Siêu Quậy Có Bầu là câu chuyện về Đỗ Hạ An (Han Sara), có thành tích học tập đáng nể nhưng đồng thời cũng được mệnh danh là “siêu quậy học đường”. Có một ngày, Hạ An sa vào lưới tình và phát hiện mình dính bầu. Hạ An bị nhà trường phát hiện và đuổi học, gia đình từ chối, bạn bè miệt thị, tất cả dồn ép cô vào ngõ cụt để rồi nảy ra ý định tự kết liễu đời mình.
Ấy ấy, đừng vội để tóm tắt của bộ phim đánh lừa. Sở hữu nội dung hoành tráng và “đen tối” như thế nhưng Siêu Quậy Có Bầu là bộ phim học đường tươi sáng, đơn giản và nhạt nhòa đến không ngờ.
Với ý tưởng “mang bầu ở lứa tuổi học sinh”, đây hoàn toàn có thể là chủ đề cho một bộ phim rất cảm động, nhân văn và cho thấy thực tế khắc nghiệt của nền giáo dục luôn tránh né chuyện giới tính và tình dục. Thế nhưng, có lẽ đạo diễn Nguyễn Quốc Duy vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc truyền tải nên Siêu Quậy Có Bầu cuối cùng trở thành bộ phim chỉ khiến người ta muốn ngủ gục tại rạp nếu không có cặp đôi “tấu hài” Thanh Thúy – Đức Thịnh cứu vớt. Phần vì mặt nội dung của phim ôm đồm quá nhiều cốt truyện phụ (subplot) bên cạnh cốt truyện chính, nhưng thời lượng lại không đủ để thể hiện tròn trịa tất cả các cốt truyện phụ này cho thật hay và chỉn chu mà chỉ đơn giản cắt cảnh, liệt kê sự kiện và hợp lý hóa hành động nhân vật mà không được giải quyết. Cuối cùng thì các nhân vật đến lúc hết phim rồi không có sự phát triển nào đáng chú ý và nổi bật. Cũng bởi nhân vật được phát triển kém nên các cảnh cảm xúc thay vì làm người xem phải cảm động thì cuối cùng chỉ khiến họ muốn lăn ra “ngáy khò khò”. Phim có rất nhiều cảnh chẳng hiểu được thêm vào để làm gì bởi góp phần làm rõ cốt truyện phụ cũng không mà làm rõ cốt truyện chính cũng không.
Nếu thường xuyên xem các phim học đường của Mỹ, Anh, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc… hẳn bạn sẽ bắt gặp cách thể hiện của Siêu Quậy Có Bầu được cóp nhặt từ rất nhiều bộ phim khác của nước ngoài, tuy nhiên không có sự thay đổi cho hợp bối cảnh Việt Nam, vì thế mà những trò đùa quậy phá và sự dung túng cho các hành vi thiếu tôn trọng thầy cô của lứa tuổi học trò trong phim trở nên xa lạ và không thể kết nối được với khán giả, những người cũng đã từng trải qua cái thời “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” như các nhân vật. Bối cảnh trường Ánh Dương của Siêu Quậy Có Bầu thành ra trông như một cái chợ không hơn không kém.
Điểm sáng duy nhất của phim là cặp đôi Thanh Thúy – Đức Thịnh khá ăn ý trong việc tạo tiếng cười hài hước cho bộ phim. Tuy nhiên, việc xây dựng 2 nhân vật lại không cân bằng trong chiều sâu. Thầy Đức của Đức Thịnh được khắc họa tốt và có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và dẫn dắt Hạ An. Cô Hảo của Thanh Thúy, ngược lại, khá nhạt nhòa và vớ vẩn với hình tượng ế chồng, chuyên mặc đồ tím và khó khăn với những chuyện không đâu của học trò. Không khó để nhận ra cô Hảo có nét tương đồng với Sue Sylvester trong phim truyền hình Glee, nhưng cách thể hiện kém hơn. Nhân vật này gần như không có chức năng gì nổi bật ngoài việc được thêm vào để chọc cười khán giả và cách diễn quá “sân khấu” của Thanh Thúy có lẽ chỉ phù hợp nếu Siêu Quậy Có Bầu thuộc thể loại phim sitcom dài tập. Tuy vậy, một lần nữa, may mắn là có mặt nhân vật Đức vì những đoạn tương tác giữa thầy Đức và cô Hảo giúp bộ phim tạo được những tràng cười chân thật từ khán giả.
Đỗ An vai thầy Phong lại diễn xuất lên xuống quá thất thường. Cảnh trước vừa khen anh thể hiện tốt cảm xúc nổi giận hoặc tính cách khó khăn của nhân vật, cảnh sau anh đã khiến người xem muốn… “tụt huyết áp” với phong cách diễn các cảnh đau khổ hoặc rơi lệ trông như... “cá mắc cạn”. Những tưởng thầy Phong sẽ có nhiệm vụ nào đấy đặc biệt như thầy Đức trong việc giúp Hạ An tìm được ánh sáng cuối đường hầm, nhưng cuối cùng thì thầy có mặt cũng chỉ để… “làm cảnh”. Nếu bỏ cảnh 2 thầy trò “quắp nhau trên xe mô tô” đi chơi và kéo dài thời lượng thì phim hoàn toàn có thể để thầy Đức làm nhiệm vụ cân bằng lại cảm xúc cho Hạ An, thể hiện được đúng hình ảnh thầy trò gần gũi và tạo nên sự ấm áp trong lòng khán giả. Thay vì khai thác quá khứ của thầy Đức, phim quyết định khai thác quá khứ của một nhân vật thật sự không cần thiết phải có mặt như thầy Phong. Ngoại trừ nhân vật chính Hạ An của Han Sara, các nhân vật khác không có gì đáng nói bởi không quá xuất sắc nhưng cũng không đến nỗi quá tệ, mặc dù mức độ thừa thãi và nhạt nhòa do dẫn dắt cốt truyện phụ kém cũng chẳng kém thầy Phong (phim còn có sự xuất hiện vô duyên của một nhân vật không tên không tuổi do Củ Tỏi thể hiện).
Phim có quá nhiều đoạn thoại làm khán giả cảm tưởng như đang… tuyên truyền “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bởi nghe như sao chép y nguyên từ các tờ rơi giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản dành cho thanh thiếu niên. Thêm vào đó là kết thúc của phim đã phá hỏng toàn bộ ý nghĩa và thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải và làm tiêu tan chút giá trị còn sót lại đến từ ý tưởng của chính nó.
Còn quá nhiều khiếm khuyết để nói tới, nhưng có lẽ chỉ bấy nhiêu đây đã đủ kết luận: Siêu Quậy Có Bầu đã để “thủng lưới nhà” với chất lượng khiến người yêu điện ảnh Việt Nam chỉ muốn khóc ròng.