Hầm Khải Huyền (The Cellar) – tác phẩm kinh dị tiếp theo được ra mắt trong thời gian gần đây với bối cảnh đặc trưng không thể lẫn vào đâu được của những bộ phim ma mị phương Tây. Đạo diễn Brendan Muldowney đã dựa theo phim ngắn The Ten Steps của mình để phát triển nên tác phẩm Hầm Khải Huyền nhưng đây có thể được xem như bước lùi của ông khi bộ phim quá nhạt nhòa so với bản gốc.
Câu chuyện bắt đầu khi cặp vợ chồng Brian (Eoin Macken), Keira Woods (Elisha Cuthbert) cùng con gái Ellie (Abby Fitz) và con trai Steven (Dylan Fitzmaurice) chuyển sang căn nhà mới rộng lớn sinh sống. Ngay từ khi bước vào, Ellie đã cảm thấy nơi này thật quái dị bởi những ký hiệu kỳ lạ và căn hầm bí ẩn của ngôi nhà. Vào một đêm bố mẹ đi vắng, Ellie phải một mình xuống hầm để kiểm tra nguồn điện đã bị tắt vụt. Cô gọi điện cho mẹ và được mẹ an ủi chỉ cần đếm 10 bậc thang là sẽ đến chỗ công tắc điện. Chuyện đã không còn ở mức bình thường khi tiếng đếm của Ellie cứ liên tục tăng dần đầy ám ảnh. Khi Brian và Keira trở về nhà thì cô con gái đã mất tích không một dấu vết. Và mọi chuyện rùng rợn dần được tiết lộ qua quá trình điều tra nhằm tìm lại con gái của Keira.
Bộ phim lấy bối cảnh và mở đầu câu chuyện hết sức quen thuộc bằng việc một gia đình dọn vào ở trong một ngôi nhà có những hiện tượng lạ. Dần dần, sau 5 lần 7 lượt bị hù dọa thì cả nhà mới tin là có ma và tìm cách giải quyết, chiến đấu với thế lực siêu nhiên. Cách xây dựng và triển khai nhàm chán này được phim áp dụng không khác gì so với những bộ phim kinh dị khác khiến người xem có thể tự suy đoán hết thảy những diễn biến tiếp theo của phim.
Dù vậy, đáng mừng là Hầm Khải Huyền vẫn có được nét chấm phá nhỏ cho riêng mình khi sử dụng phương thức triệu hồi và kết nối với quỷ dữ thông qua những bậc thang. Đối lập với hình ảnh nấc thang lên thiên đường, trong phim, đây lại là hình ảnh nấc thang dẫn lối xuống địa ngục u tối. Phim cũng sáng tạo khi biết cách kết hợp yếu tố toán học cùng chiếc máy hát cũ thôi miên người nghe đếm số để bước đến thế giới của quỷ. Yếu tố âm thanh cũng được phim khai thác tốt khi nhấn nhá vừa phải, đúng thời điểm khiến khán giả dõi theo ở những phân cảnh căng thẳng.
Phim cũng lồng ghép bài học ý nghĩa cho mỗi bậc cha mẹ trong việc chăm sóc và dạy dỗ con cái. Brian và Keira vì mải mê công việc nên đã không dành nhiều thời gian để thấu hiểu cô con gái đang tuổi dậy thì và cậu con trai nhỏ. Chỉ đến khi Ellie mất tích thì Brian và Keira mới nhận ra sự vô tâm của họ và những áp lực, cảm xúc tiêu cực mà cô con gái phải chịu đựng suốt thời gian qua.
Tuy thế, sự cố gắng đó của Hầm Khải Huyền là chưa đủ để khỏa lấp những lỗ hổng mà phim tạo nên. Mạch phim theo lối chậm rãi, thậm chí nhiều phân đoạn slow-motion không cần thiết gây mệt mỏi cho người xem. Cùng với đó là những cảnh hù dọa lặp đi lặp lại rất dư thừa, những tình tiết lẩn quẩn câu giờ càng làm chất lượng bộ phim đi xuống. Với thời lượng vỏn vẹn 94 phút nhưng sự lê thê đó kéo dài đến gần ¾ bộ phim.
Không chỉ vậy nhiều nhân vật xuất hiện với vai trò giúp đỡ Keira nhưng lại xây dựng rất theo công thức kiểu mẫu và không để lại dấu ấn gì đặc sắc cho cốt truyện. Cộng thêm với nhóm nhân vật vô dụng thì quả thực bộ phim chỉ như đang liệt kê từng mảnh ghép mà không có lấy một sợi dây nào liên kết chúng lại cả. Từ đấy dẫn đến việc giải quyết cao trào trở nên sơ sài dù phim đã xây dựng nhiều chi tiết có tiềm năng khai thác trước đó.
Yếu tố quan trọng nhất của phim cũng chưa được đầu tư khi các cảnh hù họa quá nhẹ đô, nếu không muốn nói là nhạt nhẽo. Bộ phim không sử dụng nhiều jump-scare mà chỉ đơn thuần dùng âm thanh rùng rợn, ánh sáng le lói cùng với nội dung dễ đoán trước nên vẫn chưa tạo được cảm giác sợ hãi, thoát tim cho khán giả.
Hầm Khải Nguyên có lẽ là một tác phẩm không dành cho các “fan cứng” của thể loại kinh dị khi phim có cốt truyện sáng nhưng cách triển khai quá đơn điệu và vụng về. Bộ phim được phát triển từ tác phẩm phim ngắn đạt nhiều giải thưởng nhưng đáng tiếc khi trở thành bản điện ảnh thì chỉ là một bộ phim tầm trung thiếu dấu ấn.