Điện ảnh Hàn Quốc trong mắt của công chúng luôn là một “người anh lớn” hùng mạnh với dòng phim về virus, đại dịch. Bằng chứng là đa số các tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại này của Hàn luôn thu về lượng doanh thu rất cao và đứng hàng top các bộ phim kinh điển suốt nhiều giai đoạn như Flu, Train To Busan, Alive… là những điển hình tiêu biểu. Tiếp nối chuỗi thành công liên tiếp từ thể loại này, Hạ Cánh Khẩn Cấp của đạo diễn Han Jae-rim hứa hẹn sẽ là một bom tấn về đại dịch bùng nổ nhất trong mùa hè này. Sở hữu một dàn cast siêu chất lượng cùng độ đầu tư khủng, lên đến con số hơn 25 tỷ won (khoảng 447 tỷ Việt Nam đồng) cùng dàn sao sáng chói, Hạ Cánh Khẩn Cấp được kỳ vọng sẽ là tác phẩm tiếp nối quá trình phục hồi mạnh mẽ của phòng vé xứ Hàn tại thời điểm hiện tại, giúp điện ảnh Hàn Quốc giữ vững “ngôi vương” của mình với dòng phim sở trường này.
Hạ Cánh Khẩn Cấp xoay quanh chuyến bay mang số hiệu KI501 của hãng hàng không Sky Korea, khởi hành từ sân bay quốc tế Incheon tới Honolulu, Hawaii. Không may trên chuyến bay lần này có sự “góp mặt” của một sát nhân với một âm mưu khủng bố tàn khốc, biến cuộc hành trình vốn mang biết bao tiếng cười bỗng chốc hóa thành cuộc phiêu lưu đến cổng tử thần. Không lâu sau khi máy bay cất cánh, một hành khách VIP trên chuyến bay bắt đầu có những biểu hiện lạ, liên tục nôn ra máu cùng nổi bọng nước khắp người và tử vong ngay sau đó trước sự bàng hoàng của mọi người. Một virus lạ với tốc độ lây lan chóng mặt đã xâm nhập lên máy bay, nhấn chìm tất cả trong sự hỗn loạn và sợ hãi. Đối mặt với tình huống ngàn cân treo sợi tóc, một tuyên bố đề nghị hạ cánh khẩn cấp đã được đưa ra. Trên độ cao hơn 8,000 mét, số phận của KI501 sẽ ra sao? Điều gì đang chờ đợi họ phía trước? Liệu đây có phải là chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời của hơn 150 con người bao gồm cả các hành khách và phi hành đoàn hay không?
Tuy nhiên, để giữ được khán giả ngồi được đến những phút giây cuối cùng phải nói đã là sự thành công mà đạo diễn Han Jae-rim làm được. Có một cái gì đó giống Parasite, yếu tố chính trị trong tác phẩm này được khai thác thuộc mức báo động “đèn đỏ” luôn đấy nhé! Mặc dù vẫn biết có sự khôn khéo trong lý do được đưa ra, song thực sự vẫn thấy độ dám chịu chơi của đạo diễn Han Jae-rim cũng như cục Điện ảnh Hàn Quốc là quá “khét lẹt” thông qua phim lần này.
Về góc quay trong Hạ Cánh Khẩn Cấp, có nhiều ý kiến cho rằng quay quá lộn xộn và hỗn độn, làm khán giả cảm thấy “choáng váng” khi xem nhưng theo ý kiến riêng của người viết, đây chính là điểm tạo nên dấu ấn thành công nhất bên cạnh diễn xuất các diễn viên trong tác phẩm. Chính sự chao đảo, rối bời, hoảng loạn và rung lắc dữ dội ấy làm cho người xem cảm được cái thật chưa từng có đến từ giác quan trong cảm xúc, nỗi sợ thực thụ xâm chiếm trí óc khiến khán giả phải nghiến răng, nhăn mặt theo từng diễn biến của phim.
Nói không quá lời chứ một đứa mê máy bay như người viết sau khi xem xong tác phẩm này thực sự… có chút không dám ngồi máy bay nữa! Đùa một chút vậy thôi, người viết đánh giá cao góc nhìn từ ống kính máy quay của đạo diễn cũng như sự chỉn chu trong tất cả các bối cảnh của phim. Điểm cộng thực sự to bự luôn.
Về phần diễn viên, như đã đề cập ở đầu bài viết, có lẽ phần đầu tư khủng nhất ở Hạ Cánh Khẩn Cấp lần này đến từ dàn cast của phim. Với sự góp mặt của các “cây đa cây đề” của điện ảnh xứ sở kim chi nói chung và của dòng phim khai thác chủ đề đại dịch, thảm họa nói riêng, sự xuất hiện đầy “uy tín” của ảnh đế Cannes 2022 Song Kang-ho thủ vai In-ho, đội trưởng đội cảnh sát cùng các tên tuổi “lành nghề” như Lee Byung-hun vào vai Jae-hyuk, màn tái xuất của ảnh hậu Cannes Jeon Do-yeon, nam diễn viên Park Hae-joon, nữ diễn viên Kim Nam-gil thủ vai Bộ trưởng Kim Sook-hee cùng "phản diện điển trai nhất màn ảnh Hàn 2022" Yim Si-wan chính là những điểm nhấn đầy lấp lánh trên bầu trời cùng chuyến bay KI501.
Về diễn xuất thì khỏi phải bàn rồi, "đỉnh của chóp" luôn nha, nỗi sợ của diễn viên chính là nỗi sợ của khán giả, sự căng thẳng tột cùng của những con người ở dưới mặt đất đang cố gắng bằng mọi cách để ngăn chặn thảm kịch cũng chính là sự căng thẳng chung của khán giả. Trên chuyến bay ấy không chỉ có 150 người mà còn có tất cả các khán giả đang ngồi trước màn ảnh và dõi theo. Về phần giá trị nhân văn cũng như thông điệp trong tác phẩm thì cũng đủ đầy từ đầu đến cuối. Ổn áp cho sự truyền tải mọi thứ đến khán giả.
Cũng giống như những tác phẩm thuộc chủ đề thảm họa đến từ Hàn Quốc, Hạ Cánh Khẩn Cấp không quá sa đà vào các chi tiết máu me, ghê rợn, cảnh tượng “te tua” khi virus hoành hành. Thay vào đó, phim xoáy vào diễn biến tâm lý của những nhân vật bị mắc kẹt trong bối cảnh thảm họa sống còn này. Sự ích kỷ, ham sống sợ chết, tình người, tình cha con, tình bạn… Tất cả đều được thể hiện khá tròn vẹn trong Hạ Cánh Khẩn Cấp, hứa hẹn sẽ mang đến được những cảm xúc chân thật nhất giống như Train to Busan đã từng làm được.
Tổng quan về phim, người viết chấm 8/10 cho Hạ Cánh Khẩn Cấp.