Đánh giá phim

[REVIEW] Kingsman: The Golden Circle - Một chút thất vọng phá hỏng cả bộ phim

Vậy là sau 2 năm, kể từ khi thế giới chứng kiến một sắc màu mới cho dòng phim điệp viên ra đời với cái tên Kingsman: The Secret Service, thì nay, Kingsman: The Golden Circle trở lại và ăn hại hơn xưa. Và cũng phải nói, đây chính là phiên bản lỗi của phần 1 thôi.

Đầu tiên, ta bắt đầu soi vào đoạn mở đầu phim thôi. Dường như, đoạn mở đầu có những cảnh đẹp nào đã phô bày hết ở phần trailer rồi. Trong cảnh này, chúng ta sẽ được thấy một “Captain” Eggsy cận chiến đẹp mắt với “Winter Soldier” Charlie. Và giống như phần 1, cảnh mở đầu bao giờ cũng là nút thắt kéo toàn bộ phim đi theo một hướng. Chính điều này, đã khiến cho bộ phim dễ đoán ngay từ đầu, cốt truyện không có gì thay đổi và đột phá.

Nếu như phần 1, sai lầm của Harry đã kéo theo cái chết của bố Eggsy và từ đó mọi chuyện bắt đầu, thì sang phần 2, một sai lầm ngớ ngẩn của Eggsy đã kéo theo toàn bộ hệ thống Kingsman bị đánh sập hoàn toàn. Và điều chẳng ai muốn, đó chính là sự ra đi vô cùng đang tiếc của Roxy. Nếu như ở phần 1, đất diễn và vai trò của cô được ưu ái đôi chút, làm cho khán giả phải mong chờ phần 2 xem sự kết hợp này có làm nên điều mới mẻ gì không. Thì đùng một cái, cô mất tăm, mất tích chỉ vì quả bom làm tan tành cả trụ sở. Nhưng nếu để ý kỹ, khả năng sống sót của cô sau vụ đó không phải là không có hy vọng. Và chúng ta sẽ lại mong chờ phần 3 xem, liệu cô có thực sự tái xuất trở lại hay không.

Trong khi đó, Eggsy và Merlin phải sang tận Mỹ điều tra và đồng hành cùng Stateman. Tổ chức này có những điệp viên lấy tên những loại rượu làm bí danh của mình như Whiskey, Champagne, Tequila… Và nếu ai am hiểu về rượu hoặc có tìm hiểu về sắc thái rượu thì sẽ biết được dụng ý của biên kịch với mỗi tích cách là một bí danh rất liên quan đến nhau.

Có một điều rất được người hâm mộ mong chờ trong phần 2 này, chính là sự hồi sinh của Harry Hart. Sau khi lãnh một viên đạn ngay đầu bởi Valentine, đội ngũ biên kịch đã hồi sinh ông theo một cách hoàn toàn phi lý và không tưởng. Các đặc vụ Stateman đem theo một loại gen có thể gắn kết các mô lại với nhau. Nhưng có điều, loại gen này chỉ có thể tái tạo các mô thần kinh chứ không đề cập gì đến các bộ phận khác, khiến cho sự trở lại của Harry một cách thần thánh hóa. Có lẽ lại phải tiếc cho Roxy một lần nữa rồi, sự hy sinh của cô chỉ đổi lại một cách hồi sinh không được thỏa mãn cho lắm. Mặt khác, chúng ta lại phải tốn một mớ thời gian để xem Harry lấy lại ký ức của mình nữa chứ.

Một điểm giống với phần 1 nữa, đó chính là sự phản bội của những thành viên trong tổ chức, với những lý do hết sức “dễ thương”. Nếu ở phần 1, Arthur phản bội để khiến thế giới được thanh lọc thì sang phần 2, Whiskey lại lấy cái chết của người yêu làm cái cớ. Có vẻ như, sự phản bội trong những tổ chức điệp viên quy củ, khắc nghiệt nhất lại đơn giản đến thế.

Từ hình tượng nhân vật Whiskey, ta phải xét lại dàn phản diện của phần 2 này. Quả thực, phản diện là tổ chức The Golden Circle hết sức thất vọng, còn thất vọng hơn cả phản diện trong các phim Marvel nữa đấy. Nếu như phần 1, chúng ta thấy một Valentine đầy hài hước nhưng cũng rất mưu mô, từng bước, từng bước 1 lần ra tổ chức Kingsman, khống chế và gây ra cái chết của Harry thì đến phần 2 này, Poppy lại thể hiện là 1 nhân vật hết sức, hết sức đơn giản. Sau khi tiêu diệt được tổ chức Kingsman, bà ta ung dung ngồi chơi và bày ra mấy cái trò trẻ con sao cho khán giả quy chụp bà ta là phản diện. Vai trò của bà ta chỉ có thế, không hơn, không kém.

Và mình cảm thấy động cơ khủng bố của bà ta cũng hết sức trẻ con. Bà ta chọn kinh doanh ma túy cũng chỉ vì homesick (nhớ nhà). Đấy! Các bác đừng có mà nhây với mấy đứa đi học xa nhà nhé. Không là tụi nó cho ngậm hành hết cho coi. Bà ta khủng bố chỉ đổi lấy cái gật đầu của tổng thống cho mục đích tự do kinh doanh ma túy. Chưa hết, chi tiết tiêu diệt phản diện cũng hết sức nực cười. Trước khi chết, bà ta có thể giữ bí mật về mật mã mà. Thế mà cũng nói hết cả ra, với một lý do cực kỳ tào lao là ông tổng thống đã ký kết hiệp ước cho phép bà tự do kinh doanh ma túy. Ơ! Thế chết rồi, bà có kinh doanh được không? Nhớ hồi phần 1, mặc dù phản diện chính không có một trận chiến với chính diện, nhưng trước khi chết, Valentine vẫn cố gắng kích hoạt thiết bị, làm thế giới phải đảo điên.

Mà thất vọng hơn cả, chính là dàn hỗ trợ phản diện. CGI xử lý mấy con robot không mượt mà cho lắm. Mà đã tính đến chuyện sử dụng robot sao không làm cho nó nhiều hơn? Cả bộ phim chỉ có 2 con chó gầm gừ (hên là nó không bị lên phường) và một cô nàng robot làm đẹp. Đã thế, cả một sào huyệt của phản diện chỉ có mấy tên lính thế. Lại xét về phần 1, riêng cô nàng Gazelle đã làm cho ta mãn nhãn với những trận cận chiến, làm Eggsy phải lao đao không ít và làm cho phim hay hơn gấp bao nhiêu lần. Phải chăng, đạo diễn đang quá tập trung vào trận đối đầu giữa 3 điệp viên cao cấp của 2 tổ chức? Cũng đúng, mình thấy trận chiến đó là hay nhất trong suốt 140 phút ngồi ở rạp. Nhưng cái mình thích không phải là sự đối đầu, mà là sự kết hợp giữa 2 thế hệ điệp viên: Harry và Eggsy. Mình mong chờ màn kết hợp này từ phần 1 rồi cơ. Thế nên, cả bộ phim hành động chỉ thu hẹp lại mấy phút cuối tuyệt vời đó thôi. À mà còn Charlie... À mà thôi! Anh cũng không có nhiều ấn tượng nên xem như khán giả có thể bỏ qua, mặc dù có cánh tay robot cực chất. Có thể nói, Charlie để lại ấn tượng thua cả cô nàng công chúa Tilde luôn ấy.

Không biết những khán giả khác thế nào? Chứ mình thấy cách làm cho Merlin hy sinh khiến mình rất bực. Merlin là một nhân tố không thể thiếu, là một hậu phương vững chắc. Mà trước kia ông cũng từng là điệp viên thực chiến cùng với Harry và bố Eggsy rồi đấy chứ. Thế mà chưa được thấy tài năng của bác ấy phô diễn, thì đùng một cái, cũng chỉ vì quả bom và sai lầm ngớ ngẩn của Eggsy. Thôi thì, hy vọng chi tiết này sẽ được đưa sang phần 3 thôi. Ơ! Chưa hết đâu! Chàng trai mà mọi cô gái ngóng chờ: Channing Tatum, nhưng hóa ra anh chỉ làm cameo. Với màn ra mắt cực kỳ cool ngầu, nhưng thời gian còn lại anh chỉ nằm ngủ đông. Phim thật biết dìm trai đẹp mà.

Thôi thì, chê bộ phim đã đời rồi. Đến đây, xin mạo muội khen bộ phim một tí. Phần 2 này, điều khiến khán giả không thất vọng chính là những phân cảnh hành động. Hành động phải nói tuyệt đẹp, với những cảnh bay nhảy, ứng dụng thiết bị và kết hợp hành động đều khiến ai cũng phải trầm trồ. Nếu như hành động trong James Bond, Jason Bourne thiên về sự mạnh mẽ, chắc chắn và dùng súng khá nhiều, thì các điệp viên trong Kingsman lại mang đến những màn cận chiến mãn nhãn, cách sử dụng các thiết bị điêu luyện và khả năng dùng súng thì điêu luyện như Wanted vậy.

Điểm khen thứ 2, là sự hài hước mà bộ phim mang lại. Xuyên suốt bộ phim, khán giả được những trận cười no nê. Trái với phần 1, chúng ta phải căng não với những màn test điệp viên của tổ chức Kingsman, nhịp phim được đẩy nhanh tột độ khi càng dần về cuối phim. Vì thế, với những chi tiết hài hước có trong phim, The Golden Circle là bộ phim giải trí mà bạn không nên bỏ lỡ trong tháng này.

Điều mình thích từ bộ phim này chính là góc quay và chuyển cảnh. Mà điểm nhấn chính là góc quay hành động. Góc quay theo hành động nhân vật được khai thác triệt để. Điều này, nếu ai là fan của Trilogy Matrix thì sẽ rất thích. Slow motion cũng làm bộ phim thêm phần thú vị, phô diễn ra những điểm độc đáo cho từng chi tiết lộn nhào, kỹ năng điệp viên. Cách chuyển cảnh phim cũng rất mượt, không khiến người xem bị chững lại. Cùng với đó, khán giả có thể cảm nhận 4 mùa trong phim: mùa hè ở Mỹ, mùa đông ở Ý, mùa xuân ở Campuchia và mùa thu ở Anh. Sắc thái 4 mùa làm bộ phim trở nên đẹp hơn, sống động hơn rất nhiều.

Âm nhạc cũng có sự kết hợp rất tuyệt vời với những phân cảnh hành động. Dường như, nếu thiếu đi chất nhạc, thì những phân cảnh hành động sẽ không thể đẹp đến thế, không làm khán giả phải sướng run lên với những màn cận chiến.

Về diễn xuất thì không có gì đáng chê trách cả. Eggsy vẫn là vai diễn thành công nhất của Taron Egerton, Harry Hart vẫn rất lịch lãm khi Colin Firth mặc vest…

Nhìn chung, tổng thể bộ phim thì Kingsman khá hay. Nếu bạn không quá chú trọng vào nội dung, muốn thưởng thức những phân cảnh hành động mãn nhãn, hay muốn cười lăn cười bò với sự hài hước, thì Kingsman 2: The Golden Circle vẫn rất đáng đồng tiền bát gạo khi ra rạp đó.

Chấm điểm: 

Hành động: 9/10
Nội dung: 6/10
Âm nhạc: 8/10
Trang phục: 10/10
Hài hước: 8/10
Kỹ xảo: 8/10