Kẻ Thứ Ba – bộ phim hợp tác sản xuất giữa ekip Việt – Hàn cuối cùng cũng được ra mắt khán giả sau 4 năm gian truân vì các vấn đề phát sinh từ phía nhà sản xuất. Dù thời gian ấp ủ khá lâu nhưng chất lượng phim vẫn chưa đủ gây ấn tượng và vướng phải nhiều sạn không đáng có.
Với thể loại tâm lý tình cảm cùng yếu tố du hành thời gian, bộ phim của đạo diễn Park Hee Joon hứa hẹn mang đến cho khán giả một sự kết hợp mới mẻ đáng mong đợi. Mở đầu phim là câu chuyện tình yêu đẹp như mơ của chàng họa sĩ Việt kiều Hàn Quốc Quang Kha (Han Jae Suk) với cô nàng bác sĩ xinh đẹp Thiên Di (Lý Nhã Kỳ). Tuy nhiên hạnh phúc đã không thể trọn vẹn bởi vụ tai nạn giao thông bất ngờ ập đến cướp đi mạng sống của Thiên Di.
Quang Kha ngày đêm đau khổ cho đến khi phát hiện ra chiếc laptop bí ẩn giúp anh liên lạc được với một nhân vật trong quá khứ. Anh quyết định tận dụng điều ấy để thay đổi số mệnh cứu lấy người vợ quá cố mà anh hết lòng yêu thương. Cũng từ đó hàng loạt bí mật kinh hoàng dần được hé lộ để giải đáp đâu là kẻ thứ ba trong tiêu đề.
Là một bộ phim chủ đề giả tưởng, Kẻ Thứ Ba cũng tận dụng việc sử dụng kỹ xảo cho một vài phân cảnh nhưng có lẽ do không được đầu tư chỉn chu nên hình ảnh khá giả, không mượt mà như kỳ vọng, thậm chí là không cần thiết phải thêm vào.
Nói về diễn xuất, người viết xin dành lời khen cho nữ diễn viên Kim Tuyến và nam tài tử Han Jae Suk khi đã thể hiện tròn vai và là tia sáng cho cả bộ phim. Giữa một bức tranh ngôn tình “sến sẩm”, Kim Tuyến xuất hiện với nhân vật Kelly Đào mang đến một năng lượng mạnh mẽ, cá tính vực dậy mạch phim chậm rãi đang có. Dù nhân vật này nắm vai trò khá quan trọng trong Kẻ Thứ Ba nhưng cuối cùng lại quay trúng vào ô “sống chết mặc bay” của phim. Với Han Jae Suk, không khó cho anh khi diễn nét đượm buồn trong ánh mắt và nỗi đau khổ dai dẳng khi mất đi người vợ yêu quý qua nhân vật Quang Kha. Cả hai diễn viên tuy chưa thể hiện xuất sắc 100% khả năng diễn xuất của mình nhưng đã khiến cho khán giả có thêm cảm xúc và động lực để theo dõi phim hơn.
Lý Nhã Kỳ ở Kẻ Thứ Ba đảm nhận khá nhiều vai trò khi vừa là nhà sản xuất vừa là nữ chính của phim. Có lẽ vì vậy, cùng với việc gần 10 năm rời xa màn ảnh, đã khiến diễn xuất của cô trở nên gượng gạo và “ngây ngô” quá đà như một người chưa từng biết đóng phim là gì. Đặc biệt đài từ của Lý Nhã Kỳ nghe rất thiếu hơi và tụt cảm xúc, thoại như trả bài thuộc lòng đôi lúc khiến khán giả không khỏi phì cười dù đang trong cảnh cảm động. Thiết nghĩ phim nên lồng tiếng cho cả Lý Nhã Kỳ giống như lồng tiếng cho Han Jae Suk (dù không khớp khẩu hình) để tránh phá tan cảm xúc của khán giả, biến phim tình cảm thành phim hài như trên.
Đọng lại sau tất cả chỉ là những dấu hỏi to đùng trước cái kết vội vã và diễn biến tâm lý nhập nhằng của nữ chính Thiên Di. Ở câu hỏi “Hạnh phúc là giành lấy hay nhường lại?” của phim cũng chẳng hề có đáp án bởi vì cho đến cuối cùng Kẻ Thứ Ba thật sự không mang đến một ý nghĩa hay thông điệp rõ ràng nào cho người xem.