Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 (Inside Out 2) tiếp tục đưa khán giả tham gia cuộc phiêu lưu của những cảm xúc bên trong trí óc con người. Từng cung bậc cảm xúc vận hành theo đúng nghĩa đen điều khiển những thứ thô sơ đến vi tế nhất, một hệ thống phức tạp được hình tượng hóa chân thật khiến mọi người như có cơ hội soi sáng lại nội tâm của chính mình.
Phần 2 của Những Mảnh Ghép Cảm Xúc lấy bối cảnh khoảng 3 năm sau phần 1, cô bé Riley Andersen (do Kensington Tallman lồng tiếng) đang học cấp 2 và làm quen được 2 người bạn thân ở ngôi trường mới. Cô bé có tất cả, tình yêu của cha mẹ, bạn bè thân thiết, đang trên đường chinh phục ước mơ trở thành vận động viên khúc côn cầu trên băng. Nhưng, một "biến cố" ập đến bất thình lình – tuổi dậy thì – khiến mọi thứ thân thuộc của Riley bị đảo lộn. Liệu lớn lên là đồng nghĩa với việc từ bỏ con người cũ hay phải cố giữ lấy tất cả điều quý giá trong quá khứ?
Kịch bản của Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 thú vị và can đảm. Làm về độ tuổi vị thành niên không hề dễ mà còn phải xây dựng một thế giới giả tưởng bên trong não bộ sao cho sát với những nghiên cứu khoa học quả là một thách thức to lớn, đây lại là phim cho đối tượng trẻ em cần sự đơn giản, hài hước nữa thì muôn phần nan giải.
Khi độ tuổi nhiều hơn thì những cảm xúc con người phức tạp dần lên, vì thế 4 cảm xúc mới được giới thiệu trong phần này gồm Lo âu/Anxiety (Maya Hawke), Ganh tị/Envy (Ayo Edebiri), Chán nản/Ennui (Adèle Exarchopoulos) và Xấu hổ/Embarrassment (Paul Walter Hauser) vào hỗ trợ cho 5 cảm xúc đã từng xuất hiện trong phần trước đó Vui vẻ/Joy (Amy Poehler), Buồn bã/Sadness (Phyllis Smith), Giận dữ/Anger (Lewis Black), Sợ hãi/Fear (Tony Hale) và Chán ghét/Disgust (Liza Lapira).
Việc chọn 2 cảm xúc dẫn đầu cho 2 độ tuổi (Vui-vẻ lúc nhỏ và Lo-âu lúc dậy thì) là rất chính xác khi đây là cảm xúc chủ đạo thường thấy với sự phát triển của lứa tuổi. Và cách mà Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 đưa ra tình huống mâu thuẫn giữa các cảm xúc này khá thông minh khi cho thấy sự bất ổn và xáo trộn mà hầu như tất cả chúng ta phải trải qua khi trưởng thành.
Ai cũng sẽ thấy mình trong Inside Out
Hẳn những người lớn đi xem phim sẽ rất tâm đắc vì đâu đó hình ảnh bản thân trong quá khứ lại ùa về ào ạt. Không có ‘phản diện’ chỉ có những phán đoán và giả định sai lầm khiến chúng ta đưa ra những quyết định ngớ ngẩn với cuộc đời mình và sau mọi chuyện nó đều để lại những ký ức sâu sắc về một thời trẻ dại.
Đoạn cảm xúc nhất trong Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 với người xem hẳn là đoạn Vui vẻ xoa dịu Lo âu, xoa dịu đứa trẻ sợ hãi trong mỗi người khi phải đối diện với thế giới to lớn và bất định tương lai. Khi đứng bên ngoài có khi thấy nó ngớ ngẩn nhưng tự mình trải nghiệm sự thất bại, sợ hãi và bơ vơ khi vừa muốn rời xa vòng tay cha mẹ lại chần chừ và bất an khi không biết bên ngoài sẽ đưa ta đến đâu là vô cùng khó khăn.
Cuộc đời hiếm khi nhẹ nhàng với những đứa trẻ ngây thơ TÔI ngày đó, TÔI vẫn sẽ bước tới với tất cả những sai lầm, hối hận, háo hức lẫn dũng cảm của tuổi trẻ. Một cái kết quá đẹp và cảm xúc cho khán giả trong rạp.
Sự kết hợp tuyệt vời
Đồ họa của Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 rất xuất sắc, từng chi tiết nhỏ nhất đều vô cùng chân thật và tỉ mỉ khiến trải nghiệm nhìn của khán giả vô cùng thích thú. Đây là một kỳ quan công nghệ mà người viết tin rất nhiều hãng phim hoạt hình phải chạy theo học tập.
Âm nhạc trên cả tuyệt vời, từng khoảnh khắc đắt giá nhất đều được hỗ trợ rất hiệu quả nhờ những giai điệu đẹp và tràn đầy cảm xúc. Hai phân đoạn đặc biệt ấn tượng là ở vùng Định-hình-bản-thân những ký ức trở thành một mạng liên kết tạo nên hình-ảnh-cái-tôi (self) và ở trung tâm điều khiển 2 nhóm cảm xúc nhận ra Riley đã tự mình tạo ra một hình ảnh self mới.
Người viết thật sự xúc động khi xem nó vì hình ảnh đồ họa – âm nhạc và câu chuyện được kết hợp không thể tuyệt vời hơn để đưa đến trải nghiệm điện ảnh chấn động tận cùng con tim. Tạo được một dấu ấn như thế trong phim là đủ nhưng phim này đã tạo được 2 cảnh tuyệt vời như vậy quả là hiếm có.
Bộ phim còn có thể hay hơn nữa
Điểm băn khoăn nhất của người viết là dù rất cố gắng nhưng kịch bản của Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 chưa đủ "chấn động" như cảm giác phần 1 mang lại. Một cảnh mà người viết ấn tượng mãi khi xem phần 1 là khi Vui vẻ cầm ký ức buồn bã mà cô ấy từng cố sức loại bỏ thì thấy trong đó chứa đựng tình yêu của cha mẹ dành cho Riley.
Nỗi buồn chỉ chú mục vào bản thân thì lẻ loi đau đớn nhưng mở rộng tầm nhìn quan sát thì nó chính là lúc nhận ra yêu thương bao trùm xung quanh. Một phân đoạn vô cùng mạnh mẽ và khiến Inside Out phần 1 ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng người hâm mộ.
Đây chính là điểm phần 2 bị thiếu. Việc bổ sung cảm xúc mới có vẻ sẽ tạo sự mới mẻ nhưng lại cho thấy sự lười biếng và chưa đủ sâu sắc khi tìm hiểu về cảm xúc con người. Vẫn là Vui vẻ – Buồn bã – Giận dữ – Sợ hãi – Chán ghét nhưng sắc thái mỗi giai đoạn lại khác đi. Khi con người lớn lên ‘tầm nhìn’ mở rộng từ chỉ biết bản thân (tự kỷ trung tâm/xem mình là trung tâm) đến biết xung quanh còn người khác và mình thuộc về vòng tròn thân thiết đó (phần 1). Ở độ tuổi vị thành niên hiểu ra bản thân cần mới mẻ để bước vào vòng tròn xã hội rộng hơn nhưng vẫn thấy gia đình thân thiết bên cạnh hỗ trợ.
Nếu biên kịch thay vì giới thiệu các cảm xúc mới thì cho 5 cảm xúc cũ ‘tiến hóa’ và nhận ra những giá trị của các cảm xúc mới trong một góc nhìn trưởng thành mới: ta vẫn là ta, chỉ là ta thay đổi trưởng thành lên thì hẳn phim sẽ đạt tầm kinh điển.
Dẫu vậy, với đối tượng chủ yếu nhắm đến là trẻ em thì khó đòi hỏi một câu chuyện mang tính quá trừu tượng và sâu đến như vậy. Chỉ hơi tiếc là kịch bản có một cơ hội để nâng tầm nó thành một tác phẩm lớn không chỉ là phim dành cho đối tượng trẻ em.
Tựu trung, Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 (Inside Out 2) rất xứng đáng với 9 năm chờ đợi của khán giả, và với những người chưa từng xem phần 1 vẫn dễ dàng theo dõi câu chuyện trong phần 2. Thế giới cảm xúc quá xuất sắc, hứa hẹn là cơn bão khổng lồ thổi tung cảm xúc của tất cả khán giả đến xem phim.