Gái Già Lắm Chiêu 2 mặc dù không quá xuất sắc, nhưng có lẽ sẽ hợp với thị hiếu của phần đông khán giả đại chúng Việt Nam khi hội đủ các yếu tố: hài, dễ xem và không phải động não.
Mặc dù có tên là Gái Già Lắm Chiêu 2, nhưng bộ phim lại không phải là phần tiếp theo của phần 1, mà là một câu chuyện khác hoàn toàn. Dù vậy, vẫn có chung mô tuýp là gái già yêu trai trẻ.
Quyên (Ninh Dương Lan Ngọc) là host của một chương trình truyền hình nổi tiếng chuyên “bóc phốt” giới nghệ sĩ và showbiz. Định mệnh đưa Quyên gặp Khôi – một “male escort” (trai bao) trẻ tuổi và cuối cùng, sau bao sóng gió trong cuộc đời, 2 người đến với nhau.
Gái Già Lắm Chiêu 2 là một phim chick-flick hợp thời và dễ xem, được làm ra không vì mục đích gì khác là giải trí theo phong cách bình dân cho khán giả. Mạch phim khá gọn, không quá dài dòng và lôi thôi, đủ sức giữ khán giả theo dõi câu chuyện mà không phải ngáp ngắn ngáp dài. Nếu so với các thảm họa phim chick-flick và remake Việt khác như Thử Yêu Rồi Biết, Lala: Hãy Để Em Yêu Anh, Yêu Em Bất Chấp… vốn là những phim được xếp vào hàng “không thể xem được” thì Gái Già Lắm Chiêu 2 có thể tự tin là mình được xếp vào hàng “xem được”.
Phim được đầu tư rất “khủng” về mặt trang phục và bối cảnh. Từng thước phim đều đẹp và hào nhoáng, mang đến cho khán giả một thế giới như mơ, ở đó có nàng “máy bay” đẹp gái và giàu, 33 tuổi (được đóng bởi một diễn viên nữ 28 tuổi) và chàng “phi công” 25 tuổi giàu và đẹp trai, cộng thêm thân hình 6 múi (được đóng bởi một cậu nhóc 22 tuổi), yêu nhau. Cũng bởi vì Gái Già Lắm Chiêu 2 dễ xem nên khi màn hình chạy credit, chúng ta có thể quên hết về nó, trở về với cuộc sống hiện tại và tiếp tục mơ về một ngày được sống như trong phim (điều này có thể chẳng bao giờ sẽ xảy ra nhưng ai đánh thuế giấc mơ đâu nhỉ?).
Cặp đôi diễn viên chính trong phim không quá nổi bật ngoài chuyện lên hình nhiều bởi mọi sự chú ý đã được dành hết cho các diễn viên phụ, bao gồm 3 cô bạn thân của Quyên là Đài Trang (Phương Lan), Kiki Ngô (Thùy Anh) và Maria Cao (Thoại Tiên), thêm vào đó là nhân vật Nicky (Hứa Minh Đạt).
Trong đó, nổi bật nhất là Phương Lan và Hứa Minh Đạt – 2 cây hài của bộ phim, mỗi lần xuất hiện đều khiến người xem phải cười nghiêng ngả. Hứa Minh Đạt vốn đã có nhiều kinh nghiệm ở mảng hài nên chuyện anh làm tốt cũng không có gì lạ. Khá bất ngờ đối với nhiều khán giả là nhân vật Đài Trang của Phương Lan, cô nàng nói giọng Huế có phần tưng tửng, mê trai và hay làm lố, đã được Phương Lan thể hiện rất duyên dáng và dễ thương. Nhưng sự hài hước của Đài Trang sẽ không thể bật lên được nếu thiếu 2 cô bạn thân là Kiki Ngô do nữ diễn viên của Đập Cánh Giữa Không Trung – Thùy Anh thủ vai, và Maria Cao của người mẫu lần đầu đóng phim Thoại Tiên. Bộ ba này đã mang đến cho khán giả nhiều tình huống dở khóc dở cười khá hài hước, tạo điểm nhấn cho câu chuyện.
Về bộ đôi nhân vật chính thì mặc dù Lê Xuân Tiền đã làm tròn vai trò của mình, nhưng đôi lúc giọng nói vẫn còn hơi đơ và thoại như trả bài. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể được khắc phục được nếu anh chịu khó học hỏi và thực hành nhiều hơn nữa. Nói về giọng (không nói về diễn xuất) thì tôi cũng dành lời khen cho ST (365). Mặc dù chỉ đóng nhân vật phụ, nhưng so với lúc tôi gặp anh trong Cô Ba Sài Gòn với phần thoại đọc như robot thì sang đến phim này đã tiến bộ khá nhiều, nói tròn chữ và có lên xuống hẳn hoi.
Ninh Dương Lan Ngọc thì vẫn đi theo lối mòn là diễn xuất có phần cường điệu và thái quá. Phong độ của cô nhiều lúc không ổn định, đoạn này làm khá ổn, đoạn sau lại quay về với cách diễn cũ. Phân đoạn cao trào khi cô đứng trên sóng truyền hình và bày tỏ tình cảm với “phi công” chỉ khiến người xem chỉ muốn nhăn mặt. Đây cũng là phân đoạn khiến phim mất điểm do cách xây dựng quá sến, lỗi thời và hời hợt. Đoạn kết với kiểu nhân vật đứng “phát biểu cảm nghĩ” của mình trước nhiều người là mô tuýp đã quá nhàm chán, xuất hiện trong các phim như Cô Ba Sài Gòn, Mùa Viết Tình Ca… và nay lại tiếp tục được tận dụng. Thêm vào đó là cảnh nam nữ chính bày tỏ cảm xúc với nhau giữa đường xe chạy có phần kỳ khôi và hơi tức cười. Đáng lẽ phim đã có thể làm tốt hơn nếu đoạn kết không quá nhạt như thế.
Thêm một điều đáng tiếc nữa là việc phim “đá đểu” một số người nổi tiếng trong giới showbiz, cũng như nhiều trang báo lá cải làm có phần hơi nhẹ tay. Các chi tiết này nếu được thực hiện mạnh tay, “chặt chém” liên tục thì phim sẽ thú vị hơn nhiều. Các tình tiết này có thể trở thành các Trứng Phục Sinh (Easter Egg) để người xem ngồi soi như trong nhiều phim Âu Mỹ.
Để khỏi lạ lẫm cho các bạn khi xem phim thì Quyên trong phim được gọi là Ms. Q còn Khôi hay được gọi là Jack. Đây là điểm tôi rất không thích ở Gái Già Lắm Chiêu 2 bởi cái kiểu gọi tên và nói chuyện sặc mùi nửa nạc nửa mỡ, Anh không ra Anh, Việt không ra Việt. Đáng lẽ nếu tiết chế lại thì sẽ dễ làm khán giả có cảm tình hơn.
Một số tình huống của phim làm hơi lố, kịch và cho thấy sự sắp đặt quá lộ liễu như cảnh các nhân vật nữ ngồi trong quán cà phê và lôi ra một hộp quà chứa đầy sextoy, hay cảnh ba cô nàng bạn thân của Quyên đột nhập vào bữa tiệc tại nhà riêng của Trần Giang (ST) quá dễ dàng… Tuy nhiên, vì tính chất của phim nên đối với các khán giả dễ tính thì cũng không đến nỗi khó chấp nhận lắm, bởi đã được bù loại bởi sự hài hước vừa đủ mà không quá cường điệu và không quá ghê như các phim hài nhảm chiếu dịp Tết.
Gái Già Lắm Chiêu 2 hẳn sẽ là một lựa chọn thích hợp dành riêng cho các cặp đôi “máy bay, phi công” muốn tìm một bộ phim tình cảm, giải trí nhẹ nhàng, đẹp và hài hước trong mùa Giáng Sinh năm nay.