Nhà Kho Chết Chóc (Contorted) có ý định trở thành một bộ phim ám ảnh, nhưng thật đáng tiếc, mục đích này đã thất bại.
Sau một thảm kịch, gia đình gồm ba mẹ và 3 người con dọn về một ngôi nhà nằm ở nơi tương đối biệt lập với phần còn lại của thành phố. Họ mong mỏi giữa bầu không khí yên tĩnh hơn, cả nhà có thể bắt đầu chữa lành những vết thương, những rạn nứt đang dày vò các thành viên. Nhưng những âm thanh trong nhà kho không người nhấn chìm gia đình vào thảm kịch.
Điện ảnh Hàn Quốc vốn rất mạnh về những đề tài xã hội, vậy mà Nhà Kho Chết Chóc có lẽ là ngoại lệ. Nó cũng không thể cân bằng yếu tố này với kinh dị. Nhà Kho Chết Chóc quay trở lại công thức ngôi nhà ma ám, thêm thắt tính kinh dị tâm lý. Nhưng kịch bản dễ đoán đã khiến bộ phim giảm đi sức hút.
Bộ phim thực thi câu chuyện không dễ dàng gì. Các cảm xúc đáng lẽ phải bùng nổ lại bị nghẽn lại không biết vì lý do gì. Phim hù doạ người xem bằng những ngón nghề cũ kỹ không mấy đáng sợ. Chúng có thể khiến bạn giật mình nhưng đáng sợ là một cột mốc rất xa. Trong khi nhịp phim ban đầu chậm rãi một cách hợp lý, sự chậm chạp này lấn sang phân đoạn cần sự kịch tính khiến phim trở nên dàn trải. Kỹ thuật âm thanh đã lỗi thời. Hiệu ứng không đáng nói đến. Nhìn tổng thể, phim thật sự có vấn đề chất lượng.
Trong các vấn đề, điểm yếu lớn nhất của phim chính là không lột tả được tính đáng sợ của bi kịch, sự rùng rợn của cốt truyện nhiều cảm xúc và xây dựng nhân vật hời hợt. Nhà Kho Chết Chóc làm được chính là lấy hình ảnh thay lời nói, kể chuyện bằng phim thay cho độc thoại. Song, mọi thứ chỉ được đẩy đến mức lưng chừng và không thể đi xa hơn nữa. Đã làm đến nước này rồi mà Nhà Kho Chết Chóc vẫn không xây dựng được một phản diện ấn tượng, cũng như không thể biến nhân vật người mẹ Myung Hye thành một hình mẫu đáng thương.
Cách xây dựng nhân vật của phim rất kỳ lạ theo nghĩa tiêu cực. Phim muốn lột tả một nhân vật bị giằng xé. Đó là hình ảnh một người mẹ thời hiện đại đang chịu sức ép từ gánh nặng gia đình, khi chồng chật vật với đồng lương và cô phải chăm lo 3 người con. Áp lực đang khiến cô gục ngã nhưng cô phải thể tiếp tục vì trách nhiệm. Cô yêu con mình nhưng cũng chán ghét chúng cùng cực. Sự mâu thuẫn này dẫn đến cảm giác tội lỗi và cuối cùng là bị thế lực ma quỷ lợi dụng. Nhưng trong Hereditary, quá trình này có thể khiến người ta vừa lạnh sống lưng và vừa thương cảm, thì ở Nhà Kho Chết Chóc, nó diễn ra nhàm chán thiếu điểm nhấn.
Các nhân vật khác cũng được diễn giải hết sức thất thường, thiếu logic. Cô con gái lớn Hee Woo ra vẻ đã chịu một cú sốc rất lớn nhưng phim không buồn dùng một cảnh hồi tưởng cho thấy nó là gì mà khiến cô bé trở nên lầm lì. Sự mâu thuẫn ở đây là cô bé muốn hàn gắn gia đình mình nhưng lại không có hành động quyết liệt nào để làm điều đó, ngay cả khi cha mẹ đang đứng trước cửa tử. Cú twist cuối phim như muốn lý giải cho những bất nhất của Hee Woo nhưng đến lúc đó, mọi chuyện đã quá đột ngột khiến nhân vật trở nên mâu thuẫn và càng vô lý hơn. Nhìn theo cách khác thì chính sự im lặng của cô bé đã đẩy gia đình vào thảm cảnh.
Nhưng chẳng có ai chịu bất công như người bố trong câu chuyện này. Người cha của gia đình là thành viên duy nhất đang nỗ lực dán lại những mảnh vỡ của gia đình mình, cũng là người chăm lo cho những thành viên còn lại. Vậy mà Nhà Kho Chết Chóc nỡ phá huỷ nhân vật này khi không cho ông cơ hội cứu chuộc nào như đã làm với người mẹ. Theo một cách nhìn, bộ phim cũng có sự phân biệt giới tính không hề nhẹ khi nói đến khái niệm và vai trò của cha, mẹ trong gia đình.
Nhà Kho Chết Chóc hiện lên rất mơ hồ, đặt vấn đề rất sâu nhưng cắt rất nông, lột tả một hiện thực gai góc nhưng không diễn giải với sức nặng đúng đắn. Mọi thứ trong đây hời hợt đến lạ. Kinh dị cũng không tới mà tâm lý cũng chẳng được đầu tư. Nhìn chung, bộ phim chỉ đặt người xem vào một quá trình theo dõi mỏi mệt kéo dài 1 tiếng rưỡi mà không thể hoàn thành mục tiêu nào nó đặt ra.