Linh Hồn Vũ Nữ - một bộ phim kinh dị thiếu điểm nhấn với thông điệp lỗi thời khi cố gắng truyền đạt một câu chuyện gắn mác “lấy cảm hứng từ chuyện có thật”. Cốt lõi vấn đề là cách thực hiện vụng về trong đây.
Linh Hồn Vũ Nữ (KKN di Desa Penari) là một phim kinh dị tâm linh đến từ Indonesia. Phim xoay quanh nhóm bạn sinh viên Nur, Widya, Ayu, Bima, Anton, Wahyu đến một ngôi làng hẻo lánh, nằm nép mình giữa rừng già, để thực hiện các dự án công ích. Nhưng ngôi làng ở đây, kết nối với thế giới bên ngoài thông qua một cây cầu duy nhất, từ đầu đã có gì đó ớn lạnh. Những hiện tượng siêu nhiên sau đó lần lượt tìm đến từng người quấy phá. Nhóm bạn nhận ra họ đang lọt vào tầm ngắm của một linh hồn bản địa nơi đây.
Gọi Linh Hồn Vũ Nữ là phim kinh dị là không sai, chứ cái tên thường dân “phim ma” chỉ nói lên được một nửa tính chất của phim này. Và nếu bạn hỏi người viết cảm nhận về bộ phim này thế nào, người viết sẽ thành thật nói rằng Linh Hồn Vũ Nữ không phải là một bộ phim ấn tượng. Người viết dành một vị trí đặc biệt trong sở thích coi phim của mình cho thể loại kinh dị tâm linh – thể loại khắc họa những tín ngưỡng tâm linh, phong tục thờ cúng địa phương với bản sắc đặc trưng theo những nền văn hóa mà chúng xuất phát. Nhưng ở trường hợp của Linh Hồn Vũ Nữ, những điểm để khen thật ít ỏi.
Đầu tiên, phim biết cách dựng cảnh. Ngôi làng ác mộng trong đây khiến khán giả cảm được tính biệt lập của nơi này, cũng như sự hẻo lánh và lạc hậu ở đây. Đoạn đầu, Linh Hồn Vũ Nữ đã thiết lập thành công không khí ảm đạm và bất thường mà phim hướng tới. Những tưởng đây sẽ là khởi nguồn của một cơn ác mộng và một câu chuyện có đầu đuôi, phim lại đưa mọi thứ chệch hướng với lối hù dọa cũ kỹ, kịch bản lê thê, nhịp phim lề mề với diễn xuất giới hạn và các màn tung hứng diễn xuất gượng gạo.
Thông thường, một phim kinh dị cần một cần câu để thu hút người xem và nó thường hiện hữu ở đoạn đầu của phim, ví như The Conjuring thiết lập một ngôi nhà ma ám trong 1/3 phim, Incantation (Netflix) mới đây thì khiến người xem tò mò khi để nhân vật chính trình bày vấn đề của mình, còn Lights Out (2016) khiến người xem kinh hoàng với một bóng ma chỉ hiện hình trong bóng tối. Nói chung là có nhiều cách để “câu” khán giả trong một phim kinh dị. Linh Hồn Vũ Nữ cũng làm điều đó nhưng phim lại gặp phải chỗ khó là làm điều đó quá dài. Hậu quả là phim đi đến nửa thời lượng rồi mà câu chuyện vẫn chưa đi vào vấn đề chính, khiến phim phải chạy nước rút ở đoạn cao trào.
Phim triền miên lặp đi lặp lại những màn hù dọa giống hệt nhau bao gồm jump-scare, giấc mơ điềm báo, những cái bóng lẩn khuất cho đến những hành vi bất thường của người bản địa và các thành viên. Linh Hồn Vũ Nữ tập trung vào hù khán giả hơn kể một câu chuyện tử tế và giải quyết các nghi vấn cơ bản nhất như tại sao linh hồn bí ẩn kia lại quấy rối đám bạn, miếu thần thờ ai, tín ngưỡng dân gian ở đây là gì, sao Vũ Nữ lại sợ một linh hồn bà lão, bà ta là ai thế, rồi cái bóng đen kia là ai, sao nhà tắm lại đặt cạnh miếu thờ…vân vân và mây mây. Các chi tiết trong Linh Hồn Vũ Nữ không ăn khớp với nhau là một điểm trừ nữa của bộ phim.
Linh Hồn Vũ Nữ dường như còn muốn đi xa hơn việc thêu dệt các tín ngưỡng dân gian đơn thuần vào phim. Có thể thấy trong việc Nur luôn muốn cứu vớt những người bạn không theo đạo của cô, phim dường như còn muốn nhấn mạnh mối mâu thuẫn giữa tôn giáo và các phong tục dân gian, cụ thể trong đây là đạo Hồi – tôn giáo phổ biến nhất Indonesia, và tục thờ cúng tổ tiên, các vong hồn và thần linh xưa cũ và ngôi làng nhỏ bé này vô tình trở thành “chiến trường” khi một nhóm người ngoài đến đây. Khổ nỗi, Linh Hồn Vũ Nữ làm không tới ở phương diện trên, nên phim chuyển chủ đề rất đột ngột và khiên cưỡng. Từ một phim về một vị tà thần đang vươn móng vuốt bắt người lại trở thành một bộ phim truyền tải thông điệp hết sức giáo điều và lạc hậu. Những ám chỉ trong đây không làm nó dễ chịu hơn chút nào.
Thêm vào đó, Linh Hồn Vũ Nữ còn bắt người xem chịu đựng những màn kể lể chỉ làm một bộ phim đã chậm nay còn lê thê hơn mức cần thiết. Nó quên quy tắc nên “nói” bằng ngôn ngữ điện ảnh đối với một bộ phim chứ không phải các màn độc thoại. Diễn xuất không phải là cứu cánh của phim chút nào. Các nhân vật đã một màu thấy rõ, diễn xuất còn một màu hơn cả. Ai cũng có đúng một biểu cảm, đôi lúc làm quá không cần thiết và hành động tụt IQ. Ít nhất thì họ nên tìm hiểu nguyên nhân bản thân bị dọa đến như vậy ngay từ ngày đầu tiên như một cách để dẫn dắt người xem vào phim, nhưng không. Sau những màn chạm trán với ác linh, họ chỉ chăm chăm hoàn thành công việc mà không mảy may nghĩ đến hai chữ “tại sao”. Nếu bạn đã trải nghiệm bị hù dọa ở một nơi, bạn có đẩy bạn của mình vào đó không – trả lời được câu hỏi này thì khán giả sẽ thấy tính vô lý của Linh Hồn Vũ Nữ lộ diện ngay.