Đánh giá phim

[REVIEW] Mirage - Cơn lốc du hành thời gian hấp dẫn của điện ảnh Tây Ban Nha

Orio Paulo, vị đạo diễn được biết đến nhiều không chỉ ở điện ảnh Tây Ban Nha mà còn là điện ảnh thế giới nhờ những bộ phim giật gân, bí ẩn hấp dẫn và luôn có một cú twist bất ngờ đang chờ đợi người xem phía trước. Năm 2012, The Body (El Cuerpo) mang đến danh tiếng nhất định cho vị đạo diễn (được Hàn Quốc remake, từng công chiếu tại Việt Nam với tựa đề Xác Chết Trở Về).

 

Năm 2016-2017, The Invisible Guest (Contratiempo - Sát Thủ Vô Hình) trở thành hit lớn trong sự nghiệp của vị đạo diễn, khi mang về $25 triệu khi ra mắt thị trường quốc tế, đồng thời gây chú ý với khán giả Việt Nam có cơ hội thưởng thức bộ phim này. Đến năm 2018, vị đạo diễn tiếp tục làm khán giả ấn tượng bằng Mirage (Durante la tormenta), bộ phim về một người phụ nữ và một đứa trẻ vô tình bị hại, thêm vào đó là yếu tố du hành không gian và thời gian.

Là một phim Tây Ban Nha hiếm hoi khai thác thể loại sci-fi, Mirage đủ thoả mãn người xem với độ phức tạp của nó, dù chưa đủ chiều sâu vì tập trung nhiều vào việc dẫn dắt tình tiết nhiều hơn. Đủ giải trí, đủ cảm xúc, phim nhìn chung phù hợp với những ai yêu thích phong cách của vị đạo diễn,yêu thích các phim bí ẩn, hồi hộp và bất ngờ. 

Phim bắt đầu vào năm 1989, thời điểm Bức Tường Berlin sụp đổ, tiết trời đang trong một cơn bão thì cậu bé Nico (Julio Bohigas) vô tình chứng kiến một vụ án mạng. Cậu bỏ chạy nhưng vô tình bị tông xe. 

25 năm sau, y tá Vera (Adriana Ugarte), chuyển đến nhà của Nico cùng với chồng mình là David (Alvaro Morte) và con gái Gloria (Luna Fulgencio). Một đêm nọ, trong cơn bão tương tự năm 1989, Vera tìm thấy một chiếc TV cũ và liên lạc được với Nico 25 năm trước.

Chiếc TV này chính là một lỗ hổng thời gian để đưa quá khứ 25 năm trước và tương lai 25 năm sau gặp nhau tại một điểm, giúp Vera có cơ hội cứu lấy Nico. Nhưng không may, cô phải đánh đổi việc thay đổi lịch sử bằng gia đình gồm người chồng và đứa con gái của mình, nên Vera quyết định tìm cách thay đổi thực tại một lần nữa.

Mang ảnh hưởng của các phim như Frequency (2000) của Gregory Hoblit hay rõ ràng hơn là Back to the Future, nhưng khác với tác phẩm mang tầm ảnh hưởng đại chúng và vẫn còn làm khán giả sôi sục phát hiện nhiều chi tiết mới lạ giữa các phần phim với nhau, Mirage có nội dung đơn giản hơn, tuy cũng không kém phần thú vị. Dù vậy, câu chuyện của đạo diễn Paulo được bù lại bằng phong cách làm phim đậm chất Tây Ban Nha, nhiều yếu tố kịch tính liên quan đến gia đình, tình yêu, dối trá và cảm xúc. Các chi tiết chính có liên kết hợp lý với nhau và được giải quyết thoả đáng ở cuối phim.

Khởi động hơi chậm chạp và sự bối rối của nhân vật trong một thực tại khác có khi làm người xem mất kiên nhẫn, nhưng sau khi đã bắt được nhịp, Mirage như một cơn lốc càng lúc càng cuốn khán giả vào những bí ẩn mà nó giăng ra. Tất cả những chi tiết quan trọng đều vừa đủ khít với nhau (lưu ý là nếu phân tích nhiều quá thì bạn sẽ phát hiện bộ phim không được chặt chẽ lắm), dù không hẳn hợp lý trong đời sống, nhưng hợp lý với thế giới mà bộ phim tạo ra. Mirage mang tông màu xanh xám ảm đạm, xuyên suốt phần lớn các sự kiện, thật thật giả giả và mang nhiều ẩn giấu như chính bầu trời trước cơn bão.

Điểm nổi bật nhất của Mirage phải kể đến diễn xuất của Ugarte trong vai nữ chính, một nhân vật với trí nhớ vừa lẫn lộn, lại vừa chẳng hiểu chuyện gì xảy ra khi ở trong một thế giới tưởng quen thuộc nhưng hoá ra hoàn toàn xa lạ, hơn nữa còn phải cố gắng tìm lại gia đình đã mất của mình. Mirage đáng giá chính là nhờ một phần vào màn trình diễn đầy cảm xúc của Ugarte, một người mẹ đang tuyệt vọng. Thêm vào đó là sự thể hiện tròn vai và thú vị của Álvaro Morte trong vai David Ortiz hay Javier Gutiérrez trong vai Ángel Prieto. Chino Darín ngược lại trông đơ và không thể hiện đủ cảm xúc của nhân vật, nếu so với các nhân vật khác thì đáng tiếc lại là “điểm đen nổi bật" giữa dàn diễn viên thể hiện quá tốt.

Tuy diễn viên giúp Mirage đáng xem hơn, nhưng cũng không thể bỏ qua cách sắp xếp tình tiết và các plot-twist của phim, dù theo nhiều nhận xét của khán giả đã quen thuộc với phim của Paulo thì nếu so với The Invisible Guest, phim vẫn còn thiếu một chút bất ngờ. 

Nhìn chung, Mirage chứa đựng đầy đủ các yếu tố để làm nên một tác phẩm giải trí đáng xem, không chỉ nhờ kịch bản, diễn xuất, mà còn chính nhờ “bàn tay vàng” của đạo diễn Oriol Paulo.