Là một trong những bộ phim hoạt hình hiếm hoi ra mắt khán giả vào dịp Quốc Khánh, thế nhưng, Happy Family (tựa Việt: Gia Đình Là Tất Cả) khó có thể đem lại niềm vui trọn vẹn cho gia đình.
Bộ phim theo chân một gia đình rắc rối đi tìm bà phù thuỷ độc ác, kẻ đã biến họ trở thành những con quái vật, để lấy lại nhân dạng như xưa. Thật chất, đó chính là hành trình tìm kiếm hạnh phúc của gia đình họ. Như đại đa số gia đình ở đô thị ngày nay, gia đình này gồm 4 thành viên: người cha Frank luôn bù đầu bù cổ vào công việc, chị gái Fay đang trải qua tuổi dậy thì với những cảm xúc ẩm ương, cậu em mọt sách Max dễ bị bắt nạt và nhân vật trung tâm – người mẹ Emma luôn cố gắng đem lại niềm vui nho nhỏ cho cả nhà. Với những tính cách khác nhau, gia đình Emma vấp phải những mâu thuẫn không đáng có và khi nỗi thất vọng dâng trào, hẳn nhiên sẽ có người thứ ba xen vào.
Khoan bàn đến diễn biến, chỉ xét về nội dung thôi, Gia Đình Là Tất Cả cũng gây bối rối cho các bé, dù đây là đề tài mới lạ. Các bộ phim hoạt hình cộp mác G (cho mọi lứa tuổi) hiện nay đều xây dựng thông điệp hãy tự tin là chính bản thân mình, không quan trọng vẻ bề ngoài, ngưng phân biệt đẳng cấp, những điều nhỏ bé nhất vẫn có thể cứu cả thế giới. Nếu có bộ phim về sự mâu thuẫn, rời bỏ gia đình thì cũng nghiêng về người con nhiều hơn, nhưng Gia Đình Là Tất Cả lại hướng về người mẹ, hướng về yếu tố hôn nhân, yếu tố này hơi quá so với một đứa trẻ dưới 10 tuổi. Trong mắt trẻ em, yêu – ghét, vui – buồn vô cùng rõ ràng, thế nên yếu tố hạnh phúc – không hạnh phúc có vẻ hơi to lớn và trừu tượng. Dưới góc nhìn của trẻ con, khi gia đình Emma đang cãi nhau, là vì cả bốn thành viên đang tức giận, chứ không phải không hạnh phúc. Dù trước đó gia đình họ cũng có vài mâu thuẫn nhưng trẻ em có khả năng kết nối các sự kiện lại được không?
Những thông điệp mà Gia Đình Là Tất Cả muốn gửi gắm đến là: hạnh phúc gia đình là số một, vẻ bề ngoài không quan trọng bằng nét đẹp tâm hồn, kẻ đáng sợ luôn là kẻ cô đơn; nhưng việc truyền tải lại không mấy suôn sẻ... Khi các thành viên trong gia đình bị tách biệt, họ tìm thấy hạnh phúc riêng, họ đắm chìm trong niềm vui ấy trong phút chốc nhưng sau cùng, những hoài niệm về gia đình khiến họ tự xích lại gần nhau. Nhưng yếu tố ấy lại được thể hiện quá dài dòng, đặt khán giả vào thế chịu đựng. Mặt khác, hai thông điệp còn lại, vốn dành cho trẻ em thì được xây dựng chớp nhoáng và kiêng cưỡng.
Trẻ em đa phần rất hiếu động, nếu muốn chúng ngồi yên trong rạp phim thì diễn biến cần được đẩy nhanh hơn và lượt bớt vài chi tiết thừa và quá khó hiểu. Bên cạnh đó, đâu phải bé nào cũng biết các easter egg như: nhân vật xác ướp Imhotep, chương trình thực tế Next Top Model và loạt ẩn ý khác. Có thể các bé sẽ cười trước những tình huống khó đỡ của bộ phim, nhưng việc đọng lại các tình tiết đấy để diễn sâu lại thì có lẽ chưa đủ gây ấn tượng.
Điểm cộng của Gia Đình Là Tất Cả dành cho phần hình ảnh và âm thanh. Những nét vẽ vô cùng chân thực và bắt mắt, tái hiện được hình ảnh nước Mỹ ngột ngại, Anh Quốc kiêu sa, Ai Cập nóng bức và thậm chí là lâu đài Dracula đầy đáng sợ. Không những thế, tạo hình của các nhân vật được trau chuốt vô cùng xinh đẹp với bá tước soái ca Dracula đầy bóng bẩy tự cao, người cha trong bộ dạng Frankenstein lúc nào cũng vật vờ, người mẹ Emma ra dáng người phụ nữ của gia đình và các nhân vật phụ khác đều để lại chất riêng. Cả phần âm thanh lẫn nhạc nền đều được sử dụng một cách hợp lý, có thể đẩy đưa cảm xúc của khán giả.
Không hay xuất sắc nhưng không tới mức dở tệ, phụ huynh có thể dắt con em đến rạp thưởng thức và trao đổi những bài học hay ho. Gia Đình Là Tất Cả có thể là bộ phim phù hợp nhất với các khán giả nhí trong ngày lễ Quốc Khánh này.