Gintama là bộ truyện tranh dòng shounen của tác giả Hideaki Sorachi được đăng trên tạp chí Jump từ năm 2013. Từ khi được xuất bản, bộ truyện luôn nhận được sự chào đón nồng nhiệt của cộng đồng fan nhờ nội dung sáng tạo, sâu sắc, hài hước và trào phúng đặt trưng với hơn 50 triệu bản được bán ra ở thị trường nội địa.
Luôn nằm trong danh sách những bộ manga khó dựng thành live action nhất vì nhiều yếu tố như số lượng nhân vật đồ sộ, bối cảnh giả tưởng khó xây dựng, nội dung mang nhiều yếu tố người lớn, vậy mà đột nhiên vào tháng 6/2016, trên tạp chí Jump thông báo Gintama sẽ có live action xuất hiện làm xôn xao cộng đồng fan. Kinh ngạc, hoài nghi, hoang mang, lo lắng là những cảm xúc đầu tiên, cũng dễ hiểu vì live action thường là một phá đi nguyên tác, hai là làm chưa tới nhạt nhòa, biết bao nhiêu live action đã đi vào vết xe đổ ấy, khiến mỗi lần nhắc đến là không khỏi lắc đầu ngao ngán. Ngay cả chính tác giả manga Sorachi-sensei cũng đã nhiều lần từ chối chuyển thể thành live action, lấy lý ông không muốn có live ation khi manga vẫn còn đang sáng tác.
Vậy tại sao live action lại được ra đời? Chính đạo diễn của live action Yuichi Fukuda là người đã thuyết phục thành công Sorachi-sensei (sensei đã xem và rất thích 2 phim hài, drama là Yuusha Yoshihiko và Aoi Hono do chính Fukuda làm đạo diễn). Có được sự ủng hộ của tác giả manga chẳng phải là một điều đáng quý lắm sao?
Cơ duyên đến với Gintama của đạo diễn Fukada cũng nhiều thú vị. Lần đầu nghe đến Gintama của ông là khi dân tình so sánh Gintama với bộ phim Yuussha Yoshihiki vì sự giống nhau ở các tình huống gây cười, lúc đấy ông đã hơi khó chịu vì bị nói tác phẩm của mình giống một tác phẩm xa lạ nào đó. Cũng từ đó cái tên Gintama in dấu trong đầu ông, để rồi khi nhà sản xuất Shinzo Matsuhashi (cũng là đồng sản xuất live action Rurouni Kenshin) hỏi ông “Tôi đang muốn làm một bộ phim mới, anh có ý kiến gì hay không?” và câu trả lời của đạo diễn của chúng ta là? Đúng vậy, Gintama live action!
Phần live action lần này chủ yếu gồm 2 hồi, đầu tiên là hồi "Bắt bọ" và hồi tiếp theo, cũng là hồi chiếm chủ chiếm thời lượng bộ phim, hồi về thanh ký sinh kiếm "Benizakura". Đồng thời kết hợp thêm một số cảnh để có thể giới thiệu nhân vật, các mối quan hệ cơ bản giữa họ và để kết nối mạch phim. Có thể tóm tắt như sau:
Gintama diễn ra trong một thế giới giả tưởng, nơi mà người ngoài hành tinh gọi là amanto (nghĩa là người trời) xâm lược trái đất. Mạc Phủ lúc bấy giờ không thể đấu lại sức mạnh tiên tiến vượt trội của những kẻ ngoại ban, chịu đầu hàng, mở cửa chào đón amanto, làm bù nhìn cho chúng. Một trong những động thái để kìm giữ không cho nhân dân nổi dậy của chính quyền Mạc Phủ chính là ban hành luật phế đao, tước đi địa vị đã từng được rất trọng vọng của tầng lớp samurai. Giữa khung cảnh chính trị xã hội rối ren ấy, vẫn có một người không chịu buông bỏ thanh kiếm của mình, linh hồn của samurai vẫn sống và cháy bỏng trong anh, chàng trai ấy chính là Sakata Gintoki (Shun Oguri đóng).
10 năm trước, trong cuộc chiến với lũ amanto, anh từng là một Nhương Di (Jouishishi) khét tiếng với biệt danh Bạch Quỉ, mang lại nỗi khiếp sợ cho kẻ thù lẫn đồng đội, tung hoành trên chiến trường như một cơn gió nhuốm màu đỏ thẫm của máu. Giờ đây, ác quỷ năm nào đã biến thành một kẻ lười biếng, thích ăn ngọt đến mức cận tiểu đường, tự mở "công ty tư nhân" đặt tên là Yorozuya Gin-san, nhận đủ mọi công việc từ tìm mèo lạc đến theo dõi các vụ ngoại tình, miễn có tiền là anh làm tất. Dòng đời đưa đẩy, Gintoki gặp được hai sao quả tạ, Shinpachi Shimura (Masaki Suda) 16 tuổi, một thanh niên nghiêm túc với 90% là kính, mang ước mơ mở lại võ đường của cha và Kagura (Kanna Hashimoto) 14 tuổi, cô bé amanto thuộc chủng tộc Yato nổi tiếng thiện chiến, một quái vật thực sự núp dưới lớp loli dễ thương. Cả ba anh em người nhà Yorozuya dù bình thường có thể dành ăn đến đánh nhau u đầu bể trán nhưng tình cảm lại bền chặt đến không thể tách rời, dù không chung dòng máu như lại gắn bó hơn ruột thịt.
Câu chuyện về Benizakura bắt đầu khi Katsura Kotaro (Masaki Okada), đồng đội xưa kia của Gintoki bị mất tích bí ẩn, đồng thời lời đồn đại về một sát nhân trảm thủ đang tung hoành ở Edo mang thanh kiếm quỉ dị phát sáng đỏ tựa màu hoa sakura đêm. Không thể làm ngơ, trên hành trình tìm kiếm Katsura, bộ ba Yorozuya bị cuốn vào cuộc chiến với quỷ kiếm, tình cờ khám phá ra một âm mưu khủng bố còn lớn hơn nhằm vào thành phố Edo. Hắn đã trở lại, Takasugi Shinsuke (Tsuyoshi Domoto) thủ lĩnh Kiheitai (Binh Đoàn Quỉ) cũng là Nhương Di nghĩa sĩ cực đoan nhất, mang trái tim nhuốm màu thù hận với mong muốn hủy diệt tất cả. Sự thật về thanh kiếm kí sinh Benizakura hay âm mưu của Takasugi là gì, liệu kết quả của cuộc chiến giữa 3 con người đã từng là đồng đội sẽ dẫn đến đâu? Tất cả sẽ có trong Gintama live action: Shinyaku Benizakura-hen.
Với dàn diễn viên toàn trai xinh gái đẹp, không phải là diễn viên thực lực cũng là idol xứ Phù Tang, cộng thêm độ nổi tiếng của manga - ainme gốc, không khó hiểu khi Gintama đã gây được chú ý từ những ngày đầu. Tin tức lẫn hình ảnh hậu trường của bộ phim đều được cập nhật đầy đủ, hứa hẹn sẽ là bom tấn mùa hè ở thị trường nội địa. Và đúng như vậy, Gintama live action hiện là phim live actionđạt được thành tích đáng nể 3 tỉ yên sau 30 ngày công chiếu, trở thành live action đầu tiên của năm 2017 đạt được con số này. Vì sao Gintama live action lại có thể thành công, nổi lên như một hiện tượng trong xu hướng bão hòa live action như hiện nay?
Thứ nhất phải nói đến đội ngũ quảng bá phim đã làm quá tốt, từ việc lập các trang chính thức trên Twitter, Instagram, biết khi nào thu, khi nào tung hình ảnh tin tức ra để thu hút người xem nhất; những ngày đầu thì nửa kín nửa hở bí ẩn, hình ảnh mờ ảo, càng về gần ngày công chiếu thì toàn thính chất lượng như clip hậu trường, phỏng vấn, hình ảnh tràng ngập; rồi tổ chức premiere với sự tham gia của dàn diễn viên đầy màu sắc, tất cả đều để lại ấn tượng tốt. Ngay cả việc phát hành bản truyền hình Matsuba-hen trước khi công chiếu live action chính thức tại rạp cũng là một nước đi quảng bá thông minh. Thêm nữa live action nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chính tác giả Sorachi-sensei bằng cách dí dỏm rất bá đạo đặc trưng của ông, trong một cuộc phỏng vẫn ông nói "Jiro Sato trong bộ phim Aoi Honoo thật tuyệt cú mèo, nên tôi muốn bản phim chuyển thể từ manga của tôi có sự tham gia của anh ấy hơn là thằng cha đạo diễn" (Jiro Sato là chú đóng vai Henpeita Takechi trong Gintama live action, cũng là diễn viên đóng trong phim drama chuyển thể Aoi Honoo do Yuichi Fukuda đạo diễn). Ngay cả tác giả đã công khai ủng hộ thì chẳng phải là một bảo chứng vững vàng hay sao. Chắc chỉ có trong thế giới Gintama ta mới gặp nơi mà các nhân vật tụ tập trơ mặt công khai quảng cáo phim live action, nhưng vẫn không quên pha trò bựa đi từ manga đến anime.
Điểm thứ 2 mang đến thành công của live action chính là phần diễn xuất thuyết phục của dàn diễn viên, nhất là của diễn viên chính Shun Oguri trong vai Gintoki. Shun Oguri vốn không xa lạ với các phim chuyển thể live action với bản danh sách các live action đã từng tham gia khá ấn tượng như Lupin III, Hana Kimi, Nobunaga Concerto, Crows Zero, đến vai Gintoki thì khả năng diễn xuất của anh chín mùi hơn bao giờ hết, cứ như sinh ra để diễn gã samurai tiểu đường vậy. Đừng để mấy tấm poster đã bị photoshop đến mức vi diệu lừa tình, lão Shuntoki trong phim nào sáng láng và sang chảnh như thế, thắc mắc Shuntoki trong phim như thế nào? Gã chính là một kẻ nhìn kiểu nào cũng thấy nghèo kiết xác, ăn nói xóc xỉa bồn bã, vừa lười vừa thiếu trách nhiệm, ấy vậy mà khi bạn hữu của gã gặp chuyện, gã sẽ chẳng màng gì bản thân, chẳng ngập ngừng, chẳng tính toán mà lao vào nguy hiểm, đơn giản gã thấy thứ quan trọng phải bảo vệ bằng được, vì gã là Sakata Gintoki. Anh Shun đã thể hiện được một Gintoki phức tạp một cách trọn vẹn, từ nụ cười "lừa dối" đến ánh mắt day dứt khi đối diện với đồng đội cũ, đôi mắt của người chiến binh đã quá mệt mỏi vì đau thương mất mát nhưng vẫn luôn hướng tương lai.
Ngoài Shun Oguri, diễn viên mà tôi thấy diễn đạt nhất là Suda Masaki (vai Shinpachi). Như mọi người đã nói, Suda mang tạo hình y như bước ra từ truyện tranh, chẳng có gì để. Cộng thêm diễn xuất của Suda trong phim có duyên, ra dáng thanh niên-nghiêm-túc-bị-đồng-bọn-chà-đạp, giọng hét cũng rất chuẩn, to, rõ, sắc nét, Shinpachi mà hét không chuẩn là đáng bị bẻ gọng.
Chỉ có Kana Hashimoto trong vai Kagura là thể hiện yếu nhất trong bộ 3 Yorozuya. Có lẽ do tuổi nghề lẫn kinh nghiệm diễn xuất còn ít. Nhưng mà em Kagura của Kana vẫn dễ thương cực kì, sẵn sàng nhảy xuống hố Gintama chôn vùi hình tượng vì vai diễn.
Có lẽ, tệ nhất phim là chị đóng Matako, mặt đẹp nhưng diễn gượng. Điểm sáng bên dàn nhân vật phụ phải kể đến chú nghệ nhân kịch Kabuki cấp quốc gia Nakamura Kankuro VI trong vai Gorilla, ủa lộn, Cục trưởng Shinsengumi Kondo Isao. Chẳng biết quá khứ chú là "bảo vật quốc gia" lẫy lừng thế nào mà lọt vô động Gintama lại "thân bại danh liệt" thế này, hết nude 99% tại rừng cây sang nude 100% tại võ đường, tại chú Gorilla mà rate phim về Việt Nam 16+...
Điểm thành công khác của Gintama live action chính là nội dung truyền tải gần như trọn vẹn tinh thần của nguyên tác, làm hài lòng hầu hết các fan cứng của bộ truyện. Xem Gintama live action không có cảm giác đang xem một bộ phim xa lạ nào đấy mà như đang gặp lại tri kỉ, cùng nhau nói cười ôn lại những kỉ niệm ngày xưa ấy. Xuất hiện trên màn hình rộng là những câu đùa nhảm nhí về **** lẫn *****, những màn phá vỡ the 4th wall rất tỉnh, hết lần này đến lần khác parody các bộ truyện nổi tiếng, không lầy, bỉ, bựa khiến người xem cười đến xoắn xuýt cả ruột thì không phải là Gintama.
Đạo diễn Fukuda có nói khiếu hài hước của ông và tác giả Sorachi-sensei khá giống nhau, có lẽ vì vậy mà ông có thể thành công trong việc phát triển phần comedy trong phim. Nhưng Gintama không chỉ nổi tiếng bởi sự hài hước bá đạo của mình mà còn là ở những triết lý sâu sắc, những kịch tính khiến người lớn cũng xúc động mà rơi nước mắt. Khi tiếng cười giòn giã lắng xuống là khoảng lặng dành cho những tình cảm thiên liêng như gia đình, đồng đội, những thứ mà vác trên vai thì rất nặng nhưng đồng thời cũng là thứ không thể nào buông bỏ. Hồi Benizakura đa phần giữ nguyên y như trong truyện, chỉ thêm vào vài chi tiết như Shinsengumi xuất hiện, ngoài mục đích gây cười ra thì cũng không thay đổi cốt truyện nhiều. Khá đáng tiếc là cảnh Gintoki và Katsura đối lưng nhau đấu với amanto, một cảnh rất mong chờ để được xem trên màn ảnh rộng lại bị cắt đi, bù lại ta được cảnh Gintoki đấu tay đôi với Takasugi, một cảnh không hề có trong nguyên tác.
Về mặt kĩ xảo trong phim nếu bạn là người quen coi các bom tấn của Hollywood sẽ thấy ngạc nhiên vì kĩ xảo trông khá rẻ tiền và lộ liễu của Gintama live action. Thậm chí amato còn chẳng phải là CGI mà rõ ràng 100% là người đội lốp hoá trang lên, nhìn như thuộc về phim siêu nhân Gao cách đây 20 năm vậy. Đó cũng là dụng ý của đạo diễn Fukuda, ông mong muốn bộ phim tạo cảm giác mơ mộng với 10% anime trong đó nên đã đề nghị độ ngũ kĩ xảo giảm chất lượng hình ảnh xuống. Một yêu cầu khá là kì lại phải không? Nhưng nhờ như vậy ta được một bầu không khí trong phim mờ ảo và đẹp như đang ở trong anime.
Khen về bầu không khí thôi chứ CGI của phim vẫn có nhiều điểm trừ, hi vọng nếu có phần tiếp theo sẽ cải thiện hơn. Thay vào đó các cảnh đánh kiếm trong phim làm rất đẹp mắt nhất là cảnh Gintoki đánh với Nizou ở cuối phim, dùng kiếm chém nhau sinh tử mà như đang múa vậy, uyển chuyển nhẹ nhàng, một cảnh rất ấn tượng. Dù sao đi nữa đây cũng là phim chủ đề samurai, đánh đấm không ra hồn thì coi sao được?
Có thể thấy vì sao Gintama live action lại thành công, xứng đáng là một trong những live action xuất sắc nhất 2017. Ngay cả bản thân đạo diễn Fukuda trong quá trình làm phim cũng đã lọt hố Gintama và trở thành một fan cứng của bộ truyện, nên có thể nói Gintama live action chính là một bộ phim do fan làm để dành tặng fan. Nếu là fan của bộ truyện, còn chờ gì mà không thưởng thức và tự mình cảm nhận bộ phim.
Thành viên: Tôn Nữ Thanh Hiền
Bài viết thuộc khuôn khổ hợp tác giữa Hội Những Người Phát Cuồng Vì Gintama và Moveek