Oppenheimer hoành tráng hơn tưởng tượng đối với một bộ phim tiểu sử. Không ngạc nhiên lắm khi đây là một bộ phim của Christopher Nolan. Điều ngạc nhiên nhất ở đây là sự kiểm soát bản thân đến từ chính đạo diễn và khả năng biến một phim tiểu sử vốn rất thẳng thắn thành một thước phim hấp dẫn và lôi cuốn.
Oppenheimer tung hứng hai tuyến truyện
Dựa trên cuốn sách American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer do hai tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin chấp bút, Oppenheimer tái hiện chương cuộc đời của nhà vật lý lý thuyết J. Robert Oppenheimer từ thuở ông còn là một sinh viên trẻ cho đến nhà khoa học nổi tiếng và vĩ đại nhất trong thời đại của mình. Oppenheimer được mệnh danh là cha đẻ của bom nguyên tử và bộ phim lý giải từng giai đoạn ông cùng những cộng sự đã đổ xương máu để xây dựng thứ vũ khí hãi hùng nhất trong lịch sử nhân loại, chỉ để nhận lại sự phản bội và tội lỗi khôn nguôi sau sự kiện Hiroshima và Nagasaki.
Sự phân chia mà Nolan ứng dụng đem đến cho Oppenheimer một sức nặng và tính sâu sắc, cũng như để những lớp lang của Oppenheimer có cơ hội lộ diện và khai thác hiệu quả. Tất nhiên, dàn diễn viên toàn sao luôn biết cách khiến nhân vật của họ nổi bật với sự nhập vai tuyệt vời, nhưng kịch bản vững chắc trong đây đã tạo điều kiện cho những màn tương tác sống động trong đây. Họ phải trở nên thu hút, vì chỉ có những màn trình diễn này mới bù đắp được một điểm yếu mà người xem chắc chắn phát hiện ra ngay từ đầu – sự chuyển dịch qua lại giữa hai tuyến trắng đen và màu rối rắm.
Bất chấp nỗ lực của Nolan trong việc đánh dấu những sự kiện, Oppenheimer là một bộ phim dày đặc về nhân vật và lời thoại, nên đôi lúc, phim không tránh khỏi tạo cảm giác nó thực sự lộn xộn. Ngoài yếu tố đó ra, Oppenheimer có thể nói là một thành tựu của Christopher Nolan khi phim thể hiện sự kiểm soát tuyệt vời đã vắng bóng kể từ Inception, nhưng vẫn kết hợp tuyệt vời với sở thích “hào nhoáng” của ông, pha trộn lối diễn giải nhân vật ông thể hiện trong Following, The Prestige và Insomnia.
Oppenheimer – Bộ phim hay nhất của Nolan tính đến thời điểm hiện tại
Đã rất lâu rồi chúng ta mới được tái kiến cách làm phim tế nhị hơn của Nolan. Thay vì chú trọng những yếu tố hoành tráng, những lý thuyết khoa học tự chế phức tạp, Nolan nỗ lực làm nên một bộ phim mang tính hiện thực và truyền cảm. Thể loại tiểu sử không phải là nơi để nhồi nhét những kỹ xảo. Tuy nhiên, Oppenheimer có một bộ não tuyệt vời và vị đạo diễn đã cố gắng nắm bắt sự thiên tài, lẫn sự lập dị, của ông thông qua hình ảnh.
Ở đây, Nolan không dùng nhiều hơn những gì cần thiết để làm điều đó. Hình ảnh của những vụ nổ vũ trụ, sự bùng nổ năng lượng và dải ngân hà…sau đó, ông dồn sức cho phân đoạn thử nghiệm những quả bom của đội ngũ khoa học ở Los Alamos. Nói chung là yếu tố kỹ xảo thế mạnh của Nolan được dùng đúng nơi và đúng lúc, để nhường chỗ cho ngôi sao thực sự trong bộ phim – nhân vật. Cụ thể hơn là Oppenheimer.
Oppenheimer là một bộ phim về những gương mặt. Họ nói rất nhiều. Họ nghe. Họ phản ứng với những tin tốt và xấu. Và đôi khi họ lạc lối trong chính suy nghĩ của mình. Oppenheimer thường có những trăn trở như vậy. Nolan và nhà quay phim Hoyte van Hoytema sử dụng ống kính IMAX khổ lớn không chỉ để ghi lại vẻ huy hoàng của toàn cảnh sa mạc New Mexico, mà còn để diễn giải vẻ lạnh lùng bên ngoài và sự hỗn loạn bên trong của Oppenheimer.
Bộ phim sử dụng kỹ thuật camera yêu thích của đạo diễn để truyền tải cuộc vật lộn nội tâm không hồi kết của nhân vật, về quyết định họ là ai và những gì họ đã làm với bản thân và thế giới. Nói cách khác, Oppenheimer dành thời gian để mổ xẻ nhân vật chính dưới góc nhìn không thiên vị.
Ông là một nhà vật lý lỗi lạc, có thôi thúc cho sự phô trương và một nhà lãnh đạo bốc đồng với những ham muốn tình dục vô độ đã khiến cuộc sống riêng tư của ông trở thành một thảm họa, và cuối cùng là đóng góp lớn nhất của anh ta cho nền văn minh là một vũ khí có thể hủy diệt nó đã bộc lộ một chút phức cảm thần thánh của chính ông.
Hết những cú cận cảnh này đến cận cảnh khác cho thấy Oppenheimer với hình hài Cillian Murphy đang nhìn chằm chằm vào khoảng không vô định, ngoài màn hình và đôi khi nhìn thẳng vào ống kính, trong khi Oppenheimer tách rời khỏi những tương tác khó chịu hoặc bị lạc trong ký ức, mộng tưởng và những cơn ác mộng. Trong những khoảnh khắc như vậy, Oppenheimer bị bóc trần (trong một phân cảnh ông thực sự khỏa thân) trước những ánh mắt dư luận kể cả khán giả đang ngồi trong rạp.
Dường như bộ phim đang mời cả khán giả làm một điều hết sức phức tạp – phán xét một nhân vật lịch sử trong bối cảnh lịch sử ấy bằng tất cả sự trầm trồ trước tài năng nhưng cũng lắc đầu trước những góc tối phức tạp. Đối với người viết mà nói, đó là điểm khiến bộ phim trở nên thu hút và lôi cuốn. Oppenheimer hứa hẹn một cửa sổ nhìn thẳng vào nhân vật này, sau đó phá bỏ các khung cửa để có bức tranh toàn cảnh, để những góc khuất sẽ không bao giờ được bàn luận trong lớp học được ánh sáng soi rọi.
Thứ được sử dụng hiệu nhất là âm thanh và âm nhạc. Đây là bộ phim mà sự kinh hoàng và phi thường của nó được thể hiện trực quan, mà được truyền tải qua những gì chúng ta nghe được. Những giai điệu thúc đẩy sự gấp rút hoặc các mối đe dọa tiềm ẩn, sự đáng sợ của tình huống và cả sự tuyệt vọng và lặng lẽ theo sát đỉnh cao và sự sa ngã của Oppenheimer.
Sự rung động là có thật. Sự kinh hoàng là có thật. Tội lỗi là có thật. Oppenheimer tĩnh lặng giữa các khung hình, thậm chí nhiều lúc thốt lên sự giả dối, nhưng các giai điệu bao quanh ông khắc họa cơn bão chưa bao dừng lại trong bộ não thiên tài, bóc trần suy nghĩ và cảm nhận của ông, làm nên những khung hình xuất sắc kết hợp âm thanh, hình ảnh và diễn xuất nội lực, nhấn nhá đến từ Cillian Murphy.
Oppenheimer là một tác phẩm dày đặc và phức tạp sau cùng đã khiến người ta thêm ngạc nhiên khi nhảy thể loại liên tục và mượt mà. Trong đây, tính tiểu sử kết hợp với yếu tố chính kịch, drama phòng xử án, lãng mạn, và chính trị. Hình ảnh, âm thanh, sự tiết chế, mối giao thoa giữa chúng làm nên một bộ phim hay nhất Nolan từng làm tính đến thời điểm hiện tại.