Mẹ Chồng đánh dấu sự trở lại ấn tượng của Thanh Hằng sau hai năm vắng bóng trên màn ảnh rộng. Phim lấy bối cảnh giả tưởng tại làng Đại Điền thập niên 50 với câu chuyện bi kịch gia đình của nhà họ Huỳnh do Lý Minh Thắng làm đạo diễn. Nội dung phim xoay quanh cuộc đời và số phận của những nàng dâu trong gia tộc họ Huỳnh. Bi kịch bắt đầu từ những quan niệm và tư tưởng phong kiến khắt khe được bà Hai Lịnh (Diễm My) giáo huấn và áp đặt lên cô con dâu Ba Trân (Thanh Hằng). Trong quá trình tranh đấu cho vị trí của mình, Ba Trân đã bất chấp đạo đức và luật lệ, tiếp tục nhân bản những quy củ hà khắc của dòng tộc lên con dâu, trở thành bà mẹ chồng độc ác và tàn nhẫn.
Mẹ Chồng là câu chuyện của những người phụ nữ tự tạo bi kịch cho chính mình!
Thứ nhất, bà Hai Lịnh. Bà Hai Lịnh nắm giữ gia bảo của gia tộc họ Huỳnh, có nhiệm vụ giữ gìn và truyền lại cho đời sau. Như lời dẫn dắt của câu chuyện, cả đời của bà Hai Lịnh sống là để thực thi những quy định về gia phong nề nếp và luật lệ của gia đình. Bà chỉ có độc nhất cậu con trai Hai Nhứt, chính vì vậy nhiệm vụ nối dõi tông đường được bà xem trọng và gắt gao hơn bao giờ hết.
Bà Hai Lịnh là người phụ nữ quyền lực, nhưng quyền lực không cứu được mạng sống và bi kịch của bà. Sai lầm lớn nhất cuộc đời bà chính là không đánh giá đúng năng lực của Ba Trân. Những tưởng phận dâu con như Ba Trân dẫu có chút xảo thuật cũng đừng hòng qua nổi mắt bà, nhưng Ba Trân đã làm được hơn như thế. Vượt qua nỗi sợ hãi và đau đớn của bản thân, Ba Trân ngày càng cứng rắn, mạnh mẽ và nhẫn tâm hơn, đánh đổi bằng mọi giá để giữ được địa vị của mình trong gia tộc họ Huỳnh. Thời thế đổi thay, những chuỗi ngày bán thân bất toại của bà Hai Lịnh trên giường bịnh là cơ hội cho Ba Trân trở mình.
Thứ hai, cô Ba Trân. Cô Ba Trân là nhân vật chính của toàn bộ câu chuyện cũng là người “thừa kế” những luật lệ và “di sản” hà khắc của bà Hai Lịnh truyền lại cho thế hệ sau. Lần duy nhất trong cuộc đời cô Ba cười khi bước chân về nhà họ Huỳnh là ngày cưới. Những năm tháng sau đó của cô Ba theo bà Hai Lịnh là “không động móng tay móng chân” nhưng đầy rẫy những đau đớn và tủi nhục trong tâm hồn.
Vì chút lòng tham, cô Ba Trân sử dụng ma thuật để mong giữ được chồng và sớm có con nối dõi tông đường. Nhưng chính lòng tham đã đẩy cô đi từ bi kịch này đến bi kịch khác. Đỉnh điểm nỗi sợ hãi cũng chính là lúc Ba Trân đủ nhẫn tâm để kết thúc chuỗi ngày đắng cay do mẹ chồng mang lại trong sự bất lực của bà. Những tưởng khi bước lên đỉnh cao của quyền lực, Ba Trân có thể an nhiên sống hạnh phúc nhưng chính cô lại là người tiếp tục thực thi những lề lối phong kiến cổ hủ của gia đình từ bà Hai Lịnh trước đây.
Ba Trân là người phụ nữ không được yêu thương. Tình yêu của cô lén lút, tình thương của cô bé nhỏ. Cứ ngỡ rằng khi bà Hai Lịnh thất thế, cuộc đời của Ba Trân sẽ rỡ ràng và tươi sáng hơn, nhưng không, cô tự đẩy cuộc đời mình vào những chuỗi ngày đen tối khác. Ôm nước mắt đắng cay trong uất hận, Ba Trân tự tay hạ sát những người mà mình thương yêu nhất. Sức mạnh của uy quyền mà Ba Trân có được vốn không hề che đậy được trái tim bị tổn thương của một người phụ nữ kém may mắn trong hôn nhân lẫn hạnh phúc gia đình. Ba Trân yêu thương con trai bằng tình yêu ích kỷ, yêu nhân tình cũng bằng một trái tim như thế.
Cô Ba Trân, người đàn bà quyền lực của họ Huỳnh lúc bấy giờ, hoàn toàn có thể lựa chọn khác để chấm dứt chuỗi bi kịch của cuộc đời mình, để chấn hưng gia tộc và cứu rỗi số phận của những đứa con nhưng cô đã không làm. Phải chăng, chính những tư tưởng và định kiến của nền giáo dục xưa cũ đã khiến cho người phụ nữ rơi vào bước đường cùng hay chính họ không dám tự tìm một lối thoát riêng cho bản thân? Để rồi, từ thế hệ này sang thế hệ khác, họ tiếp tục lặp lại những đau thương cho con cháu sau này!
Ngược lại, mợ Bảy Loan (Ngọc Quyên) là nhân vật điển hình cho phụ nữ trong xã hội xưa với lối sống an phận và cam chịu. Khi Thiện Khiêm trưởng thành, đáng lẽ sẽ là thời điểm để Bảy Loan có cơ hội thoát khỏi những ràng buộc của nhà họ Huỳnh và bước khỏi gia tộc để có cuộc sống tốt đẹp hơn; nhưng thay vì chấp nhận cái mới và tự cởi trói cho bản thân, Bảy Loan đã chọn cách kết thúc bế tắt hơn để bảo toàn đạo đức, nề nếp và gia phong của gia đình. Suy cho cùng, bi kịch của cuộc đời cô là chính cô tạo ra, là cô đã không dám bước qua khỏi định kiến của xã hội.
Một số nhân vật khác đại diện cho những luồng tư tưởng mới của người trẻ trong xã hội như Tuyết Mai (Midu), Thiện Khiêm (Song Luân) được xem như những hy vọng cho gia tộc họ Huỳnh trước những biến đổi của thời cuộc. Tuy vậy, với những ràng buộc xưa cũ của xã hội phong kiến lỗi thời, người trẻ cũng gánh chịu không ít tổn thương do thế hệ trước để lại. Hình tượng Tư Thì (Lan Khuê), vợ cả của cậu Hai Phước (Lâm Vinh Hải) có thể chính là sự tiếp nối cho bà Hai Lịnh và cô Ba Trân.
Nhìn tổng thể, Mẹ Chồng là bộ phim có chất lượng của điện ảnh Việt. Kịch bản tốt, cốt truyện mạch lạc, diễn xuất khá ổn của dàn diễn viên cùng sự đầu tư công phu của cả ê kíp về phục trang, bối cảnh, âm nhạc, lời thoại… đã làm nên một phim đáng tiền. Tuy vậy, với thời lượng ngắn ngủi, Mẹ Chồng chưa lột tả hết được những mưu mô phức tạp và tâm lý sâu cay của những người phụ nữ trong cuộc tranh đấu giành giật tình yêu và địa vị. Phim có nhiều phân đoạn bi kịch chưa được đẩy đến cao trào, kết thúc ít bất ngờ và một vài điểm chưa sáng có thể khiến cho những khán giả khó tính không thực sự hài lòng hoặc ấn tượng về phim.