Đánh giá phim

[REVIEW] Marianne (Netflix) - Câu chuyện kinh dị rợn gáy và hấp dẫn đến từ nước Pháp

Marianne xoay quanh nhà văn kinh dị nổi tiếng Emma Larsimon (Victoire Du Bois), người vừa mới hoàn thành bộ truyện kéo dài 10 năm của mình. Sau nhiều năm xa nhà, cuộc gặp gỡ kinh hoàng với người bạn thời thơ ấu khiến cô quay về thị trấn Elden nằm lọt thỏm giữa biển cả và rừng rậm. Tại đây, Emma sẽ phải đối đầu với thế lực ma quỷ xảo quyệt vốn đã hiện diện từ trăm năm về trước.  

Bộ phim là tập hợp nhiều yếu tố kinh điển của dòng phim kinh dị, gồm những pha jumps-scare bất chợt, sử dụng ảnh phản chiếu, ánh sáng tương phản, âm thanh ồn đột ngột, những khoảng lặng bất thường, bài đồng dao ghê rợn, và những phân cảnh cắt xẻo rợn người. Người xem cũng được chứng kiến các nghi lễ cầu hồn và trừ tà không thể quen thuộc hơn trong Ouija hay The Exorcist. Tương tự như The Haunting Of Hill House, câu chuyện lắm quanh co và lắt léo của Marianne khắc họa cách một người đối mặt với quá khứ của bản thân và đem những gì còn dang dở đến hồi kết thông qua việc đánh bại bóng ma của quá khứ. 

Nguồn: Daily Express

Ngay từ tập đầu tiên, đạo diễn Samuel Bodin đã để người xem cảm nhận được bầu không khí kinh dị và khó chịu của bộ phim qua phân cảnh một người đàn bà đang tự nhổ răng mình trong căn bếp tối mù. Xuyên suốt bộ phim, cảm giác này không hề giảm đi mà ngày càng dồn dập hơn cho đến tận đoạn cao trào cuối cùng của phim. Nhưng ông không lạm dụng phân cảnh kinh dị quá nhiều mà dàn đều chúng ra sao cho 8 tập phim đều xuất hiện yếu tố ma quỷ và làm chúng không lấn át cả câu chuyện.

Đối với Marianne, rùng rợn chỉ là một trong nhiều yếu tố hay của bộ phim, nhưng là yếu tố được đầu tư rất chỉn chu. Để tận dụng những cái có sẵn mà không làm người xem nhàm chán hoặc đoán trước những gì sẽ xảy ra, Bodin đã xây dựng chúng với những pha chuyển cảnh vô cùng mượt nhưng cũng có lúc lại đột ngột khiến người ta phải giật mình. Đặc biệt là ở những giấc mộng của Emma, một điều diễn ra thường xuyên trong phim, các đoạn chuyển cảnh khiến người xem không thể phân biệt được đâu là mơ đâu là thực.

Nguồn: Overblog

Bên cạnh những phân cảnh kinh dị, Marianne vẫn có những chỗ trống để phát triển những khía cạnh trầm hơn của bộ phim. Không chỉ khắc họa trận chiến giữa người và thế lực quỷ dữ, bộ phim còn truyền tải những cung bậc cảm xúc và thông điệp về tình bạn, tình yêu, và các cảm xúc tích cực như ý chí đương đầu với quá khứ, sự thứ tha và lòng dũng cảm để cầu xin nó. Đây không phải là tuyến truyện được thêm thắt vào chỉ để kéo dài thời lượng phim. Theo lý thuyết, ma quỷ thường bị thu hút bởi những ai mang cảm xúc tiêu cực, như Emma chẳng hạn, và chỉ những cảm xúc tích cực mới có thể xua tan sự ảnh hưởng của chúng. Đây là những chi tiết được cài cắm để bộ phim có thể mang ý nghĩa đến cho chiến thắng của nhân vật chính.

Marianne có đủ tính ghê rợn có thể ít nhất 1 lần dọa được cả fan cứng của dòng phim kinh dị. Thế nhưng, nỗi sợ chỉ làm nên một nửa sự tuyệt vời của bộ phim. Phần còn lại phụ thuộc rất lớn vào dàn nhân vật chính. May thay, 8 tập phim đã cho thấy Mariane cũng sở hữu dàn nhân vật cuốn hút, điển hình như Emma và ấn tượng nhất là phù thủy Marianne.

Nguồn: Daily Express

Với Emma, chất Âu châu khiến cô trở nên vô cùng lạ lẫm với người xem vốn quen với các nhân vật người Mỹ. Emma có tính cách bất cần, bợm rượu, nổi loạn và có xu hướng tự hủy hoại bản thân. Là nhân vật trung tâm, Emma dĩ nhiên nhận trọng trách lèo lái mạch cảm xúc của bộ phim. Nên ngay từ đầu, người xem không thể có cảm tình với cô nàng này được. Phải đến tập phim thứ 5, người xem mới nhận thức được sự thay đổi chóng mặt của cô xuất phát từ bi kịch không ai muốn. Điều này đánh dấu sự biến chuyển tâm lý của nữ nhà văn và phần nào lấy được sự cảm thông từ khán giả.

Tương phản một trời một vực với nữ chính, phản diện Marianne thì vẫn giữ nguyên độ khủng khiếp của mụ ta. Vốn đã bị hành hình vì tội phù thủy ở thế kỷ 17, Marianne vẫn cố níu kéo sự sống. Mụ nằm dưới lòng đất lạnh lẽo, chờ đợi con mồi xấu số mình có thể lợi dụng. Trong bộ phim mang tên mụ, Marianne hiển nhiên là thực thể quyền năng và đáng sợ. Không có thể xác, mụ tìm kiếm những con người yếu ớt để cướp lấy cơ thể và xui khiến họ làm nên những điều ghê rợn. Người xem sẽ căm ghét Marianne. Đó là điều chắc chắn. Nhưng đồng thời, khán giả cũng thấy thích thú với nhân vật này. Vì một lẽ, đây có thể là phù thủy đáng sợ và chân thật nhất họ từng chứng kiến trong những năm gần đây.

Nguồn: Cinemaholic

Có một nghịch lý trong làng nghệ thuật, nhất là văn học và nền điện ảnh mà nó truyền cảm hứng, là các hình tượng thường được thay đổi đến mức chóng mặt. Điều này đặc biệt thể hiện rất rõ ở dòng phim kinh dị. Ví như Hollywood đã biến chú hề vui nhộn thành biểu tượng của sự kinh hoàng trong It và thổi tính “người” vào những phản diện cổ điển như ma cà rồng và để hắn làm một học sinh trung học điển trai như Twilight. Hình tượng phù thủy không nằm ngoài trí tưởng tượng phong phú của điện ảnh.

Người xem đã quá quen thuộc với những cô nàng và anh chàng mặc áo choàng, cưỡi chổi, ve vẩy đũa thần và niệm những câu thần chú nhiệm màu. Với Charmed, loạt phim Sabrina, Witches at East End, Harry Potter…những kẻ thực thi ma thuật bỗng trở nên “người” hơn hẳn. Ít ai nhớ đến sự kinh hoàng bủa vây hình tượng phù thủy cho đến khi The Witch ra mắt, và giờ là đến lượt Marianne.

Nguồn: PopSugar

Samuel Bodin không tuân theo trào lưu nhân hóa một trong những hình tượng phản diện kinh điển này, ngược lại, ông vẽ nên Marianne và lý do người châu Âu đã ám ảnh với phù thủy trong suốt 300 năm. Với tạo hình đậm chất Gothic, ma thuật xuất phát từ ma quỷ, bản tính tàn bạo, phản Chúa, Marianne là hình ảnh phù thủy trung thành với nguyên tác thần thoại đen tối sau khi lột bỏ vẻ hào nhoáng. Dù không thể phủ nhận chính Emma và diễn xuất của Victoire Du Bois đã làm nên cái hay của phim, nhưng phản diện Marianne mới là điều ấn tượng nhất mà bộ phim để lại cho người xem.

Không ai có thể ngờ được xứ sở của rượu vang và ẩm thực tinh tế của châu Âu có thể sản xuất một câu chuyện ma kinh hoàng đến vậy. Chất kinh dị và thông điệp trong Marianne không mới. Thậm chí, nhiều người sẽ thấy những chi tiết không thể quen thuộc hơn giữa phim những bộ phim cùng thể loại khác. Nhưng chính cách dàn dựng mà đạo diễn Samuel Bodin dành cho phim đã làm nên nét thu hút cuốn người xem vào thế giới ma mị của Marianne.