Lật Mặt 7: Một Điều Ước là cái tên được bàn luận nhiều nhất của điện ảnh Việt những ngày vừa qua. Tác phẩm mới nhất của đạo diễn Lý Hải đã khiến không ít khán giả bất ngờ bởi sự mới lạ trong lần trở lại này của thương hiệu. Liệu rằng khi nhắc đến Lật Mặt, người ta chỉ nghĩ có hành động, cháy nổ và hài? Nhưng giờ đây Lý Hải đã tô thêm mảng màu mới cho thương hiệu “trăm tỷ” của mình.
Ai sẽ nuôi mẹ? – Câu hỏi tưởng dễ mà khó
Bộ phim xoay quanh nhân vật Bà Hai (nghệ sĩ Thanh Hiền) dù đã 73 tuổi nhưng bà vẫn tự mình trồng trọt, buôn bán hoa bất tử tại làng K’long K’lanh (Lâm Đồng). Chồng bà đi làm ăn mất sớm nên suốt hơn 30 năm chỉ có mình bà nuôi nấng 5 người con gồm Hai Khôn (Trương Minh Cương), Ba Lành (Đinh Y Nhung), Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên), Năm Thảo (Trâm Anh) và Sáu Tâm (Trần Kim Hải).
Bà Hai hiện đang sống cùng Ba Lành nhưng tai ương cùng lúc ập đến khiến bà gãy chân cần người túc trực chăm nom 24/24 nhưng con gái Ba Lành lại cấp cứu phẫu thuật. Trước tình cảnh đó, Ba Lành nhờ sợ giúp đỡ các anh em, nhưng ai cũng có gia đình, công việc riêng. Sự ngần ngại của mỗi người hay những lý do bất khả kháng mà họ đưa ra khiến câu tagline của phim “Trách nhiệm thuộc về ai?” càng thêm chua xót.
Tưởng rằng mâu thuẫn giữa 5 người con bà Hai sẽ được đẩy đỉnh điểm hay nhiều plot twist chồng chéo như các phần phim trước thế nhưng Lý Hải đã có một cách xử lý đúng với hứa hẹn của anh ban đầu “đây là một bộ phim chữa lành”. Và quả thật yếu tố “lật mặt” của phần này dường như nằm ở việc thương hiệu khoác lên mình một “chiếc áo” đậm tính xã hội và đầy thông điệp nhân văn.
Khán giả cũng sẽ được nhìn thấy một Lý Hải sâu lắng, tinh tế và dạt dào cảm xúc trong câu chuyện mà anh phô bày. Năm người con cùng chia nhau rước bà Hai về nhà để chăm sóc mỗi tuần. Dù là người được chăm nom nhưng chính bà Hai mới thật sự là vị cứu tinh hạnh phúc cho từng gia đình nhỏ. Một cách đặt để tình huống rất khéo léo của Lật Mặt 7.
Bà Hai trước sau vẫn vậy, vẫn luôn là trung tâm để mọi khó khăn, khổ cực dồn hết về mình, vẫn luôn là người mẹ, người bà che chở cho từng đứa một. Câu chuyện dàn trải ở nhiều nhân vật, nhiều khía cạnh, ai cũng có áp lực, vất vả riêng nhưng với bà Hai thì chẳng gì có thể làm lu mơ tình yêu thương bà dành cho gia đình.
Lý Hải vẫn rất tài tình trong việc chọn diễn viên
Mỗi nhân vật đều được chia thời lượng phù hợp và có điểm nhấn riêng. Vì vậy, đất diễn cũng được phẩn bổ đều cho tất cả để các diễn viên tỏa sáng đúng với nhân vật. Cái tài “chọn mặt gửi vàng” của Lý Hải vẫn còn rất nhạy bén. Mỗi nhân vật anh xây dựng nên và người thể hiện nó đều rất phù hợp và chân thật. Anh lựa chọn từng diễn viên tròn vai tới nỗi nếu không là họ thì cũng chẳng còn cái tên nào xuất sắc hơn.
Đặc biệt, dàn diễn viên nhí cũng có màn thể hiện hết sức tự nhiên, đáng yêu. Hai bé đảm nhận vai nhóc tì của Tư Hậu, Năm Thảo để lại ấn tượng nhất với người viết khi tung hứng nhiều tình huống với các diễn viên lớn một cách nhuần nhuyễn, gắn kết. Điểm sáng của phần phim này còn ở những miếng hài cực kỳ duyên dáng. Chúng xuất hiện rải rác, không dồn dập nhưng chỉ cần “xuất chiêu” là người xem sẽ được dịp cười sảng khoái tại rạp.
Thiên nhiên, văn hóa Việt hiện lên đậm nét
Bắt đầu tại làng K’long K’lanh, nơi đây nằm giữa Nha Trang và Đà Lạt, một ngôi làng hoang sơ và là nơi sinh sống của dân tộc K’Ho. Nhà bà Hai tại đây được xây dựng giống nhất có thể với kiến trúc của người dân bản địa. Ngôi nhà chủ yếu làm bằng gỗ, mái tôn, bên trong có nơi chất củi sưởi ấm nơi vùng cao. Không chỉ thế, đoàn làm phim còn xây dựng hẳn một bếp lửa và trồng một cánh đồng hoa bất tử suốt nhiều tháng.
Rời làng K’long K’lanh, Lật Mặt 7 đưa khán giả ra thủ đô Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại. Rồi ta lại được ghé vùng biển Ninh Thuận đầy nắng và gió, tham gia lễ hội Nghinh Ông truyền thống của ngư dân. Theo chân bà Hai, người xem tiếp tục đến với cái lạnh của Đà Lạt, núi đồi và rồi về với Sài Gòn nhộn nhịp. Màu phim với tông vàng hoài niệm, xanh bình yên cùng khung cảnh thiên nhiên đẹp nên thơ đã góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam.
Lật Mặt 7 và những hạn chế không đáng có
Lật Mặt 7 thành công trong việc khai thác đa chiều hoàn cảnh trớ trêu của từng nhà nhưng về mặt cảm xúc thì chưa làm được trọn vẹn. Với thời lượng 138 phút, ước chừng sẽ khoảng 15-20 phút cho câu chuyện mỗi gia đình. Dù không có nhiều thời gian nhưng từng vấn đề đó lại được khắc họa nghiêm trọng quá mức cần thiết, rồi lại xử lý trong 1 phút chỉ bằng vài lời nói.
Người xem chưa kịp thẩm thấu nguyên nhân, kết quả, bài học thì phim đã chuyển sang gia đình khác và bắt đầu giới thiệu một câu chuyện hoàn toàn mới. Cứ thế cảm xúc sẽ bị treo lửng lơ đến tận 5 gia đình, 5 câu chuyện riêng. Cuối cùng khi tất cả cùng nhau đi vào câu chuyện chung, người viết đã kỳ vọng cảm xúc sẽ bùng nổ hơn nhưng đáng tiếc vẫn thiếu đi một nốt trầm sâu lắng để làm được điều đó.
Lật Mặt 7: Một Điều Ước nhìn chung là một bộ phim chỉn chu, cho thấy sự đổi mới trong phong cách làm phim của Lý Hải. Bộ phim chạm đến tâm trí người xem bởi một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, về “chữ hiếu”, “chữ tình” khi con người phải đối mặt với guồng quay không ngừng của “cơm áo gạo tiền”. Lật Mặt 7 thật sự là một bước tiến đầy bất ngờ của cặp đôi Lý Hải – Minh Hà trong hành trình 10 năm làm phim của mình.