nước lạnh từ vòi sen, bà chủ nhà khó tính và sự ghét bỏ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Gabriel lại có một cô bạn gái ngọt ngào Camille (Camille Razat), nhanh chóng kết thân với Emily.
Nữ diễn viên Lily Collins kiêm vai trò sản xuất cho Emily in Paris, tự tin vào phong cách Mỹ độc đáo của Emily, nhưng nhân vật lại không có đủ kịch tính hay hài hước để thể hiện xuyên suốt series. Các biên kịch đã không nói nhiều về xuất thân của Emily, ngoài việc từng sống ở ngoại ô Illinois, không có mối liên hệ về gia đình, bạn bè hay người thân để Emily nhớ nhung về nước Mỹ. Collins đã thiếu đi điều này để phát triển nhân vật. Tương tự, ngôi sao Broadway là Ashley Park cũng không có nhiều đất diễn trong Emily in Paris, ngoài việc là cô bạn Trung Hoa Mindy của Emily trên đất Pháp.
Đã không có nhiều yếu tố cá nhân, Emily lại còn ít đất diễn cho thấy tài năng. Trái với mong đợi của khán giả là thể hiện quan điểm Mỹ, Emily chỉ lướt lướt điện thoại, đăng tải hình ảnh và kèm hashtag.
Để chứng tỏ năng lực, cũng như sức ảnh hưởng tại sự kiện mỹ phẩm, Emily đã lấy một trái dâu khỏi khu vực trang trí, giơ điện thoại lên mặt và đọc thoại một cách giả trân, rồi cắn cái một. Vậy mà biên kịch cả gan đem đoạn video này cho các nhà tổ chức sự kiện, cho họ khen lấy khen để.
Công ty cũng nhận thấy sức ảnh hưởng của Emily đến người xem và khi thảo luận với các đồng nghiệp, cô hỏi “Mọi người không muốn thấy người hùng thắng hả?”, Luc trả lời: “Không. Chúng tôi chỉ muốn xem đời thật”. Tác giả cũng thế, muốn xem mấy tình huống bẽ mặt thôi.
Nguồn: THR. Ảnh: Netflix & Screenshot