Khả năng diễn đạt bằng hình ảnh luôn tốt hơn lời nói nên thật dễ hiểu khi các ký tự hình ảnh đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của mỗi người. Vì vậy, việc các emoji có cho mình một bộ phim riêng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Phim sẽ đưa các bạn vào thế giới tưởng tượng bên trong chiếc điện thoại của cậu bé Alex, nơi mà mỗi ứng dụng trở thành một thành phố riêng biệt. Tại thành phố Textopilis, mỗi emoji đều có chức năng riêng và sống cả đời để tuân theo những ràng buộc. Tất cả, chỉ trừ một emoji có tên Gene. Gene thờ ơ (meh) nhưng lại tự hình thành thêm nhiều biểu cảm khác. Trong lần đầu làm việc Gene đã làm hỏng tin nhắn của Alex khiến cậu bé nghĩ điện thoại bị hỏng và quyết định sẽ đi xóa dữ liệu. Gene buộc phải bắt đầu chuyến hành trình khó khăn để ngăn Alex, đồng thời tìm lấy tự do cho bản thân. Đồng hành cùng cậu là Hi-5 (emoji bàn tay) và emoji đáng yêu Jailbreak.
Motif cũ này đã từng xuất hiện trong rất nhiều trong các bộ phim hoạt hình nhưng những gì Đội Quân Cảm Xúc thực hiện không phải là làm mới nó, mà là khiến nó trở nên nhàm chán hơn. Phim mở đầu bằng quang cảnh thành phố Textopolis tấp nập những emoji đang đi lại, kế đến là giới thiệu một vài emoji bằng phong cách hơi lố. Để làm gì vậy? Thành thật mà nói cảnh mở đầu ấy diễn ra một cách gượng ép. Và trong phim sẽ còn rất nhiều cảnh tương tự như vậy nữa, hai trong số đó bạn có thể bắt gặp trên trailer của phim. Đó là cảnh hai cha con nhà “cục ị” bước ra từ WC và cảnh Hi-5 ăn lại miếng kẹo, người viết không thấy có gì buồn cười trong hai cảnh ấy cả.
Chuyến hành trình đưa bộ ba đi vòng khắp các thành phố trong chiếc điện thoại nhỏ bé. Từ Facebook, Instagram, những game nổi tiếng như Candy Crush, Just Dance thậm chí là đến cả Thùng rác. Nghe thì có vẻ thú vị nhưng khi xem lại thấy chán như con gián. Điệu nhảy emoji cũng không mấy ấn tượng. Đáng lý ra với một chủ đề mới mẻ và thú vị vậy, các nhà làm phim hoàn toàn có thể tạo ra một Emoji với nhiều cung bậc cảm xúc. Nhưng những gì họ làm chỉ là cho nhân vật chạy qua chỗ này một chút, ghé chỗ kia một chút, khó có thể đọng lại cảm xúc gì từ một chuyến hành trình như vậy. Phân đoạn tình cờ tìm thấy kỉ niệm cũ của Alex trong thùng rác quá thiếu cảm xúc, trong khi ở hoàn cảnh tương tự Inside Out đã có thể lấy được nước mắt của khán giả.
Sẽ là không sai khi nói Emoji giống như một phiên bản lỗi của Inside Out. Thay vì thâm nhập vào trí óc thì giờ đây ta có một nhóm các Emoji ngồi trước bàn cố gắng làm hài lòng Alex - chủ nhân của chiếc điện thoại. Nhưng cái cách mà mọi chuyện diễn ra và khâu nhân vật trong Emoji chưa tốt lắm. Về nhân vật, Gene có rất nhiều chi tiết lố bịch. Tiêu biểu là cảnh Gene làm hỏng tin nhắn của Alex. Người bạn đồng hành Hi-5 mang lại một số chi tiết khá hài hước và thú vị, nhưng ngoài những lúc đó ra Hi-5 trở nên ồn ào và nói nhảm không ngừng nghỉ. Có lẽ chị có cặp vợ chồng Thờ ơ, cha mẹ của Gene, là để lại ấn tượng đối với khán giả với chuyện tình đẹp , những cái thở dài và phong cách nói chuyện đúng kiểu thờ ơ.
Điểm sáng của phim còn đến từ việc sử dụng những gam màu bắt mắt cùng với những tạo hình emoji ngộ nghĩnh, hẳn sẽ khiến các bé thích mê. Thành phố Textopolis được tạo dựng như một bức tranh sinh động cho thấy khâu hình ảnh được trau chuốt rất kĩ lưỡng. Khâu âm thanh rất tốt với những bài nhạc sôi động, bắt tai kết hợp tốt với cảnh nhún nhảy của các nhân vật. Những giai điệu sôi động của bài Feel This Moment hẳn sẽ dễ dàng khuấy động cả khán phòng.
Rõ ràng đối tượng nhắm đến của Emoji là trẻ em nhỏ tuổi, nhưng người viết khá e ngại liệu ở lứa tuổi này chúng đã biết đến những thứ như Trojan Horse hay là Jailbreak chưa? Hơn nữa, việc lấy cớ nhắm đến trẻ em nhỏ tuổi để tối giản hóa việc xây dựng nội dung là khó có thể chấp nhận. Tuy có tên là Emoji: Đội Quân Cảm Xúc nhưng kết phim chẳng để lại chút cảm xúc nào. Hoàn toàn dễ hiểu khi Emoji bị chê bai thậm tệ trên IMDB (1,5/10) và Rotten Tomatoes (6%).