Bộ phim với thời lượng 80 phút này thực sự là một thảm họa của ngành điện ảnh trong năm 2017.
Nội dung phim nói chuyến du lịch nước Úc của 2 anh em Jeff, Josh cùng Megan, bạn gái Jeff. Cả 3 quyết định thử sức với trò tiếp cận cá mập bằng một chiếc lồng sắt. Không may, khi cả nhóm đang tận hưởng trò chơi, một cơn sóng lớn bất ngờ ập tới làm lật thuyền, khiến Jeff, Josh, Megan bị kẹt lại vùng biển của loài cá hung tợn này. Họ phải làm tất cả để chống lại số phận và giành giật sự sống cho chính bản thân mình.
Thú thực phần giới thiệu nội dung và trailer đều không tệ, đủ để khiến bạn hi vọng phần nào về một bộ phim kinh dị hấp dẫn. Nhưng những gì mà khán giả nhận được không khác gì một bộ phim tư liệu nhàm chán. Câu chuyện được thuật lại qua lời kể của người thân của các nhân vật chính, kết hợp với những thước phim mà chiếc máy quay của nhóm bạn đã ghi lại được. Phim được ghi hình hoàn toàn bằng chiếc máy quay nhỏ của nhân vật Jeff.
Về mặt ý tưởng thì cách làm này khá là mới mẻ, đem lại cảm giác chân thực và thực tế là đoạn đầu phim cũng khá là thú vị. Nhưng sau đó, việc quay phim bằng chiếc camera nhỏ ấy nhanh chóng tạo ra cảm giác tù túng, ngột ngạt, các cảnh sau không tạo được sự mới mẻ so với cảnh trước. Góc quay thì bị xoay liên tục tùy theo hứng thú của nhân vật trong phim, khiến khung cảnh trở nên rối rắm và chóng mặt. Hết nửa câu chuyện là cảnh các nhân vật nhìn vào camera và độc thoại, xem cực kỳ chán và mệt. Diễn biến phim chậm một cách quá mức, hầu như cả bộ phim chỉ có khung cảnh 3 nhân vật nổi lềnh bềnh giữa đại dương. 3 khuôn mặt đó lặp đi lặp lại, quang cảnh đại dương và tiếng nước cũng cứ lặp đi lặp lại, hình ảnh cái phao màu cam cũng lặp đi lặp lại, cả bộ phim chỉ có sự lặp lại chi tiết một cách buồn tẻ.
Biên kịch cố ý tạo ra một mối quan hệ tay ba để tận dụng, khai thác diễn biến tâm lý của các nhân vật khi đang lênh đênh trên biển. Có vẻ ý tưởng là như vậy, nhưng sau cùng trong phim chỉ các mối quan hệ hời hợt cùng lối suy nghĩ nhạt nhẽo của các nhân vật. Việc dùng máy quay cầm tay khiến cho những cảnh tấn công của cá mập không được rõ cho lắm, có cảnh còn chả thấy được cái gì ngoài bọt ngước. Vì thế mà gần như chẳng có gì gọi là kinh dị trong phim và cũng không hề có chỗ cho những kĩ xảo đẹp mắt. Các tình tiết trong phim gượng ép và lố bịch cực kỳ. Chẳng hạn như cảnh pháo sáng làm cháy con thuyền cứu hộ khiến cả 3 phải nhảy xuống nước được sắp đặt rất vô duyên và cứng nhắc thấy rõ.
Điểm sáng le lói của phim đến từ khả năng diễn xuất của 3 nhân vật chính. Cả Jeff, Josh và Megan đều có những biểu cảm rất tốt, từ vẻ trẻ trung, vui tươi của những người trẻ lạc quan cho đến biểu cảm sợ hãi, hoang mang và những lời thoại mang cảm xúc khả chân thật. Tuy nhiên, nội dung tệ hại khiến cho khán giả không thể nào bình tĩnh mà nhìn ra những mặt tích cực ấy.
Trong bộ phim này cũng đã nói rõ cá mập thực chất không phải loài động vật nguy hiểm như mọi người vẫn nghĩ. Trong thực tế, tỉ lệ bị cá mập tấn công chỉ là 1 phần 900 triệu, và hơn 80% số người bị tấn công vẫn sống sót để kể lại câu chuyện của mình. Điều này có nghĩa là số trường hợp chết do cá mập mỗi năm là cực kỳ ít. Thế nhưng qua bàn tay của các nhà làm phim giàu trí tưởng tượng, cá mập đã bị biến thành một loài quái vật khủng khiếp. Những tác phẩm kinh dị về cá mập ban đầu cũng khá hay và thu hút với đại diện tiêu biểu là series Jaw hay Open Water. Nhưng dần dà các bộ phim tiếp theo dường như chỉ đơn thuần lặp lại một motif duy nhất khiến cho dòng phim này bị mất dần cảm tình trong lòng khán giả. Và giờ đây, Mồi Cá Mập chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho sự cạn kiệt ý tưởng và xuống cấp tới tận đáy của dòng phim này. Chắc chắn sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu các bạn quyết định chọn bộ phim này để thưởng thức khi ra rạp.