Bên cạnh phim tình cảm, phim về đề tài gia đình luôn là thế mạnh của điện ảnh Hàn Quốc. Giữa hàng loạt những bộ phim hành động tâm lý được ra mắt xuyên suốt năm 2017, The Preparation (Tựa Việt: Ngày Không Còn Mẹ) như một nốt trầm sâu lắng nhưng lại gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Mặc dù chỉ là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Cho Young Jun và nội dung vô cùng giản dị, Ngày Không Còn Mẹ vẫn thành công trong việc lấy đi nước mắt của nhiều khán giả và gửi gắm những thông điệp nhân văn, sâu sắc về gia đình.
Ngày Không Còn Mẹ mở đầu với những cảnh phim bình dị về cuộc sống thường nhật của bà mẹ Ae Soon (Ko Du Shim) và đứa con trai 30 tuổi nhưng đầu óc kém phát triển In Gyu (Kim Sung Kyun). Hằng ngày, người mẹ lớn tuổi phải dậy thật sớm để chuẩn bị cơm nước cho đứa con trai, thậm chí phải lo cho cậu từ những thứ đơn giản nhất như đánh răng, cạo râu, thay quần áo… sau đó hai mẹ con cùng nhau đến cửa hàng tạp hóa nhỏ ven đường để kiếm sống qua ngày. Ae Soon gần như đã dành trọn 30 năm cuộc đời mình chỉ để lặp đi lặp lại những việc đó và chăm lo cho đứa con trai. Ngần ấy năm vất vả, rồi cũng đến ngày Ae Soon già yếu và phải trải qua bệnh tật. Bà bị bệnh u não, chỉ còn có thể sống thêm được vài tháng. Ý nghĩ phải bỏ đứa con trai chậm phát triển một mình trên cõi đời khiến bà lo lắng bởi In Gyu lúc nào cũng như một đứa trẻ lên 7. Thế là hành trình dạy cho In Gyu cách tự lập bắt đầu, mang đến không ít tiếng cười nhưng cũng làm cho người xem không cầm được nước mắt.
Phim không hề cố tạo ra các bi kịch dữ dội để liên tục lấy đi nước mắt của khán giả mà mọi thứ đều diễn ra rất bình thường và tự nhiên. Từ hình ảnh người mẹ già lau người cho cậu con trai lúc cậu say rượu, lúc bà lặng lẽ nhìn đứa con trai học làm bánh, lúc chạy khắp nơi đi tìm con cho đến lúc ngồi trong nhà thờ van xin Chúa cho bà được sống một cách tuyệt vọng. Cả đời Ae Soon chỉ sống vì con cái, cho đến lúc chết bà cũng muốn được chết cùng lúc với đứa con trai bởi bà sợ phải bỏ đứa con bơ vơ một mình không ai chăm sóc. Những lời van xin của Ae Soon ở nhà thờ khiến khán giả không khỏi nghẹn ngào, bởi đó không phải lời van xin của một kẻ ham sống, muốn được sống cho bản thân mình, mà là của một bà mẹ tuyệt vọng chỉ muốn có thêm thời gian để chăm lo cho cậu con trai ngờ nghệch. Tình yêu thiêng liêng của Ae Soon còn được thể hiện ở cảnh hai mẹ con ngồi ở bãi biển. Ở giây phút cận kề cái chết, Ae Soon nói với cậu con trai rằng mỗi ngày ở bên cậu bà đều thấy hạnh phúc và chưa bao giờ xem cậu là gánh nặng. Chắc hẳn khi xem đến cảnh này, mỗi khán giả sẽ bắt gặp hình ảnh của người mẹ mình trong nhân vật Ae Soon. Tình yêu của bà mẹ Ae Soon dành cho cậu con trai In Gyu chính là đại diện cho tình yêu của mỗi bà mẹ trên thế gian này dành cho con mình: bình dị, lặng lẽ nhưng vô cùng thiêng liêng và chấp nhận hy sinh tất cả thậm chí là quên đi bản thân mình để con được hạnh phúc.
Cùng với tình yêu của bà mẹ Ae Soon, tình yêu của cậu trai In Gyu đã góp phần tạo nên khúc ca sâu lắng về tình mẫu tử thiêng liêng. Ở những đoạn đầu của phim, người xem chỉ thấy một đứa con vụng về, ngỗ nghịch, chỉ biết ăn và không giúp được gì cho mẹ mình. Nhưng trong hành trình được mẹ dạy cách sống tự lập, In Gyu dần dần trưởng thành và người xem thấy được tình yêu ngây thơ nhưng dạt dào mà cậu dành cho mẹ và cả chị gái. In Gyu tuy ngờ nghệch nhưng lại nhớ hết sinh nhật của các thành viên trong gia đình, nhớ cả cái ngày mà chị mình lấy chồng. Cậu lao vào đánh anh rể khi thấy chị mình bị ức hiếp. In Gyu thích cô giáo ở trường mẫu giáo, khi tỏ tình lại nói rằng tình yêu của cậu dành cho cô nhiều như dành cho mẹ. Câu nói tuy ngô nghê nhưng cũng đủ để người xem thấy tình yêu của cậu dành cho mẹ nhiều như thế nào. Hay lúc bà Ae Soon phải nhập viện, In Gyu cố ý phạm lỗi để được gặp mẹ bởi cậu luôn nhớ lời mẹ dặn, rằng nếu cậu làm sai thì mẹ sẽ quay về để mắng. Nhưng cảnh phim đắt giá nhất phải kể đến chính là cảnh phim cuối khi đám tang của bà Ae Soo diễn ra. Trong suốt đám tang, nụ cười luôn luôn hiện trên gương mặt ngơ ngác của In Gyu, đến nỗi chẳng ai hiểu được tại sao đám tang của mẹ mình mà cậu lại vui đến thế. Thậm chí lúc linh cữu của bà Ae Soon được đưa vào nhà hỏa thiêu, In Gyu vẫn nở nụ cười. Nhưng đằng sau gương mặt với nụ cười ngô nghê đó lại là nỗi đau mà không ai có thể thấu được. Bởi cậu phải thực hiện lời hứa với mẹ lúc ở bãi biển: “Nếu như con khóc mọi người sẽ rất buồn nên khi mẹ lên Thiên Đường con phải nhớ là luôn cười và vẫy tay chào mẹ.”
Cốt truyện đơn giản cũng khiến phim có một vài điểm yếu. Mạch phim lúc đầu có phần đơn điệu và hơi chậm dễ khiến người xem nhàm chán. Mặc dù thể hiện được tình yêu của một cậu con trai dành cho mẹ nhưng cách mà nam diễn viên Kim Sung Kyun hóa thân thành chàng trai thiểu năng vẫn còn hơi sượng và chưa được tự nhiên cho lắm. Tuy vậy, những điểm yếu này có thể bỏ qua được và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của phim.
Ai trong chúng ta rồi cùng sẽ phải đối mặt với việc phải rời xa cha mẹ mình mãi mãi, chính vì thế hãy cố gắng yêu thương và dành thời gian cho cha mẹ khi còn có thể, và đó cũng chính là thông điệp mà Ngày Không Còn Mẹ muốn truyền tải đến khán giả.