Dù là một doanh nhân trung niên thành đạt nhưng Jocelyn (Franck Dubosc) luôn sống hoang đàng, dùng biệt tài nói dối thượng thừa của mình để có được những cuộc tình một đêm. Trong “phi vụ” cưa đổ cô em gái chân dài nóng bỏng, gã vô tình vướng vào mối quan hệ kỳ lạ với Florence (Alexandra Lamy). Trước người phụ nữ khuyết tật đầy nghị lực, tài năng, hóm hỉnh, duyên dáng và tinh tế, gã dân chơi Jocelyn dần bị cuốn hút và nhận ra mình đã yêu. Jocelyn bắt đầu sợ đánh mất tình yêu vì trót nói dối Florece gã bị tàn tật. Giữa những lời lừa gạt và tình cảm chân thành thì gã lãng tử sẽ làm gì để giữ được tình yêu thật sự đầu tiên trong đời?
Câu chuyện phim khá đơn giản, không có quá nhiều cao trào nhưng chính điểm này làm người xem cảm nhận sự gần gũi với cuộc sống và đâu đó thấy mình trong câu chuyện. Một người không tin vào tình yêu thật sự, chạy theo nhục dục vui thú ngắn ngủi; một người gặp nhiều bất trắc, bị phản bội và khao khát được yêu thương; cả hai gặp nhau như một định mệnh để tháo dỡ mặt nạ che giấu con người thật bên trong mình. Jocelyn được mọi người xung quanh mô tả như lão trung niên không nên nết, thích lừa gạt tình cảm của phụ nữ. Qua diễn xuất tinh tế của nam diễn viên Frank Dubosc, ta cũng thấy thấp thoáng đằng sau nhân vật này là một người giàu tình cảm, sợ hãi những mối quan hệ lâu dài do cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ. Những phác họa ở các phân cảnh rất ngắn cũng đủ để ta thấy đâu là con người ẩn giấu bên trong Jocelyn, như nét thoáng buồn khi nghe bản nhạc yêu thích của người mẹ quá cố, hay lúc chứng kiến nỗ lực phi thường của những vận động khuyết tật và cảnh đắt giá nhất là sự e dè không muốn lợi dụng Florence lúc ở khách sạn dù gã trước giờ nổi tiếng với tình một đêm. Với Florence, bên cạnh hình ảnh người nghệ sĩ tài năng, vận động viên kiên cường là nỗi đau âm ỉ vì thương tật và khao khát cháy bỏng được yêu thương dù chỉ là ngắn ngủi để thấy mình được sống như một người phụ nữ toàn vẹn. Giọt nước mắt lúc chia tay Jocelyn lặng lẽ rơi như phút bộc lộ sự yếu đuối thật lòng hiếm hoi của người phụ nữ luôn muốn thể hiện mình mạnh mẽ. Tình yêu hàn gắn tổn thương cho họ, làm họ sống thật với con người mình.
Frank Dubosc đóng vai chính kiêm biên kịch và đạo diễn cho bộ phim nên ông nắm rất chắc việc triển khai những tình tiết hài hước tinh tế đậm chất Pháp. Sự hài hước của bộ phim được thể hiện qua diễn biến tổng thể các tình huống, bốc tách dần trong chuyện phim chứ không phải kiểu chọc cười qua tạo hình hay lời thoại trực tiếp kiểu Hollywood. Việc chọn độ tuổi của các nhân vật chính ở tuổi trung niên cũng là điểm rất hay, những kinh nghiệm sống cùng sự chín chắn của nhân vật làm màu sắc tình yêu trong phim rất mãnh liệt, khi lại đằm thắm nhưng không rơi vào kiểu sến súa ngôn tình. Âm nhạc được được sử dụng rất đắt giá, có chỗ cổ điển sang trọng, có chỗ lại sôi động vui tươi. Lăn Đến Bên Em thật sự đã thành công đem đến một câu chuyện tình yêu khác thường, ấn tượng và đẹp đẽ cho khán giả. Hài hước, lãng mạn, thú vị và rất Pháp.
Lăn Đến Bên Em kể câu chuyện tình hài hước bắt đầu theo một cách khá kỳ quặc nhưng sau cuối tình cảm chân thành vẫn đọng lại bên những người yêu nhau thật sự. Tình yêu dù được kể bằng muôn ngàn câu chuyện với muôn ngàn sắc thái vẫn luôn làm nhân loại không bao giờ chán nghe. Thật nhẹ nhõm khi bước ra khỏi rạp vì lại một lần nữa tin rằng tình yêu sẽ tự biết cách kết nối những con người muốn yêu và xứng đáng được yêu.