Nhiều dự án phim ảnh dường như chỉ được tạo ra dành cho các fan cứng. Điều đó chẳng có gì là sai, miễn là nó vẫn truyền tải một câu chuyện chỉnh chu. Resident Evil: Welcome to Raccoon City không đáp ứng được điều này.
Resident Evil: Welcome to Raccoon City quay về cột mốc những năm 1980, về lại thành phố Raccoon – nơi khai sinh của tập đoàn Umbrella, phần phim này kể về sự khởi đầu của virus T và câu chuyện của anh em nhà Redfield là Chris và Claire. Lúc này, Claire đã bỏ nhà ra đi được 5 năm, còn Chris trở thành cảnh sát của một thành phố Raccoon đang suy tàn. Hai anh em bất nhờ đoàn tụ. Nhưng các cư dân của thành phố đang trở thành những con quái vật một cách bí ẩn.
Resident Evil: Welcome to Raccoon City là phần tiền truyện của thương hiệu Resident Evil đã làm nên tên tuổi của nữ diễn viên Milla Jonovich. Thương hiệu đã chính thức kết thúc với phần phim Resident Evil: The Final Chapter (2016). Nhưng nó vẫn còn những nhân vật tiềm năng để khai thác. Ví như 2 anh em nhà Redfield. Resident Evil: Welcome to Raccoon City dường như đã nắm bắt được điều đó khi để Claire và Christ trở thành nhân vật chính của bộ phim. Nhưng dự án dường như đã đi sai hướng.
Bộ phim này lấy cảm hứng từ 2 phần game Resident Evil đầu của Capcom và được quảng bá là phần phim trung thành với nguyên tác nhất. Có vẻ như tinh thần trung thành đó đã được đẩy lên quá mức. Vì Resident Evil: Welcome to Raccoon City hiện lên như các phần video của các game nhập vai dẫn dắt người chơi vào cốt truyện của game đó vậy, có điều Resident Evil: Welcome to Raccoon City không có phần chơi game để người chơi thực sự hiểu câu chuyện. Nói cách khác, Resident Evil: Welcome to Raccoon City như được chắp nối từ các đoạn phim ngẫu hứng để người xem tự hiểu vấn đề khi gặp phải các chỗ trống. Điều này càng được củng cố khi các trường đoạn hành động được thực hiện theo phong cách “người chơi thứ nhất” vậy.
Các trường đoạn hành động đúng là mang đến hiệu quả hồi hộp, giật gân và kinh hãi – chúng là điểm sáng duy nhất trong bộ phim này, trong khi đó, câu chuyện, thứ quan trọng nhất ở đây lại không được chú trọng. Và đó là cảm giác hụt hẫng không hề nhẹ. Hãy tưởng tượng một bộ phim đẩy hàng loạt các nghi vấn vào mặt bạn mà chẳng buồn giải đáp gì cả. Tệ hơn, nó trông mong bạn tự hiểu như thể bạn tự động là fan cứng của thương hiệu này trong thời gian dài và có thể nắm bắt được hết câu chuyện vậy.
Dẫu biết rằng Resident Evil: Welcome to Raccoon City là một bộ phim hướng về fan cứng của thương hiệu, nhưng một câu chuyện tử tế là thứ mà bất kỳ khán giả nào cũng có quyền đòi hỏi. Resident Evil: Welcome to Raccoon City trên thực tế chỉ kéo dài 107 phút mà thôi, nhưng nó lại bối rối trong việc tung hứng 2 tuyến truyện khiến phim có cảm giác dài hơn thời lượng thực tế. Đó không phải là một điều tốt về phim, vì nó đặt bộ phim vào thế rất lúng túng. Một mặt, nó làm người xem thấy phim dài nhưng chẳng làm được gì nhiều, trong khi đó, với 107 phút, khám phá 2 câu chuyện của hai anh em Redfield ở hai nơi lại là quá sức.
Các nghi vấn thì vẫn được đều đặn gieo rắc, còn các câu trả lời thì chạy đâu mất. Liệu bộ phim đang giữ lại các thông tin để làm tiếp phần sau? Hay thông tin cần có nằm ở các phần phim Resident Evil cũ? Vậy phải xem lại phần cũ hay sao? Claire bỏ đi rồi cô ấy làm gì trong những năm qua? Tại sao cô có thể thoát khỏi một Umbrella đang vững mạnh? Lisa Trevor là ai? Không lẽ Christ không biết được Umbrella đang thí nghiệm lên trẻ mồ côi? Nhìn chung là sự rối rắm lẫn lỗ hổng của kịch bản biến việc xem phim chẳng vui vẻ gì nếu người xem không phải là fan hay không có chút kiến thức nào về thương hiệu phim lẫn game Resident Evil.
Ít nhất thì Resident Evil: Welcome to Raccoon City vẫn có thể gỡ gạc phần hành động và các màn hù dọa, các pha đối đầu giữa lực lượng cảnh sát và bầy đàn thây ma với tiết tấu dồn dập, cân bằng độ giật gân và kinh dị. Bối cảnh cũng là khía cạnh đáng khen, mang màu sắc đặc trưng của các game kinh dị nhập vai trong những năm 2000. Ngoài ra, Resident Evil: Welcome to Raccoon City không có gì để gây ấn tượng nữa, nagy cả tạo hình của các quái vật (nhìn như thú nhồi bông vậy!), nếu không muốn nói là chất lượng của phim dưới mức trung bình.
Người viết cũng phân vân không biết các fan của chính dòng game này có hài lòng với Resident Evil: Welcome to Raccoon City hay không. Phim đã có rất nhiều tiềm năng và một dàn diễn viên thực lực. Họ có thể không phải các ngôi sao, nhưng đã làm tốt nhất với vai diễn của mình. Duy anh chàng Leon Kennedy thì quả là nỗ lực sai lầm trong việc thay đổi nhân vật. Dẫu biết ai cũng có khởi đầu của mình, nhưng biến Leon thành một tay lính mới vô dụng và hoàn toàn thờ ơ với hiện thực một cách khó hiểu là điều vô cùng khó chịu để chứng kiến.
Nếu quyết định xem Resident Evil: Welcome to Raccoon City, phần nhiều là người xem sẽ hối hận với quyết định của mình.