Lấy cảm hứng từ huyền thoại về Hằng Nga của Trung Quốc, Over the Moon (2020) kể về cô bé Fei Fei (Phi Phi) mồ côi mẹ được 4 năm. Một ngày, cha cô bé thông báo ông sẽ tái hôn. Người phụ nữ này cũng góa bụa như ông, có một bé trai tinh nghịch. Sợ hãi trước thực tại cô quen thuộc đang thay đổi và vẫn chưa vượt qua cái chết của mẹ, Fei Fei bắt đầu lập kế hoạch lên cung trăng để gặp Hằng Nga, nhằm chứng minh tình yêu là vĩnh cửu. Theo cô, nếu chứng minh được điều đó, cha cô sẽ không tái hôn.
Over the Moon là một bộ hoạt hình điển hình. Cốt truyện đơn giản dành cho lứa tuổi trẻ em. Thông điệp không có gì mới lạ. Đồ họa hiện đại, đầy màu sắc tươi sáng, rất bắt mắt. Bộ phim làm người ta nhớ đến Coco (2017) của Pixar, với kịch bản và tông màu có vài phần tương đồng với Over the Moon. Phần còn lại rất giống cấu trúc của một bộ hoạt hình Disney: mỗi phân cảnh quan trọng gắn liền với các ca khúc nhiều sắc thái.
Over the Moon có vài điểm tốt đáng kể. Phim khắc họa một thực tế ai cũng có thể đồng cảm. Sự ra đi của người thân là nỗi đau lớn lao. Việc vị trí của họ bị thay thế càng là việc không hề dễ chịu. Thêm vào đó, ngay cả thế kỷ 21, tái hôn luôn mang theo sự phức tạp. Đặc biệt là ở châu Á. Là hoạt hình dành cho trẻ em là chính, Over the Moon không chú trọng vào khía cạnh của người lớn, mà ưu tiên cho khắc họa tâm lý của những đứa trẻ trực tiếp trải qua cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại” một cách nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn.
Sức nặng cảm xúc ở đây không được sâu, nhưng vừa đủ để phim không quá khô cứng. Hành trình đi tìm món quà ngay lập tức được hiểu là quá trình đứa trẻ này vượt lên nỗi mất mát, mở lòng với thực tại mới. Ở đây, Over the Moon đi ngược lại với Disney bằng cách cho cô bé Fei Fei một người mẹ kế tốt bụng và một em trai dễ thương.
Người xem dễ dàng thấu cảm với Fei Fei hơn, đồng thời bớt gay gắt về cách suy nghĩ trẻ con của cô. Thành thực mà nói, tuổi 14 không phải là lứa tuổi mà trẻ em còn tin vào thần thoại. Nhất là khi phim xây dựng cô là một học sinh có khiếu về khoa học tự nhiên. Điều không thể chối cãi là thông điệp về gia đình và tình yêu của nó giúp người ta mạnh mẽ Fei Fei đại diện là một thông điệp tích cực, dù không mới, luôn phù hợp ở mọi hoàn cảnh.
Mặt đáng quan ngại về phim là dường như Netflix không để tâm lắm đến khía cạnh văn hóa phương Đông được sử dụng, cụ thể ở đây là văn hóa Trung Hoa. Hằng Nga là một điển tích có nhiều dị bản, nhưng điều không thể chối từ là truyền thuyết có gốc gác Trung Hoa. Phim còn lấy bối cảnh một thị trấn Trung Quốc, truyền thống Trung Thu của Trung Quốc và tín ngưỡng của đất nước tỷ dân này.
Netflix có ý định tôn trọng nét Á Châu ở Over the Moon. Tuy nhiên, đây là một nỗ lực cẩu thả, hoặc là sai sót có chủ đích nhằm để các bộ phận khán giả khác có thể thưởng thức bộ phim dễ dàng hơn mà không phải bận tâm đến việc tìm hiểu (như việc ở Châu Á, vào nhà người khác là phải để giày dép ở ngoài).
Fei Fei là một thiếu niên người Trung Quốc, nhưng tính cách lại được “Tây” hóa quá mức. Các sư tử đá truyền thống thật sự không cần cánh để bay. Hằng Nga lại có tính cách của một diva nhạc pop. Những chi tiết này có thể biến Netflix thành một nhà sản xuất hời hợt trong việc sử dụng văn hóa ngoại. Hoặc tệ hơn là một kẻ trưng dụng văn hóa. Over the Moon phản ánh một hiện trạng của các nhà sản xuất ở bờ Tây: chỉ hướng đến phần nổi của một văn hóa nước ngoài, thay vì thực sự nghiêm túc về sử dụng chúng.
Thông điệp tích cực. Đồ họa sáng sủa, trau chuốt là một điểm cộng. Nhưng không có sự bức phá nào ở đây. Mặc dù không đến nỗi khó coi, so với các phim hoạt hình mới đây của Netflix The Willoughbys (2020) hay Klaus (2019), Over the Moon là một bước lùi rõ rệt. Nó an toàn và không có gì bức phá. Nếu xét về khía cạnh đây là một bộ phim dành hướng đến đối tượng gia đình, kịch bản nông là điều dễ hiểu. Những tưởng Netflix là một nhà ngoại đạo dám liều lĩnh, dự án này đã chứng minh điều ngược lại.