Sau thành công đình đám của Squid Game, Lee Jung Jae đã chọn Săn Lùng (Hunt) là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi thử sức với vai trò mới vừa là đạo diễn cũng vừa là biên kịch. Săn Lùng là một bộ phim có đề tài khó nhằn vì nó đòi hỏi sự am hiểu về lịch sử và chính trị rất cao, đây là lí do phim có ý tưởng khá tốt khi lồng ghép những mưu đồ cá nhân với lợi ích chung dưới bối cảnh chính trị vô cùng căng thẳng.
Lấy bối cảnh là thập niên 80 tại Hàn, Săn Lùng theo chân đặc vụ Park Pyeong Ho (Lee Jung Jae) và Kim Jung Do (Jung Woo Sung) đang truy tìm tên gián điệp nguy hiểm đến từ Bắc Triều Tiên. Pyeong Ho là chỉ huy đơn vị đối ngoại, Jung Do là chỉ huy đơn vị nội địa. Cả hai như sừng với mỏ, là địch thủ ngang tài ngang sức với tính cách khác nhau cũng như phương pháp điều tra khác nhau. Điểm hay là trong quá trình thu thập thông tin, họ từng bước phát hiện được mục đích sâu thẳm của đối phương.
Hầu hết suốt thời lượng phim là bầu không khí căng thẳng đến nghẹt thở khi hai đặc vụ chính của Cơ quan Tình báo Hàn Quốc bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau. Ở Lee Jung Jae thể hiện được một đặc vụ nghiêm túc, tỉ mỉ và dứt khoát, còn ở Jung Woo Sung, tác phẩm tạo ra cho nhân vật Kim Jung Do nét tính cách mạnh mẽ xen lẫn sự tàn nhẫn. Cùng một mục tiêu bảo vệ tổng thống và tìm ra kẻ nội gián, thế nhưng những bí mật trong quá khứ, những kỳ vọng ở tương lai là yếu tố quyết định số phận của hai người. Diễn xuất của dàn diễn viên chính là điểm cộng lớn nhất khi để các diễn viên gạo cội nắm vai, mọi sắc thái cùng hành động của họ đều hết sức thuyết phục trong mọi cảnh quay.
Về mặt hình ảnh, dưới góc độ của một bộ phim khai thác bối cảnh những năm 80 thì màu phim chính xác đã khắc họa khá rõ giai đoạn này, tông màu xanh lạnh, u ám, mang đầy mùi vị của chiến tranh, của bạo loạn. Tuy nhiên, âm thanh của phim chủ yếu là tiếng súng, tiếng động mạnh như những phân cảnh biểu tình, tra tấn, khách quan mà nói, những âm thanh này chưa đủ gây ấn tượng nhưng lại được lạm dụng quá nhiều dẫn đến mất hiệu quả. Dù là phim hư cấu, Săn Lùng lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật như phong trào dân chủ Gwangju, vụ đánh bom Rangoon và vụ đào tẩu nổi tiếng của phi công Lee Woong Pyong. Sự căng thẳng giữa Nam-Bắc Hàn lúc bấy giờ thực sự đã được lột tả rõ nét. Chỉ cần bị nghi ngờ là gián điệp hay cộng sản, một người vô tội sẽ bị lột trần, tra tấn, đánh đập dã man.
Điểm khó tiếp thu của phim có lẽ là nó quá thuần chính trị, nên có thể khán giả Việt sẽ chưa thể có trải nghiệm mượt mà khi chưa từng tiếp cận lịch sử Hàn, việc này khiến người xem cảm thấy khó để nắm bắt nội dung. Một phần cũng là vì phim nhồi nhét quá nhiều tuyến truyện một cách không logic làm người xem đôi lúc không thể kịp thấm cũng như cảm nhận rõ vì phải liên tục xử lí, tiếp nhận thông tin từ phim, dẫn đến lùng bùng trước những âm mưu. Do đó, cộng thêm với phần âm thanh được triển khai chưa hiệu quả, bộ phim đôi lúc làm người xem cảm thấy khá nặng nề vì trở thành một mớ hỗn độn của các cuộc truy đuổi, biểu tình, tra tấn, giết chóc.
Những phân cảnh hành động vẫn chưa đủ chân thật và sống động, các màn đọ súng cũng còn sơ sài và kĩ xảo còn khá lạc hậu nên vẫn chưa đủ tính thuyết phục. Tuy thế, với kịch bản có sẵn nhiều nguyên liệu để biến thành một bộ phim đậm chất chính trị, Săn Lùng vẫn có màu sắc khác biệt bởi tập trung khai thác tâm lý nhân vật qua màn đấu trí cùng những pha hành động quyết liệt, màn đồng hành của hai đối thủ này cũng đem đến những thông điệp hết sức rõ ràng và mang tính hiện thực cao.
Việc Săn Lùng trở thành bộ phim được công chiếu tại hạng mục Midnight ở Cannes và trở thành đề tài được bàn tán xôn xao từ giới phê bình khắp mọi nơi có xứng đáng hay không thì bạn hãy thử mua vé và cảm nhận nhé!