Tiếp theo trong danh sách “Oscar lật lại” là Rain Man, với sự góp mặt của hai ngôi sao kỳ cựu Dustin Hoffman và Tom Cruise. Phim thắng 4 giải tại Oscar lần thứ 61, ở các hạng mục quan trọng là Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam chính xuất sắc nhất (dành cho Dustin Hoffman), và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Bộ phim xoay quanh một anh chàng môi giới xe ô tô Charlie Babbitt (Tom Cruise), vừa nhận được tin cha mình đã qua đời, nhưng chỉ để lại cho anh ta một chiếc xe cũ và những bụi hoa hồng. Toàn bộ số tài sản còn lại trị giá $3 triệu được để lại cho một người nhận giấu tên đang sống ở một bệnh viện. Charlie phát hiện người đó là Raymond Babbitt (Dustin Hoffman), anh trai mà Charlie chưa bao giờ biết có tồn tại trên đời, đặc biệt hơn Raymond còn là người mắc chứng tự kỷ. Charlie nổi giận và quyết định “bắt cóc” Raymond để đòi phân nửa số tiền thừa kế.
Charlie là dân kinh doanh, đang rơi vào thời điểm khó khăn. Anh nghiện công việc, chỉ quan tâm đến tiền, ưa nổi nóng và không thể chịu đựng được Raymond, luôn mồm gọi Raymond là thằng ngốc, thằng khùng. Ở cạnh Raymond thật “khó nuốt” đối với Charlie.
Raymond sợ thay đổi, sống theo một thời gian biểu cứng ngắc, đi ngủ lúc 11 giờ, mặc đồ ở K-Mart, thích lặp đi lặp lại câu nói trong một tác phẩm hài mặc dù không hiểu bộ phim đang nói gì, anh cũng dễ bị hoảng loạn khi gặp tiếng động lớn và không thích đi máy bay. Nhưng dù mắc chứng tự kỷ, Raymond có trí nhớ siêu phàm, có khả năng tính toán và ghi nhớ các con số ở mức thiên tài.
Qua thời gian, càng tiếp xúc với anh mình, Charlie càng lúc càng trở nên hiểu và quý mến anh mình hơn. Anh phát hiện ra Raymond chính là người bạn Rain Man khi nhỏ mà anh cứ nghĩ do mình tưởng tượng ra. Charlie chưa bao giờ biết rằng mình có một người anh và vì một tai nạn khi nhỏ xảy ra với Charlie nên Raymond bị cách ly và đưa đến bệnh viện. Anh quyết định chăm sóc và ở cạnh Raymond, cả hai đã có khoảng thời gian rất vui vẻ bên nhau.
So với mặt bằng chung của các phim Oscar thì Rain Man có phần đơn giản do sở hữu cốt truyện không mấy phức tạp. Nhưng chính sự giản dị và gần gũi đã mang nhiều cảm xúc và những vấn vương nhẹ nhàng, khiến người ta phải suy nghĩ. Đề tài này rất quen thuộc không chỉ riêng ở điện ảnh Âu Mỹ, mà còn đặc biệt được khai thác rất nhiều lần ở điện ảnh Hàn.
Nhưng có một điều tôi thích ở những bộ phim Âu Mỹ làm đề tài này là nó không quá bi lụy, không ép nước mắt khán giả. Suốt bộ phim, bạn không cần phải rơi một giọt nước mắt nào mới có thể thấy cảm động. Mọi thứ đều được dẫn dắt nhẹ nhàng qua diễn xuất, qua những tình huống gần gũi. Rain Man không cố trở thành một phim kinh điển, không cố tạo ra những tình tiết phi thường, không có kết thúc như mơ khi cả hai anh em được đoàn tụ, vì nó thật, nó đời, nên nó đẹp.
Trung tâm của phim không phải là Tom Cruise như nhiều người lầm tưởng, mặc dù trong phim, anh là nhân vật xuất hiện đầu tiên. Trung tâm của phim là Dustin Hoffman với vai một người đàn ông tự kỷ, người không chỉ làm thay đổi Charlie Babbitt, mà còn thay đổi cả cảm xúc của người xem. Đối với khán giả nào từng tiếp xúc với người tự kỷ, sẽ thấy Dustin Hoffman đã có một màn trình diễn tuyệt vời, rất thực.
Một khuyết điểm mà nhiều diễn viên thể hiện vai này hay mắc phải đó là biểu hiện “quá kịch”, nhưng ở Dustin Hoffman, người ta thấy một vẻ chân thành và bị lôi cuốn vào chính bộ phim, chứ không đặt ra rào cản, giữa màn ảnh và bản thân người xem phim.
Nhân vật Raymond không khiến người ta thấy khó chịu, mà thấy vừa tội, vừa đáng yêu, đúng với hình ảnh một đứa trẻ trong một thân hình to xác. Còn Tom Cruise dù không nổi bật bằng, nhưng vẫn thể hiện đúng vai trò của mình. Thực lòng thì tôi thích những vai diễn thế này của anh hơn là những vai hành động gần đây. Những vai thế này giúp anh thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc, giúp người xem thấy được nhiều gương mặt và biểu cảm của anh hơn.
Rain Man không có điểm móc để kéo khán giả vào câu chuyện, mà sử dụng lối dẫn dắt nhẹ nhàng, đưa người xem hòa vào bộ phim, sở hữu thông điệp về những giới hạn. Giới hạn của bản thân Raymond khi không thể thoát khỏi thế giới bó buộc trong góc nhìn của một người tự kỷ, giới hạn của Charlie khi mãi đem theo ánh mắt tiêu cực về người cha của mình, không thể yêu thương nổi Raymond khi biết một người chẳng nhận thức được rõ ràng về thế giới xung quanh lại được thừa hưởng số thừa kế $3 triệu.
Nhưng rồi, cả hai nhân vật đều học được ở nhau cách vượt qua những giới hạn đó. Raymond học cách làm nhiều thứ hơn chỉ đơn thuần là ăn ngủ, đọc danh bạ và xem TV. Anh biết ăn nhiều món ăn ngon hơn, tiếp xúc với nhiều người hơn. Raymond được khám phá thế giới xung quanh, được học khiêu vũ, được hôn một cô gái. Charlie học được cách yêu thương, biết chăm sóc anh mình nhiều hơn, và biết quan tâm đến nhiều thứ khác hơn là tiền.
Cuối phim, trái với suy nghĩ của nhiều người là mong mỏi hai anh em được đoàn tụ, cuối cùng Raymond phải trở về bệnh viện, còn Charlie thì không giành được quyền nuôi anh nhưng có để lại lời hứa là sẽ đến thăm. Dù đối với nhiều khán giả thì cái kết này không mấy trọn vẹn và vẫn còn dang dở, nhưng ngẫm lại đây vẫn là một cái kết thực tế nhất mà Rain Man có thể mang lại cho khán giả.