Người Gác Đêm xoay quanh câu chuyện của đại tá Eduardo “Eddie” Deacon (Antonio Banderas), một đặc nhiệm trở về từ chiến trường và đang lâm vào tình trạng thất nghiệp. Eddie nhận được một công việc gác đêm tại trung tâm thương mại. Trong đêm trực đầu tiên của mình, Eddie bất ngờ đụng phải cô bé Jaime (Katherine de la Rocha), nhân chứng duy nhất trong một âm mưu rửa tiền trong thế giới ngầm. Mọi chuyện trở nên nguy hiểm hơn khi nhóm sát thủ được cầm đầu bởi Charlie (Ben Kingsley) và Dead Eyes (Cung Lê) tấn công vào trung tâm thương mại nhằm thủ tiêu Jaime. Eddie và đội bảo vệ sẽ phải chống đỡ như thế nào trước đám sát thủ tinh nhuệ được phái đến để tiêu diệt họ?
Dàn diễn viên trong phim cũng có sự góp mặt từ hai cái tên “khủng”, Antonio Banderas (nam tài từ gốc Tây Ban Nha nổi tiếng qua phim hành động nổi tiếng Once Upon a Time in Mexico ) và Ben Kingsley (ông từng đoạt một Oscar cho vai lãnh tụ huyền thoại Gandhi trong phim cùng tên), cùng sự góp mặt của võ sĩ gốc Việt Cung Le.
Ngay từ hồi đầu tiên, Security gây ấn tượng mạnh với người viết nhờ vào nhịp phim nhanh và dồn dập. Các nhân vật trong phim được giới thiệu vô cùng ngắn gọn và súc tích. Đặc biệt là màn xuất hiện của nhóm sát thủ trong phim, cuộc đấu súng triệt hạ đội đặc vụ bảo vệ Jaime đến từ phía bọn này vô cùng tàn bạo và chuyên nghiệp. Trái ngược với nhóm sát thủ này, thành viên trong đội bảo vệ của Eddie lại là tập hợp những thành phần bất thường: Vance (Liam McIntyre) đội trưởng đội bảo vệ có thích nói hơn là làm, Mason (Chad Lindberg) anh chàng bảo vệ nhát gan chỉ chuyên trực camera, cô nàng Ruby (Gabriella Wright) ngổ ngáo và trai đẹp Đài Loan Johnny (Uông Đông Thành), người được thêm vào phim nhằm lấy doanh thu tại thị trường Châu Á. Sự chênh lệch về đẳng cấp giữa hai phe thật sự tạo cho người viết cảm giác háo hức khi không biết đội bảo vệ của Eddie sẽ đối đầu với nhóm sát thủ tàn bạo này như thế nào.
Nhưng sự háo hức đó nhanh chóng thay bằng cảm giác thất vọng vì phim bắt đầu lộ rõ những lỗ hổng trong kịch bản. Băng sát thủ chuyên nghiệp đầu phim đột nhiên quay ngoắt 180 độ trở nên ngờ nghệch, dễ dàng bị đội bảo vệ yếu thế hơn triệt hạ. Sự thay đổi này không hề lạ lẫm trong các tựa phim hành động, nhưng việc nó diễn ra quá nhanh thật sự khiến người viết cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Một biệt đội sát thủ ngầu lòi đầu phim lại nhanh chóng trở thành những chiếc bia di động cho một đội bảo vệ khu thương mại tập bắn?? Đó là còn chưa kể đến những chiếc bẫy được đội bảo vệ giăng ra ở đầu hồi 2 trong phim. Sau khi cho người xem chứng kiến một đoạn tua nhanh công tác giăng bẫy giống như trong tác phẩm Home Alone, kịch bản bỗng dưng... quên đi mất toàn bộ những cái bẫy này khi sa đà vào màn đấu súng giữa hai phe.
Phần xây dựng nhân vật và diễn xuất của dàn diễn viên cũng có vấn đề, nhất là nam diễn viên chính Antonio Banderas và bộ tứ bảo vệ Liam – Chad – Gabriella và Uông Đông Thành. Nhân vật Eddie tuy được nhắc đến như một chiến binh dày dặn kinh nghiệm, nhưng hầu như kịch bản lại không thể hiện được yếu tố này khi sự ăn ý của Eddie và đồng đội hoàn toàn không có. Một phần đến từ diễn xuất vô hồn của 5 diễn viên chính, còn các tình huống nguy hiểm trong phim thì lại được giải quyết theo kiểu một mình nhân vật Eddie trổ tài “gánh team” trong khi các đồng đội của anh dường như chỉ phụ họa “cho vui”. Điều này làm mục đích mô phỏng những cảnh hy sinh cảm động từ tác phẩm Saving Private Ryan hoàn toàn đổ sông đổ biển. Khi ở tác phẩm gốc các nhân vật trong tiểu đoàn của Đại Úy Miller (do Tom Hanks thủ vai) hi sinh anh dũng vì nhau bao nhiêu, thì trong Security cái chết của từng thành viên nhóm bảo vệ khu thương mại dưới trướng Eddie lại dàn dựng quá sơ sài làm tụt đi cảm xúc bấy nhiêu.
Tuy vậy, phần diễn xuất tuyệt vời từ nam diễn viên gạo cội Ben Kingsley, đội cascadeur trong phim và màn song đấu đã mắt giữa Cung Lê và Antonio Banderas có vớt vát được phần nào. Nhân vật phản diện Charlie của Ben được xây dựng rất tốt. Với tính cách gian hùng, Charlie hiện lên như một hình ảnh trùm cuối mẫu mực. Cách nói chuyện biết rõ lúc nào nên “cứng”, lúc nào nên “mềm” gợi nhớ đến hình ảnh nhân vật phản diện xuất sắc Hans Grüber trong Die Hard ngày nào, cộng thêm chất giọng tuyệt vời của Ben Kingsley tưởng chừng như đã làm người viết xiêu lòng mà cho phim điểm cao hơn. Về phía ngôi sao võ thuật Cung Lê, anh vẫn thể hiện những đòn thế mạnh mẽ vô cùng đẹp mắt của mình để làm mãn nhãn người hâm mộ, nhưng anh lại xuất hiện quá ít, làm dấy lên câu hỏi tại sao đội ngũ làm phim lại không tận dụng những diễn viên này nhiều hơn?
Phần hình ảnh và âm nhạc của phim, chỉ có thể diễn tả bằng hai chữ “nhạt nhòa”. Không những không giúp tăng thêm bầu không khí căng thẳng trong phim, người viết còn cảm thấy khó chịu khi một số góc quay được chọn lại che khuất pha đánh đấm đã mắt hiếm hoi giữa Cung Lê và Antonio Banderas.
Những điểm sáng hiếm hoi trong phần diễn xuất đến từ hai cái tên Ben Kingsley và Cung Lê không thể cứu được sự thất bại của Security. Với một kịch bản vay mượn khá nhiều ý tưởng từ các tác phẩm trong quá khứ, Security lại chỉ nhắm đến việc tái hiện lại các hình ảnh ấy, nhằm gợi nhớ lại chứ chưa thực sự tạo ra được những cảm xúc mà các bộ phim kia mang đến. Điều này khiến phim chứa quá nhiều lỗ hổng trong kịch bản khiến phim khá rời rạc và khó hiểu. Có lẽ, bạn nên tiết kiệm tiền vé của mình, nằm nhà thưởng thức lại Die Hard, Saving Private Ryan và Home Alone sẽ là lựa chọn hợp lí hơn.