Kế Hoạch Đổi Chồng là bộ phim của đạo diễn Trần Nhân Kiên, với kịch bản được mua từ bộ phim A Boyfriend for My Wife (Un novio para mi mujer - 2008) của Argentina. Không chỉ có Việt Nam remake, mà trước đó đã có phiên bản Hàn mang tên All About My Wife (2012) cực kì thành công. Trái ngược với All About My Wife, Kế Hoạch Đổi Chồng lại là minh chứng cho các tác phẩm remake thất bại bởi kịch bản không được chỉnh sửa hợp lý, diễn xuất không đủ nội lực và hàng tá những hạt sạn khác khiến khán giả chỉ biết lắc đầu ngao ngán và tiếc cho một bộ phim có ý tưởng khá hay nhưng lại không được xây dựng đúng cách.
Nội dung phim không có gì mới, kể về chàng trai tên Quân (Quang Đăng) gặp cô nàng tên Dung (Hoàng Yến Chibi), hai người nhanh chóng yêu nhau và trở thành vợ chồng. Sau 1 năm về chung một nhà, Quân không chịu nổi tính cách nói nhiều, hay càm ràm, chua ngoa, thậm chí thô lỗ của cô vợ, thế là anh tìm cách li dị. Sau nhiều lần cố gắng nhưng bất thành, anh đành thuê anh chàng hàng xóm "đểu có tiếng" là Khương (Trương Thanh Long) để quyến rũ vợ mình. Khi mọi chuyện ngày càng vượt khỏi dự tính của Quân, Khương và Dung bắt đầu có tình cảm với nhau, Quân bắt đầu hối hận và quyết tâm giành lại vợ mình.
Khoảng 30 phút đầu phim khá thú vị, tuy còn nhiều điểm chưa tốt nhưng vẫn đủ sức giữ chân khán giả và cuốn vào mạch phim. Nhiều câu thoại của Dung cực kì chua ngoa, đanh đá nhưng rất hài hước và chân thật. Hoàng Yến Chibi đã hoá thân thành công thành bà nội trợ đáng sợ, căm ghét mọi thứ trên đời, gặp thứ gì không vừa ý là nhanh chóng "đốp chát" không trừ một ai, kể cả vợ con của sếp của chồng. Nhưng tính tình chua ngoa đanh đá là vậy, càng về sau khán giả lại càng thấy cô cực kỳ thương yêu chồng, chỉ muốn xây dựng tổ ấm với chồng, và ghét mọi thứ trên đời nhưng trừ chồng mình ra. Bên cạnh đó, nhờ lợi thế về ngoại hình mà Hoàng Yến liên tục "đốn tim" người xem khi làm gì cũng đáng yêu, từ những khoảnh khắc lo lắng cho chồng từng miếng ăn miếng mặc, cho đến lúc hăm doạ, chửi mắng cũng đáng yêu.
Tuy nhiên, sự đáng yêu của Hoàng Yến cũng chỉ có tác dụng trong 30 phút ít ỏi này và mọi cái hay, cái thú vị của phim cũng chỉ dừng lại ở đó. Từ lúc Quân tìm đến Khương để thuê anh ta quyến rũ vợ mình là phim bắt đầu trở nên lê thê, dài dòng và chán hẳn. Tâm lý và tính cách của các nhân vật cũng trở nên không hợp lý và thay đổi nhanh một cách bất thường. Dung từ một cô nàng đanh đá lại trở nên dịu dàng và có tình cảm với Khương một cách nhanh chóng. Người xem khó có thể thấy được phản ứng hoá học giữa hai người, một phần cũng do diễn xuất chưa tốt của Trương Thanh Long.
Quang Đăng với diễn xuất vẫn đơ như ngày nào cũng không thể hiện được sự chuyển biến trong tâm lý và tính cách nhân vật. Ngoài gương mặt nhăn nhó gần hết thời lượng phim thì những đoạn la hét, giận dữ, quát tháo hay đau khổ anh đều thể hiện chưa tới, không thể hiện được những mâu thuẫn căng thẳng trong cuộc sống hôn nhân hay nỗi khổ của Quân khi hối hận và phải chứng kiến vợ mình có tình cảm với người khác.
Song song với diễn xuất đơ của hai diễn viên nam chính là kịch bản, mạch phim và các tình tiết không được xây dựng hợp lý. Biên kịch rất biết cách làm cho khán giả ức chế khi đoạn cần dài thì lại quá ngắn, còn đoạn không cần dài thì lại lê thê. 30 phút đầu phim các tình tiết diễn ra quá nhanh khiến người xem không thể nào hiểu được tại sao nam nữ chính lại yêu và cưới nhanh như vậy, các mâu thuẫn trong hôn nhân của họ cũng chưa căng thẳng đến mức phải ly hôn, người xem không thể nào đồng cảm với nỗi khổ của Quân được. Ngược lại, cảnh Quân chìm đắm trong đau khổ khi kế hoạch quyến rũ Dung của Khương sắp thành công thì lại quá dài dòng và thừa thải, làm khán giả hoàn toàn "tụt mood" bởi các cảnh trước đó vốn dĩ đã khá chán.
Một điều đáng chú ý và ảnh hưởng rất lớn đến kịch bản phim chính là việc thay đổi số năm hôn nhân của cặp đôi chính. Trong kịch bản gốc, sau tận 7 năm thì người chồng mới không thể nào chịu nổi cô vợ nữa nên mới tìm cách ly hôn. Còn ở phiên bản Việt, Quân và Dung mới cưới nhau có 1 năm mà đã đi đến ly hôn, những mâu thuẫn cũng còn khá trẻ con, chính vì thế mà các nút thắt gỡ trong phim khá hời hợt và không hề cao trào, kịch tính.
Kế Hoạch Đổi Chồng không phải là một bộ phim hoàn toàn dở, nhưng ngoài ý tưởng nội dung được "vay mượn" từ nước ngoài ra thì phim chẳng có gì hay để khen. Diễn xuất của Hoàng Yến Chibi có thể là điểm sáng "cứu vớt" bộ phim, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức tạm được chứ chưa thể gọi là xuất sắc. Còn Trương Thanh Long và Quang Đăng thì vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể chinh phục được khán giả.