Kính Vạn Hoa: Bắt Đền Con Ma đánh dấu sự trở lại của một trong những thương hiệu phim dành cho thiếu nhi đình đám nhất thập niên 2000. Dưới bàn tay đạo diễn Võ Thanh Hòa - bộ phim hứa hẹn là "món ăn tinh thần" cho thiếu nhi và tái hiện ký ức tuổi thơ của nhiều khán giả 8x, 9x. Tuy nhiên, dù mang những sáng tạo mới mẻ, bộ phim vấp phải không ít tranh cãi vì cách thể hiện và truyền tải nội dung.
Sự kết hợp giữa Bắt đền hoa sứ và Con mả con ma
Bộ ba Quý Ròm (Ngọc Trai), Hạnh (Anh Đào), Tiểu Long (Vũ Long) – lúc này đã trưởng thành, lập gia đình, gặp lại nhau tại trường Tự Do sau 20 năm. Trong buổi hội ngộ, họ cùng mở một chiếc hộp cũ, bên trong là bài kiểm tra môn Văn năm nào. Bất ngờ, khung cảnh chuyển sang thời điểm năm 2004, đưa khán giả quay ngược về thời niên thiếu của bộ ba.
Tại đây, Quý Ròm (Hùng Anh), Hạnh (Phương Duyên), Tiểu Long (Nhật Linh) lúc nhỏ xuất hiện, cùng tham gia chuyến du lịch hè đến miền quê thanh bình của Tiểu Long. Bộ ba cùng thằng Lượm (Hoàng Nam) – em họ Tiểu Long và các bạn dưới quê trải qua những ngày hè nướng cá bên bờ suối, tắm kênh và hòa mình vào không khí hội làng.
Tuy nhiên, cả nhóm lại đụng độ với “đại ca” Tắc Kè Bông (Minh Nhật) hay “giang hồ hảo hán” Dế Lửa (Phong Trần). Đồng thời, phim cũng tiếp nối câu chuyện “con ma ở đồi Cắt Cỏ” khi hội bạn khám phá bí ẩn thật sự ẩn sau những đốm sáng ma quái trên đồi cùng ma nữ đầu lơ lửng gây run sợ cho dân làng.
Bối cảnh thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ
Kính Vạn Hoa: Bắt Đền Con Ma lấy bối cảnh chính tại Hòa Phú, Phú Yên, với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và thanh bình đặc trưng của vùng duyên hải miền Trung. Những cánh đồng lúa bát ngát trải dài, dòng sông hiền hòa uốn lượn và con đường làng rợp bóng cây tạo nên một không gian thơ mộng, yên bình đậm chất làng quê Việt.
Các cảnh quay bên bờ suối, những buổi chiều tắm kênh và các phiên chợ quê được tái hiện một cách chân thực, gợi nhớ về những ngày hè của tuổi thơ. Lễ hội Kỳ Yên – một nét văn hóa đặc trưng của vùng Nam Trung Bộ – được phục dựng công phu, với sắc màu lễ hội rực rỡ, tiếng trống rộn ràng và hình ảnh đoàn người rước kiệu, tạo nên không khí lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc.
Câu chuyện lê thê với những sáng tạo không cần thiết
Một trong những điểm yếu lớn nhất của bộ phim là thời lượng kéo dài không cần thiết. Những chi tiết sáng tạo của phiên bản điện ảnh Kính Vạn Hoa được thêm thắt vào so với nguyên tác, nhưng thay vì làm phong phú thêm nội dung, chúng lại khiến câu chuyện trở nên lê thê, mất đi sự cô đọng của bản gốc. Có những phân đoạn dài dòng, dư thừa, khiến khán giả có cảm giác mệt mỏi khi theo dõi.
Điển hình như phân đoạn trừ tà của bộ 3 cũng không thật sự thu hút. Đặc biệt là cao trào của phim khi Long và Hạnh phát hiện ra mục đích thật sự của Quý khi muốn bắt con ma đồi Cắt Cỏ.
Biết là phim muốn có nút thắt bùng nổ cảm xúc nhưng việc sáng tạo đến mức “bôi đen” một nhân vật thông minh, tinh quái, hết mình vì bạn bè như Quý Ròm thành một đứa trẻ ích kỷ thật sự khiến người xem mất thiện cảm với nhân vật Quý phiên bản mới này. Điều đó khiến bộ phim vơi bớt sự vui tươi và tinh thần mộc mạc vốn có của Kính Vạn Hoa.
Bộ 3 Long – Quý – Hạnh nhạt nhòa trong chính câu chuyện của mình
Dù là nhân vật chính, bộ ba Long (Nhật Linh), Quý (Hùng Anh), Hạnh (Phương Duyên) lại không thực sự để lại dấu ấn mạnh mẽ. Diễn xuất của ba diễn viên nhí này bị đánh giá là gượng gạo, thiếu cảm xúc và không toát lên được tinh thần nghịch ngợm, vô tư như bản truyền hình. Có lẽ do ba diễn viên bị ảnh hưởng bởi lời thoại cứng nhắc của Kính Vạn Hoa: Bắt Đền Con Ma. Phần lớn thoại được thốt ra đều như văn viết với sự sến súa, nghiêm trọng đến khó hiểu.
Quý Ròm của Hùng Anh thiếu đi sự lém lỉnh và sáng dạ đặc trưng thay vào đó là biểu cảm nhăn nhó, khó chịu, “ra vẻ” hết lần này đến lần khác, Long của Nhật Linh lại tỏ ra khá yếu ớt, mờ nhạt trong các tình huống cần thể hiện sự mạnh mẽ. Trong khi đó, Hạnh của Phương Duyên là tạm ổn nhất nhưng cũng không có nhiều “phản ứng hóa học” với hai bạn diễn nam.
Trái lại, dàn diễn viên phụ là các diễn viên nhí khác lại mang đến những khoảnh khắc tự nhiên, đáng yêu hơn nhiều. Các nhân vật như thằng Lượm, Tắc Kè Bông, Dế Lửa tuy chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng để lại ấn tượng với lối diễn xuất hồn nhiên, dễ thương. Chính sự chênh lệch này khiến cho bộ ba nhân vật chính trở nên nhạt nhoà trong chính câu chuyện của mình.
Kính Vạn Hoa: Bắt Đền Con Ma có lẽ sẽ phù hợp hơn với những khán giả trẻ tuổi chưa từng xem qua bản truyền hình vì là một câu chuyện dễ xem về lứa tuổi thanh thiếu niên. Với nỗ lực mang nhiều hoài niệm nhưng bộ phim chưa thực sự làm trọn vẹn ký ức tuổi thơ của nhiều khán giả và khó mà vượt qua cái bóng quá lớn của phiên bản truyền hình kinh điển.