Trước khi bước vào rạp xem Kiều, người viết có cảm giác vô cùng bất an lo lắng, lo vì đây là kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, bất an vì để chuyển thể Truyện Kiều không hề dễ chút nào và rất dễ phá hỏng. Tiếc là đúng như dự cảm ban đầu, người viết bước ra ngoài sau khi xem xong với sự tức giận không kể xiết khi người ta đã phá hủy một tượng đài văn hóa bất hủ của dân tộc.
Kiều chọn đoạn Thúy Kiều (Trịnh Mỹ Duyên) bị Mã Giám Sinh (Vũ Văn Long) lừa bán vào lầu xanh, rồi gặp Thúc Sinh (Lê Anh Huy), vướng vào mối quan hệ tay ba với Hoạn Thư (Cao Thái Hà). Đây là phần rất hay trong Truyện Kiều vì vừa là đoạn mở đầu cho mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều, vừa cho thấy Thúy Kiều trong những năm dài chìm nổi chốn bùn nhơ mà vẫn giữ được tấm lòng trinh bạch. Tuy thế, việc biến tấu quá nhiều của biên kịch Phi Tiến Sơn và đạo diễn Mai Thu Huyền khiến Kiều bị sai lệch hoàn toàn so với tinh thần của nguyên tác.
Để thấy nội dung kịch bản bị biến tấu ra sao thì phải đem nội dung cốt truyện của Truyện Kiều ra xem lại. Vì thằng bán tơ vu vạ rằng nhà Vương viên ngoại bán rượu lậu, khiến gia đình Thúy Kiều rơi vào vòng lao lý. Muốn có tiền chuộc cha và em trai, Kiều đồng ý làm vợ của Mã Giám Sinh lấy 400 lượng vàng, nàng chưa từng bán thân như nhiều người lầm tưởng. Tên họ Mã bán nàng, Kiều quyết chết chứ không đồng ý và đã tự vẫn.
Mụ Tú Bà sợ hãi mất hết vốn liếng nên giả vờ cho nàng đến lầu Ngưng Bích và hứa sẽ gả nàng. Chính vì Thúy Kiều chưa từng ký giấy bán thân, lại đem sự thanh bạch đức hạnh ra kháng cự nên mới có thể giữ thân trinh bạch. Tú Bà hiệp mưu cùng Sở Khanh lừa nàng bỏ trốn. Kiều bị bắt lại, danh trinh bạch đã mất nên không còn gì ngăn mụ Tú Bà bắt ép nàng tiếp khách.
Thúc Sinh đến chơi liền mê mệt nàng và chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh. Kiều muốn Thúc Sinh danh chính ngôn thuận lấy mình làm vợ nên thúc ép hắn về thưa chuyện cùng vợ cả. Hoạn Thư đã dò la được tin tức, đi trước một bước bắt Kiều về làm người ở và ở buổi tiệc đã ép Kiều từ bỏ Thúc Sinh. Hoạn Thư dù ghen tức nhưng cũng cảm mến tài năng của Kiều nên cho nàng đến Quan Âm Các chép kinh.
Mở đầu phim rất chóng vánh, chỉ lướt qua việc Kiều đổi mình lấy tiền cứu cha và em trai, thậm chí đạo diễn không cho hai người đó liếc nhìn Kiều từ biệt, chỉ quay lưng bỏ đi một mạch. Một phân đoạn đáng lý rất cảm động, rất hay về tình cha con - chị em, là động lực sống cho Kiều trong những năm ê chề tủi nhục lại bị phung phí. Nếu trong nguyên tác có đêm trao duyên cho Thúy Vân xé lòng thì biên kịch hoàn toàn có thể biến cảnh chia tay trước khi về “nhà chồng” của Kiều như điểm nhấn cảm xúc cho bộ phim.
Kiều luôn được mô tả là người đa sầu đa cảm nhưng thông minh, sắc sảo, mạnh mẽ, quyết đoán. Trong truyện thì Kiều quyết không chấp nhận làm gái thanh lâu và tự sát để bao toàn danh tiết (nhấn mạnh là “danh tiết” không phải “trinh tiết”), từ đó đã buộc Tú Bà cho Kiều ra lầu Ngưng Bích, chứ không dám dồn ép, là chi tiết rất đắt giá làm rõ tính cách và khí chất của Kiều. Trong khi đó, ở bản điện ảnh 2021, các nhà làm phim cho Kiều ngạc nhiên không biết mình bị dẫn đến chốn lầu xanh hoặc dễ dàng chấp nhận cúi đầu trước Tú Bà. Đây có thể xem là sự phản bội đầu tiên và lớn nhất đối với nhân vật Kiều.
Sai lầm tiếp theo là thay đổi mô tả nhân thân cùng tính cách của Thúc Sinh. Trong tất cả nhân vật trong Truyện Kiều thì Thúc Sinh có vẻ đời và thực tế hơn hết. Nhân vật này không hoàn toàn tốt, có những ưu điểm và khuyết điểm. Thúc Sinh có yêu Kiều không thì chưa chắc chắn nhưng hắn từng mến Kiều vì sắc, quyến luyến vì tài.
Nguyễn Du mô tả Kiều từ ngày theo Thúc Sinh thì “Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn” vì Thúc Sinh cũng là “Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương”. Việc biến thể cho Thúc Sinh giỏi võ nghệ rồi hai người dắt dìu nhau bỏ đi tưởng hợp lý mà lại phá hỏng cả tính cách Kiều lẫn tính logic của phần sau câu chuyện.
Kiều nếu là một người dễ dãi chưa cưới hỏi đã thuận lòng trốn đi thì còn gì là “tấm lòng trinh bạch” mà Nguyễn Du luôn mô tả? Thúc Sinh nếu thật sự trượng nghĩa ngút trời (như hình tượng Từ Hải) thì đã không ngồi yên chứng kiến người mình thương chịu sự sỉ nhục ở nhà Hoạn Thư. Kỳ thực mọi mô tả của cụ Nguyễn Du đều cực kỳ chặt chẽ và hợp lý. Nếu sửa dù chỉ một chút cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến cá tính nhân vật và đường dây cốt truyện.
Nhân vật duy nhất trong phim mà người viết thấy khá nhất là Hoạn Thư. Cô được khắc họa như một tiểu thư quyền quý nhưng luôn yêu thương, ủng hộ và tin tưởng chồng, vì biết chồng mặc cảm chênh lệch địa vị với nhà vợ nên chấp nhận cho chồng bôn ba kiếm tiền xây dựng sự nghiệp riêng. Vì yêu quá nhiều nên hận càng thêm sâu đậm.
Nếu đạo diễn biết dừng đúng mức này thì Hoạn Thư thật sự có thể hiểu và thông cảm, nhưng việc thêm thắt những cảnh nóng không cần thiết (nếu không muốn nói là bệnh hoạn) ở phần sau làm đổ bể đi công sức xây dựng nhân vật từ đầu phim. Do lược bỏ đi phân đoạn Kiều tự tử và bị giam ở lầu Ngưng Bích nên biên kịch cũng phải bỏ nhân vật Sở Khanh mà thế vào hai nhân vật không có trong nguyên tác là Hiền Bá (Hiếu Hiền) và Thị Liên (Lê Thu An).
Vai Thị Liên có phần nào hợp lý cho thấy tấm lòng nhân ái của Kiều thì việc thêm thắt nhân vật Hiền Bá chẳng để làm gì ngoài làm phông nền cho “hiệp sĩ” Thúc Sinh thể hiện võ công. Ngoài ra, Đạm Tiên (do đạo diễn Mai Thu Huyền đóng) làm hồn ma bảo vệ cho Thúy Kiều làm cho biến chuyển tâm lý của Kiều thêm rối rắm. Vai Hoạn Bà (NSND Lê Khanh) có thể xem là “sáng tạo” ổn nhất của các nhà làm phim Kiều, kinh nghiệm trong diễn xuất khiến Lê Khanh thể hiện vai mệnh phụ phu nhân vừa quý phái vừa thâm hiểm khá ấn tượng.
Dù là vai chính nhưng Trình Mỹ Duyên quá non nớt trong diễn xuất nên không thể hiện được khí chất của Kiều. Nói về nhan sắc thì Trình Mỹ Duyên cũng khá đẹp nhưng vẫn chưa thể gọi là tuyệt sắc giai nhân như Nguyễn Du mô tả, nhiều cảnh lộ rõ khuyết điểm trên khuôn mặt, thêm vào đó kịch bản quá tệ càng làm cho người xem ngao ngán.
Thúc Sinh của Lê Anh Huy có nhiều đất diễn nhưng kịch bản “tẩy trắng” cho nhân vật này quá đà biến một thư sinh quen phong lưu phóng đãng lại hèn nhát trở thành vị đại hiệp phong lưu tiêu sái. Việc cho Kiều cùng Thúc Sinh có những màn ân ái thô tục ngoài trời như cú tát vào mặt khán giả, hủy hoại đi hình ảnh của Kiều. Trong nguyên tác, Kiều tuy ở chốn lầu xanh (thậm chí còn không giữ được trinh tiết) nhưng khí chất cao quý và đoan trang chưa bao giờ mất dù sau hơn mười lăm năm lưu lạc.
Phần phục trang và cảnh trí được đầu tư công phu nhưng quá lòe loẹt không đủ sự tinh tế và không phù hợp với nhân vật. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nhưng những nhà làm phim thiết kế bối cảnh quay và trang phục (kèm âm nhạc) không cho thấy tâm trạng buồn bã, tủi nhục của Kiều ở lầu xanh. Phân cảnh đi trốn cùng Thúc Sinh thì như bê từ những phim kiếm hiệp Trung Quốc về, đẹp nhưng vô hồn. Hai nhân vật chỉ đắm chìm trong hoan lạc ái dục mà thiếu những suy tư sâu lắng, điều này khác hoàn toàn những mô tả của Nguyễn Du về tính cách của Kiều.
Mở đầu phim đã không hay, kết phim càng khiến người viết bối rối. Thật sự không hiểu đạo diễn muốn truyền tải thông điệp hay ý nghĩa gì qua bộ phim? Đánh ghen, trả thù tình, tổn thương trong tình yêu? Phim không cho người xem hiểu chủ đề muốn truyền đạt là sự thất bại lớn nhất. Làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đã khó, làm phim từ tác phẩm lớn như Truyện Kiều càng cần sự cẩn thận và tôn trọng hơn nữa. Mỗi cử chỉ, tình tiết trong Truyện Kiều đều mang ý nghĩa riêng và đều thống nhất xuyên suốt, thật khó mà thay đổi nếu không hiểu tường tận.
Trong bài viết có trích dẫn một số câu trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Nguồn: Ảnh: Facebook của phim Kiều