Marriage Story là bộ phim mới nhất vừa ra mắt của đạo diễn/biên kịch Noah Baumbach, lấy cảm hứng từ câu chuyện ly hôn của chính vị đạo diễn và nữ diễn viên Jennifer Jason Leigh, đồng thời từ trải nghiệm của những người xung quanh anh. Nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình và khán giả, câu chuyện hôn nhân của Marriage Story rốt cuộc có gì đặc biệt?
Charlie (Adam Driver), một đạo diễn sân khấu với sự nghiệp đang thăng hoa, với vợ đẹp, con ngoan và cuộc sống ổn định ở New York. Vợ anh, Nicole (Scarlett Johansson), một diễn viên từ bỏ màn ảnh để tham gia đoàn kịch và có tiếng tăm từ đó. Họ sống với nhau nhiều năm và tưởng như chẳng gì có thể chia cách cả hai: “Lúc nào cũng là Charlie và Nicole”. Thế rồi, đột nhiên họ ly hôn.
Marriage Story có nhiều điểm tương đồng với The Squid and the Whale, bộ phim lấy đề tài tương tự cũng do Noah Baumbach thực hiện, với nhân vật tương tự, mâu thuẫn tương tự, nhưng khác biệt ở điểm bộ phim được kể thông qua góc nhìn của 2 đứa trẻ, những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ ly hôn. Marriage Story lật góc nhìn lại và cho khán giả thấy quan điểm của mỗi nhân vật là Charlie và Nicole trong cuộc ly hôn, sự khác biệt và những bất hòa trong cuộc sống tưởng chừng như hoàn hảo của họ. Chẳng đơn giản là hết yêu, chẳng đơn giản là một trong hai người lừa dối người còn lại… mà cuộc ly hôn là kết quả của một loạt hành động trong quá khứ mà kết quả của hành động đó có thể thỏa mãn người này, nhưng không làm người còn lại hài lòng.
Bộ phim của Noah Baumbach súc tích, sâu sắc và làm người ta choáng ngợp bởi cảm xúc mà nó mang đến. Những vấn đề trông có vẻ nhỏ nhặt với người ngoài, nhưng lại lớn lao và phức tạp đối với mỗi thành viên trong gia đình, với từng người đang trải qua những vấn đề đó. Marriage Story không bi lụy, không đau khổ đến thắt lòng, đôi khi thậm chí còn hài hước, nhưng mang vẻ man mác buồn và cay đắng, những cảm xúc khiến người ta nhớ mãi bởi dư âm của nó.
Phim mở đầu bằng những phân cảnh của một gia đình hạnh phúc, hoàn hảo, về những lý do mà Charlie và Nicole yêu nhau, kết hôn với nhau. Rồi khi những hồi tưởng đó kết thúc, phần lớn thời gian còn lại, khán giả được biết lý do họ xa nhau. Theo sau câu chuyện tình yêu ở đầu phim, là một cuộc hôn nhân bị phá hủy bởi quan điểm khác biệt và những hi sinh thầm kín của mỗi người mà nửa kia chẳng bao giờ biết được.
Chúng ta, với thói quen của một kẻ xem phim, vẫn không ngừng tìm kiếm kẻ phản diện trong câu chuyện này. Cái hay của Marriage Story được bộc lộ qua việc buộc khán giả phải liên tục loại bỏ mong đợi của mình khi cố gắng gán ghép Charlie hay Nicole vào vai trò phản diện. Ngay khi ta vừa cảm thương với Nicole, góc nhìn của Charlie mang đến một góc nhìn khác về cô. Ngay khi ta thương cảm với Charlie, góc nhìn của Nicole lại tiết lộ một sự thật khác. Khán giả liên tục bị giằng xé giữa việc phải lựa chọn việc ủng hộ ai trong câu chuyện. Câu trả lời là hãy ủng hộ cả hai, vì ai cũng đã có những hi sinh, những khổ đau thầm kín không thể nói thành lời và sau những trận cãi vã với mong muốn làm tổn thương người còn lại như chính cách họ đã làm tổn thương mình, Nicole và Charlie đều mong muốn điều tốt nhất cho Henry – con trai họ, đồng thời tìm được hạnh phúc và sự bình yên cho bản thân.
Marriage Story, ở một góc nhìn khác, còn là cái nhìn cảm thông và khoan dung đối với người phụ nữ trong gia đình. Tôi sẽ không gọi đó là bộ phim về nữ quyền hay thứ gì tương tự, nhưng Marriage Story cho quan điểm rõ ràng trong định kiến về giới, từ màu sắc sử dụng trong poster (màu xanh cho Charlie và màu hồng cho Nicole) cho đến những đoạn thoại dài nói về vai trò và cách xã hội nhìn nhận phụ nữ trong hôn nhân thông qua nhân vật Nora do Laura Dern thể hiện, tuy có lẽ làm nhiều khán giả cảm thấy hơi giáo điều. Phim giăng ra những chiếc bẫy nho nhỏ, làm người ta mắc vào những định kiến muôn thuở về giới, để rồi nhẹ nhàng dẫn họ thoát khỏi những định kiến đó.
Một trong những điểm ấn tượng của Marriage Story chính là diễn xuất mạnh mẽ của dàn diễn viên chính, cũng như các gương mặt phụ. Khoảnh khắc Charlie cố nén nước mắt khi biết được tiếng lòng thực sự của Nicole có lẽ là giây phút đã mang về cho Adam Driver chiến thắng ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại giải Gotham. Cả Adam Driver và Scarlett Johansson đều xuất sắc trong vai trò của mình. Laura Dern trong vai Nora cũng rất ấn tượng, một luật sư luôn đứng về phía phụ nữ trong các cuộc ly dị và là người hóa giải chính các định kiến mà bộ phim ngấm ngầm khơi gợi trong khán giả. Ray Liotta mang đến hình ảnh của một luật sư điển hình là Jay, lời nói rất thuyết phục, nhưng thái độ đôi khi hơi khốn nạn. Alan Alda vai Bert thì ảnh hưởng nhẹ nhàng hơn, nhưng lời khuyên về tha thứ và chấp nhận thua cuộc của không được Charlie nghe theo bởi đơn giản, cuộc chiến giữa Charlie và Nicole còn liên quan đến Henry, cậu con trai mà họ cùng yêu thương đến mức sẵn sàng hi sinh mọi thứ.
Kịch bản và cốt truyện của Marriage Story đặc biệt nổi bật và khiến người ta chú ý bởi sự chặt chẽ của nó. Gần như mọi chi tiết, mọi tình tiết, mọi câu thoại đều có nhiều hơn một vai trò và không hề thừa thãi. Nó phần nào làm người ta cảm giác ngột ngạt như đang bị giam vào bốn bức tường, không có chỗ thở như chính cuộc hôn nhân của Charlie và Nicole. Hành động của hai nhân vật và quyết định mà họ đưa ra đều phù hợp với đặc điểm tính cách mà họ được bạn đời mô tả ở đâu phim. Tưởng chừng cuộc chiến sẽ mãi không có hồi kết, nhưng cuối cùng, khán giả thấy được một lối thoát khi họ hành động khác đi với tính cách của mình. Charlie, người đàn ông tính tình cạnh tranh, không để ai ngáng đường và không từ bỏ, cuối cùng chấp nhận thua cuộc. Nicole, người phụ nữ vốn dễ nản lòng, nhưng lần này quyết đấu tranh vì đứa con và cả sự nghiệp cùng những điều mà mình khao khát.
Marriage Story, tựu trung, là câu chuyện vừa nhẹ nhàng, nhưng cũng vừa kịch tính, không chỉ về hôn nhân, gia đình, mà còn là sự tha thứ, chấp nhận và buông bỏ. Phim là một tác phẩm đáng xem và xứng đáng là đối thủ đáng gờm trên đường đua Oscar năm 2020.