Cái Giá Của Hạnh Phúc có thể nói là kiểu phim gia đình, xã hội kiểu mẫu, nhưng nó cũng là một bộ phim kỳ lạ khi các tình tiết vừa quá nhiều vừa không đủ. Hơn nữa, đây là một trong số ít bộ phim người viết thực sự mong cú twist cuối phim không diễn ra. Vì nó vô tình kéo lùi cả năng lượng bộ phim.
Cái Giá Của Hạnh Phúc - Ngôi nhà xây bằng thủy tinh màu sắc
Do đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm cầm trịch, đồng thời là phim đầu tay của anh, Cái Giá Của Hạnh Phúc kể câu chuyện về gia đình họ Võ giàu có. Từ ngoài nhìn vào, ai cũng đem lòng ngưỡng mộ hai ông bà Thoại (Thái Hòa) và Dương (Xuân Lan) vốn là thế hệ tài phiệt thứ 2, với cuộc hôn nhân hơn 20 năm có lẻ, hai con đủ nếp đủ tẻ.
Tuy nhiên, gia đình của họ như làm bằng kính vạn hoa. Nhìn vô cùng hoa mỹ nhưng mong manh vô cùng. Điều đáng buồn là ngay cả thành viên trong gia đình cũng không nhận thức được điều đó. Cho đến khi bí mật dơ bẩn của ông Thoại bại lộ, những vết nứt cứ thế lần lượt xuất hiện, khiến ngôi nhà đẹp đẽ kia sụp đổ.
Lịch chiếu Cái Giá Của Hạnh Phúc của nhiều cụm rạp trên toàn quốc đã được cập nhật đầy đủ tại Moveek
Mặc dù trong những năm gần đây, điện ảnh Việt đã những bước chân tiên phong trong các lĩnh vực mới, gần đây nhất là Trước Giờ Yêu chủ đề 18+, chủ đề xã hội, gia đình vẫn là hướng đi chủ yếu của các nhà làm phim Việt Nam. Và chúng ta đã có vài thập kỷ để hoàn thiện kỹ năng kể chuyện những sự việc đời thường như thế này.
Cái Giá Hạnh Phúc là câu chuyện khá đời và tương đối bám sát thực tế khi khắc họa một người vợ có tính kiểm soát cao, ám ảnh với hình ảnh gia đình hạnh phúc vì chính bà cũng xuất thân từ gia đình tan vỡ. Khi ông Thoại ngoại tình, bà Dương là hình mẫu của câu “gái có công, chồng vẫn phụ” được truyền miệng trong xã hội hiện đại.
Kịch bản trau chuốt tính đời, nhưng twist kéo lùi tất cả
Không như những dự án mang tính xã hội gần đây, ví như Quý Cô Thừa Kế 2, Cái Giá Của Hạnh Phúc khai thác chủ đề thực tế dễ hình dung hơn. Đó là hôn nhân. Bối cảnh của bộ phim hầu hết diễn ra trong ngôi nhà ba thế hệ nhà họ Võ. Màn mở đầu chậm rãi phục vụ mục đích giới thiệu nhân vật một cách khéo léo.
Bằng vài hoạt động sinh hoạt thường ngày, cùng những chi tiết nhỏ mà có võ như bức chân dung gia đình, Cái Giá Của Hạnh Phúc đã tự vẽ lên bức tranh của chính mình một cách chi tiết mà không cần những câu thoại dài dòng. Đối với người viết, đây là một điểm cộng.
Lịch chiếu Cái Giá Của Hạnh Phúc của các cụm rạp đã có trên Moveek, xem dễ dàng và mua vé vô cùng tiện lợi không cần đăng ký phức tạp
Lời thoại là một trong những điểm yếu chết người của điện ảnh Việt Nam. Thật không may, Cái Giá Của Hạnh Phúc cũng không tránh khỏi điểm yếu đó. Nên tốt nhất là nên kiệm lời, nhường chỗ cho hình ảnh. Suy cho cùng, đây vẫn là phim ảnh. Trong đây, phim đã vận dụng những khoảng cần nghỉ, khoảng cần nói nhịp nhàng, hạn chế giải thích, tập trung vào dẫn dắt. Ít nhất là đoạn đầu.
Câu chuyện trong đây chuyển động theo cách làm người viết liên tưởng đến động tác lột hành tây, từng lớp từng lớp tương ứng với dàn nhân vật được bóc tách, phân tích. Điều đặt biệt là lớp này có mắt nối với lớp kia. Nên nếu gỡ một lớp thì thế nào lớp sau cũng bị tác động. Cuối cùng thì động tác ấy giống như đang lột vỏ hành theo hình xoắn ốc.
Với mỗi một lớp vỏ, một nhân vật trong nhà được đưa ra ánh sáng săm soi từng vết hằn, vết xước, từng góc tối, từng bí mật. Lối hành văn trên cho phép Cái Giá Của Hạnh Phúc có thể tập trung vào từng nhân vật, từ đó bồi đắp các tình tiết, móc nối các tình tiết không bị lộn xộn. Mạch cảm xúc dễ được bồi đắp, cao trào cũng theo đó chỉ chực chờ bùng nổ.
Cái Giá Của Hạnh Phúc là bộ phim không hỗn loạn. Tuy nhiên, bộ phim thiếu đi chiều sâu một cách lạ thường. Về tổng thể, phim quả thật có nhìn vào hôn nhân của ông Thoại và bà Dương, nhưng đó chỉ là một cái nhìn lướt qua, đặc biệt là ở phần sau. Phần đầu thì hình ảnh kể chuyện, nhưng phần sau thì nặng lời thoại đậm chất kịch.
Ngôn ngữ điện ảnh dường như biến mất hoàn toàn và lời thoại dài dòng giờ là thứ dẫn dắt khán giả. Đó là một trường đoạn giải thích từ tình tiết đến thông điệp đến ý nghĩa. Bộ phim đến lúc này đã chùng xuống khá nhiều.
Sự gần gũi với đời sống chỉ là một phần. Yếu tố làm nên bộ phim đắt giá là Cái Giá Của Hạnh Phúc sẽ diễn giải mối tơ vò hôn nhân, gia đình trong đây như thế nào để có thể soi rọi những góc khuất khiến người xem trăn trở. Thật không may, trong phim đúng là có drama, nhưng không chạm đến được sự sâu sắc đáng nhớ.
Nhưng có lẽ chẳng có gì phim làm tệ hơn cú twist cuối phim. Một điều dễ nhận biết ở Cái Giá Của Hạnh Phúc dần hướng đến những giá trị gia đình nhân văn hơn. Song, cú twist bóc ra từ Oldboy (2003) được dàn dựng như một sự trừng phạt mang tính trả thù hầu như phá hủy cả bộ phim. Đó là cách nó được dàn dựng hết sức ngây ngô, chống lại logic ban đầu của phim.
Xem lịch chiếu Cái Giá Của Hạnh Phúc và nhiều bộ phim khác tại Moveek để không bỏ lỡ các phim chiếu rạp hay
Cái Giá Của Hạnh Phúc dành cho ai?
Cái Giá Của Hạnh Phúc đến cuối là một bộ phim chỉn chu, đầu tư về góc máy và hình ảnh. Bộ phim nhen nhóm và bồi đắp các cung bậc cảm xúc khá tốt. Nhưng đoạn cuối cùng đáng lẽ nên dạt dào ý nghĩa nhất lại gặp phải trắc trở. Diễn xuất của dàn diễn viên là một sự bù trừ, đặc biệt là cách khắc họa nhân vật cứng tay của bội đôi diễn viên Thái Hòa và Xuân Lan.
Ngoài cú “twist” cuối phim, thì Cái Giá Của Hạnh Phúc vẫn là một bộ phim tử tế. Nếu đang tìm một bộ phim Việt trên ngưỡng mặt bằng chung của điện ảnh Việt, thì Cái Giá Của Hạnh Phúc là lựa chọn nên cân nhắc.