Người Tình là dự án phim chính kịch 18+ đến từ bàn tay của đạo diễn Lưu Huỳnh. Chuyện kể về mối tình tay ba giữa Diễm Tình (Minh Tú), Hưng (Việt Dũng) và Sơn (Đức Hải). Hưng và Sơn là đôi bạn thân lâu năm, cả hai đều là họa sĩ, nhưng Hưng là tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật, còn Sơn chỉ là họa sĩ nghèo. Một ngày, Hưng phải lòng Diễm Tình – người mà phim nhấn nhá có quá khứ làm gái bán hoa. Cả hai về một nhà dưới ánh mắt buồn bả lẫn căm hờn của Sơn. Từ đó, Sơn liên tục phá hoại hạnh phúc của bạn thân và Diễm Tình. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Người Tình là một trong những bộ phim hiếm hoi trong điện ảnh Việt có ngôn ngữ điện ảnh tốt và trung thành với ý niệm nghiêm túc của phim. Tức, Người Tình nói không với những câu hài, mà dồn sức cho yếu tố chính kịch. Phim cũng ngập tràn các cảnh nóng, khỏa thân và nhục dục của các nhân vật chính. Điều đó đặt phim nằm ở phân khúc trưởng thành hơn. Chủ đề của phim càng củng cố sự trầm mặc của bộ phim. Trong điện ảnh Việt, việc này cũng có nghĩa là Người Tình kén người xem hơn và đòi hỏi một tư duy cởi mở.
So với dự án 18+ gần đây nhất là Bẫy Ngọt Ngào, Người Tình mang hơi thở trần tục hơn, gột rửa những gì hào nhoáng và thể hiện mọi thứ dưới ánh mắt của con người mang đủ hỉ, nộ, ái, ố, ghen tuông, đố kị và cả những bất lực. Với điều đó, những phân cảnh như vậy làm Người Tình mang cảm giác gần gũi, thô, nhiều lúc sần sùi và góc cạnh. Đó là một điều tốt, nhất là đối với hướng đi và ý nghĩa sau cùng mà phim hướng tới.
Phim cũng mang phong thái khác biệt với mặt bằng chung của điện ảnh Việt. Không phải bộ phim Việt nào cũng dũng cảm trói buộc câu chuyện của nó vào khuôn khổ nghiêm túc và nặng nề như Người Tình. Vì đa phần khán giả của ta thích những bộ phim nhẹ nhàng hoặc pha trộn nhiều thể loại hơn. Việc kể chuyện phi tuyến tính cũng giúp Người Tình chủ động dẫn dắt và kiểm soát được người xem hơn. Người Tình sắp đặt khéo léo các tình tiết, che đậy cú twist cho đến thời điểm thích hợp, cho phép đánh bài ngửa không quá sớm và đánh lừa được khán giả - một điều không dễ dàng chút nào với các kịch bản trùng lặp đầy rẫy những trope quen thuộc trong điện ảnh Việt.
Người Tình cũng ghi điểm với phần hình có thể cảm nhận được không khí nóng ẩm bụi bặm của các con phố Sài Gòn, và sự ẩm mốc, cũ kỹ của các khu chung cư tồi tàn, nghèo khó nép mình giữa các cao ốc phồn hoa. Nhưng những điểm mạnh trên đây chỉ khiến phim thêm phần nuối tiếc. Vì chúng không thể bù đắp sự thiếu hụt trọng yếu của Người Tình, hay bất kỳ bộ phim nào rơi vào hoàn cảnh này: kịch bản và diễn xuất. Kịch bản và diễn xuất, hai trụ cột làm nên một bộ phim. Dù các tình tiết có được sắp xếp khéo đến đâu, chúng không thể che giấu được một kịch bản lóng ngóng trong cách thực hiện và diễn xuất chưa tới của dàn diễn viên.
Người Tình dù chọn đúng lúc để đẩy cao trào cho phim, nhưng bước chuyển giữa cú twist và mạch phim ban đầu còn khiên cưỡng, không được tự nhiên. Hình tượng người chuyển giới mà phim hướng tới làm người viết hồi tưởng lại Cô Gái Đan Mạch năm nào, nhưng độ dữ dội chưa đủ và nội tâm thì chưa sâu. Việc quay Người Tình từ một câu chuyện tình yêu tay ba điển hình đến một câu chuyện về một người đang khao khát trở về với thân phận thật của mình giàu cảm xúc hơn là một điểm đáng khen, nhưng cách thực hiện vẫn chưa có sự mượt mà, mang cảm giác từ đâu rơi xuống khiến tuyến truyện này thiếu đi sự tinh tế. Nên việc người xem đang thấy đạo diễn Lưu Huỳnh nhầm lẫn hoặc đánh tráo khái niệm là điều dễ hiểu.
Tới đây, tuyến truyện chính của phim, Người Tình lại trôi qua quá nhanh, ít lắng đọng. Nhân vật chính của phim đang một mình đứng trong ánh hào quang, vậy mà những phân cảnh cho thấy sự chuyển biến tâm trạng của anh còn mỏng quá, không đủ lay động người xem. Giá mà từ đầu phim cài cắm những ẩn ý cho thấy anh ấy là một người giàu về nội tâm và đầy sự mâu thuẫn, đến phân đoạn sau chỉ chờ bộc phát thì anh đã là một nhân vật đa chiều.
Diễn xuất ở đây cũng còn hạn chế. Minh Tú đã rất cố gắng. Cô là một diễn viên tay ngang, nên cách đài từ còn hạn chế. Bù lại, Minh Tú đem đến sự tự nhiên chưa qua mài dũa đến với các cảnh của cô. Nhiều trong số này khá thích hợp với điều đó. Còn lại thì vẫn chưa tới. Về mặt diễn, Việt Dũng và Đức Hải có thể coi là đàn anh của cô làm Người Tình có sự cân bằng hơn. Nhưng diễn xuất trong đây chỉ đạt độ ổn, nếu không muốn nói là còn thiếu sót.
Có vẻ như thiếu sót là trở ngại lớn nhất của Người Tình. Kịch bản thiếu sót một chút độ sâu, nhịp phim thiếu một chút độ mượt và diễn xuất thiếu một chút chất lượng. Nhìn chung, Người Tình đứng ở mức khá trong mặt bằng chung của phim Việt.
Điều mà người viết khá thích ở đây là phim mang ý nghĩa tích cực và không cố gắng thần thánh hóa hình ảnh của cộng đồng LGBT. Việc để LGBT trở nên bình thường hóa và vượt qua những kỳ thị là thành thật. Xã hội muôn màu, mỗi người một vẻ. Phẩm chất và tính xấu vốn không so đo về giới tính hay xu hướng tính dục. Nhân vô thập toàn. Chúng ta suy cho cùng đều là con người, dù bất kể thuộc chữ cái nào đi nữa. Chúng ta có đủ hỉ, nộ, ái, ố, không dám tự mình nhận là cao thượng trong tình yêu, nhiều lúc cũng phạm sai lầm, nghĩ nhiều rồi tự nhấm nháp nỗi đau. Được làm chính mình là điều tốt nhất. Điều tuyệt vời nhất ở con người là sức mạnh để đứng dậy sau vấp ngã. Đó là điểm chung mà dù đồng tính, song tính, dị tính hay là người chuyển giới đều có cả. Tại sao phải thần thánh hóa hay đặt các hình tượng thiểu số lên bệ thờ tách biệt trong khi họ cũng là các gam màu làm xã hội thêm muôn màu?
Tóm lại, Người Tình đã có thể hay hơn nữa nếu kịch bản và diễn xuất thêm phần trau chuốt.