Dựa trên bộ phim tài liệu về vụ thảm sát Mumbai kinh hoàng diễn ra năm 2008, Khách Sạn Mumbai: Thảm Sát Kinh Hoàng (Hotel Mumbai) là những thước phim ám ảnh, day dứt nhưng cũng rất đỗi nhân văn và chân thực.
Khách Sạn Mumbai: Thảm Sát Kinh Hoàng xoay quanh mười hai tiếng đồng hồ kinh hoàng của các vị khách cùng nhân viên bị mắc kẹt trong vụ xả súng hàng loạt tại khách sạn Taj, một phần trong chuỗi các cuộc tấn công vào Mumbai của phần tử Hồi giáo cực đoan. Phim có cốt truyện rành mạch, đơn giản, nhưng vẫn khiến khán giả phải hồi hộp từng giây phút theo dõi nỗ lực tìm cách sống sót của các nhân vật. Sự chân thực của phim đến từ cách hành xử rất người và rất hợp lí của các nhân vật. Họ không được biên kịch phóng tay ban cho một trí tuệ siêu việt hay trình độ võ thuật cao cường để thoát khỏi tình huống hiểm nghèo. Họ chỉ là những nhân viên khách sạn bình thường cố gắng dùng mọi kiến thức về đường đi nước bước trong khách sạn để đưa các vị khách an toàn đến nơi trú ẩn, một người cha cố gắng bảo vệ con mình, hay thậm chí chỉ là những người xa lạ cố gắng nương tựa vào nhau để qua cơn hiểm nghèo. Sự chân thực ấy không chỉ tạo nên sự đồng cảm nơi khán giả, mà còn thể hiện sự tôn trọng dành cho đối tượng quan trọng nhất mà bộ phim muốn vinh danh: những người sống sót trong thảm kịch năm ấy ở Mumbai.
Khách Sạn Mumbai: Thảm Sát Kinh Hoàng tạo cảm xúc mạnh mẽ cho người xem nhờ vào những lời thoại và cảnh phim đơn giản, không dài dòng hoa mỹ nhưng lại tinh tế và đầy cảm xúc. Đó là khi vị bếp trưởng tôn trọng quyết định của những nhân viên quá sợ hãi nên không dám ở lại để giúp khách hàng trốn thoát, là khi anh phục vụ theo Ấn Độ Giáo sẵn sàng cởi bỏ chiếc mũ đầy thiêng liêng của mình chỉ để trấn an một vị khách, hay là khi tên khủng bố không thể xuống tay hạ sát một con tin đồng đạo với mình. Dàn nhân vật của phim khá đông, nhưng mỗi người đều được khắc họa tính cách rõ nét, và đều đại diện cho một loại người nào đó trong thế giới đa sắc tộc, đa tôn giáo này. Họ có thể khác biệt, có thể nghi kỵ lẫn nhau, nhưng trước tình cảnh thập tử nhất sinh, họ sẵn sàng gác lại mọi bất đồng để cùng nhau tìm đường sống. Bên cạnh kịch bản và lời thoại tốt, diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên cũng góp phần tạo nên ấn tượng rõ nét về mỗi nhân vật trong lòng khán giả.
Một điểm đáng khen khác của phim là biên kịch không bỏ qua việc khắc họa những tên khủng bố, hay mặc định xem họ như những kẻ tâm thần máu lạnh không có tính người – một cách nhìn nhận dễ dãi, hời hợt và đầy thiên kiến mà những bộ phim tưởng niệm hay mắc phải, thật may là Khách Sạn Mumbai: Thảm Sát Kinh Hoàng đã làm tốt hơn như thế rất nhiều. Những tên khủng bố có thể bình thản xả súng vào những người vô tội, lại cũng là những con người ngây thơ lần đầu nhìn thấy bồn cầu vệ sinh hay lần đầu được ăn bánh sandwich, cũng là những con người đã bật khóc khi gọi cho gia đình. Đó là khi ta nhận ra, họ cũng chỉ là con người như chúng ta. Nhưng chính khi nhận ra điều đó, ta lại càng rùng mình bởi cái cách một hệ tư tưởng cực đoan có thể khiến những con người đơn thuần như vậy trở thành những kẻ sát nhân máu lạnh, mà thậm chí còn không hề ý thức được hành động của mình là tội lỗi. Cái cách họ như bị “tẩy não” bởi những lời lẽ cuồng tín cực đoan liên tục nhồi nhét vào đầu khiến tôi không khỏi ớn lạnh trước cách mà người ta có thể bóp méo và lợi dụng tôn giáo để thao túng con người.
Dù nội dung và diễn xuất đều tuyệt vời, nhưng quay phim lại không quá ấn tượng. Những cảnh phim đáng lẽ có thể tạo hiệu ứng điện ảnh cực kì ấn tượng thì lại không thật sự đặc sắc, một số cảnh quay thậm chí còn bị rung lắc khá khó theo dõi. Bù lại, phần âm thanh của phim thật sự đẩy được cảm xúc của người xem lên đỉnh điểm, đặc biệt là đoạn tên khủng bố ngân nga bài hát của quê hương mình.
Khách Sạn Mumbai: Thảm Sát Kinh Hoàng không phải một bộ phim phù hợp để giải trí, vì cách kể chuyện dàn trải nên nó có phần thiếu sự kịch tính, và những cảnh giết chóc thì lại khá ám ảnh với những khán giả yếu bóng vía. Nhưng nó thật sự đáng xem đối với những khán giả muốn thưởng thức một bộ phim ám ảnh, nhân văn và giàu cảm xúc.