Song Song là bộ phim Việt đầu tiên chào sân trong dịp tháng 4 khi các rạp đang trong không khí vô cùng nhộn nhịp này. Bộ phim thuộc thể loại ly kỳ, viễn tưởng và tâm lý do đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng chỉ đạo, người từng khá thành công với Ống Kính Sát Nhân, một bộ phim tâm lý tội phạm và điều tra.
Phim dựa trên nguyên tác bộ phim điện ảnh Mirage của đất nước Tây Ban Nha, lấy hiệu ứng cánh bướm để dẫn dắt cốt truyện chính của phim. Chỉ cần một tác động nhỏ cũng dẫn đến những kết quả khôn lường, đó là diễn biến đáng quan tâm khi một cô gái ở tương lai nỗ lực cứu mạng một đứa trẻ sống cách mình 20 năm.
Trong quá trình công bố dự án, Song Song đã nhận được khá nhiều sự chú ý và quan tâm đến từ khán giả. Bên cạnh đó, bộ phim còn đánh dấu sự trở lại của nữ diễn viên Nhã Phương sau một thời gian dài vắng bóng trên màn ảnh và sự góp mặt đáng mong đợi của dàn diễn viên như Trương Thế Vinh, Tiến Luật, Khương Ngọc...
Song Song bắt đầu bởi một tai nạn đáng tiếc của Phong (Thuận Phát), khi cậu bé vô tình phát hiện người hàng xóm là chú Sơn (Tiến Luật) đang sát hại người vợ tại nhà, Phong đã chứng kiến vụ việc, sau đó bỏ chạy và bị xe tải đụng phải.
20 năm sau, một y tá là Trang (Nhã Phương) cùng người chồng là Quân (Trương Thế Vinh) và đứa con gái Cún (Bảo Tiên) dọn vào ở đúng căn nhà của Phong. Vào một ngày nọ, khi cơn bão Sam tương tự như 20 năm trước đổ bộ vào Việt Nam, Trang vô tình kết nối và liên lạc được với cậu bé Phong qua chiếc máy quay và cái tivi cũ kỹ.
Chiếc TV này chính là lỗ hổng thời gian để cho quá khứ và tương lai có thể gặp nhau được tại một thời điểm. Đó là lý do vì sao Trang đã có thể liên lạc và cứu mạng cậu bé Phong. Nhưng một câu chuyện không may mắn khác lại diễn ra với cuộc đời của người mẹ tốt bụng này, cuộc sống hiện tại của Trang hoàn toàn bị đảo lộn, để cứu cậu bé 20 năm trước cô phải đánh đổi bằng gia đình hạnh phúc hiện có của mình. Một lần nữa, cô muốn tìm cách thay đổi thực tại này.
Điều đầu tiên ấn tượng với khán giả nhất chắc hẳn là diễn xuất của nữ diễn viên chính của phim, nhưng không phải hướng tích cực mà là hoàn toàn ngược lại.
Nhân vật Trang là một người mẹ rất mực yêu thương con gái, vừa hoảng loạn tinh thần vì cuộc sống đảo lộn, vừa phải tự mình đi tìm kiếm sự thật mọi việc. Đây là một nhân vật cần sự bí hiểm và gai góc, nhưng tất cả các phân cảnh Nhã Phương dường như chỉ có một cách biểu cảm duy nhất, hoặc là cười mỉm khi vui và nhăn mày khi buồn bã khi tức giận.
Nhân vật nữ chính là người dẫn dắt câu chuyện và đóng vai trò chính, nhưng dường như sức ép này quá lớn so với diễn xuất có hạn của Nhã Phương, cô không thể bộc lộ những tâm lý phức tạp của nhân vật, khiến người xem khó có thể nào đồng cảm được.
Khương Ngọc thế mạnh vốn là những vai nhà khoa học có pha chút điên loạn và kỳ quặc đặc trưng của phim Việt, trong đây nhân vật của anh lại khá nhạt nhòa và không giúp ích gì cho tuyến phim chính.
Nhưng phải dành một ít lời khen cho Tiến Luật, khi anh đã không xuất hiện với nhiệm vụ mang tiếng cười cho phim mà là một tên sát nhân phản diện, sự xuất hiện của Sơn khiến người xem đôi lúc lạnh gáy, nhưng thời lượng dành cho nhân vật này và những tình tiết vụ án mạng được diễn ra khá qua loa và nhanh chóng.
Bối cảnh phim được quay tại Đà Lạt, câu chuyện đang xảy ra giữa tâm bão nên hình ảnh phim đi theo phong cách màu tối và xám xịt, mở màn khiến người xem hào hứng để chờ đợi tiếp những sự việc tiếp theo diễn ra.
Nhưng càng về sau, màu phim càng lúc càng ảm đạm dần, cố gắng để tạo nên không khí u ám và đáng sợ, nhưng đây lại là một sai lầm của Song Song, đôi lúc màu phim quá tối khiến khán giả càng phải “căng mắt” xác nhận xem đâu là cảnh vật đâu là con người đang biểu lộ cảm xúc. Chưa kể, màu phim thay đổi xoành xoạch, lúc thì quá tối lúc thì quá sáng (khi quay ngược dòng thời gian về lại thời thanh xuân của nữ chính), khiến người xem khó tập trung theo dõi và rất dễ bị cắt ngang mạch cảm xúc.
Kịch bản của Song Song được sáng tạo lại khá nhiều so với Mirage, nhưng đây lại là một sự sáng tạo sai lầm và vô cùng vụng về. Một bộ phim hội tụ nhiều yếu tố từ viễn tưởng, khoa học đến tâm lý tình cảm, nhưng cuối cùng lại không khắc họa được một yếu tố nào rõ ràng nhất định để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người xem.
Đặc biệt nhất trong khâu “làm lại”, có thể nói biên kịch đã làm cho các nhân vật của mình trở nên đầy phi lý, không thể giúp khán giả thấu hiểu và đồng cảm được. Những suy nghĩ của các nhân vật cực kỳ ngô nghê, tư duy không hề logic dẫn đến những hành động khó hiểu, khiến khán giả càng xem càng bối rối không biết chuyện gì đang xảy ra trên màn ảnh. Nếu như không coi trước Mirage, người viết cũng chẳng thể hiểu nổi Song Song đang muốn truyền tải điều gì trên màn ảnh.
Một vấn đề muôn thuở của phim Việt đó là lời thoại. Những câu thoại trong Song Song có vẻ được dịch khá là “bài vở”, nghe rất thiếu tự nhiên. Nhất là phân cảnh trong phòng tạm giam, cuộc trò chuyện giữa Trang và thanh tra với những lời thoại đầy sáo rỗng nhưng lại vận dụng cách lia máy quay cận mặt ở đây nhằm mang đến sự kịch tính cho bộ phim. Những phân đoạn cần nghiêm túc và lý giải câu chuyện để khán giả có thể dễ theo dõi thì những câu thoại xuất hiện lại không thể nào buồn cười hơn.
Cú plot-twist người viết ưng ý nhất trong bản Mirage là sự xuất hiện của cậu bé 20 năm trước với phiên bản trưởng thành, tạo nên những bất ngờ và thú vị cho khán giả. Còn với Song Song, sự xuất hiện của Phong lại khiến khán giả ngao ngán với hơn 1 phút dài của câu chuyện “ngôn tình” được cài cắm không thích hợp lúc này. Đáng lẽ đây phải là một trong những cảnh đắt giá nhất của phim, lại được đạo diễn truyền tải khá vụng về và thất bại.
Nếu phải chọn một điểm đáng khen của Song Song, chắc hẳn là phần OST của phim, khi ca khúc của Cá Hồi Hoang vang lên ít nhiều đã đem lại cảm xúc cho khán giả. Những kỹ xảo hình ảnh để diễn đạt sự giao thoa giữa hai dòng thời gian cũng được đầu tư khá chỉn chu và kỹ lưỡng, phim Việt cũng đã đến lúc có được những kỹ xảo đẹp đáng xem như này. Thứ chúng ta thiếu ở Song Song là một câu chuyện có logic để giúp khán giả hiểu và cảm nhận được nhiều thông điệp sâu sắc hơn.
Bên cạnh lý thuyết hiệu ứng cánh bướm và những sự việc luân hồi nhân quả của cuộc sống. Song Song cũng thêm thắt vào những yếu tố tình cảm gia đình và vấn đề hôn nhân trong xã hội hiện nay.
Nhưng có lẽ do khả năng diễn xuất hạn hẹp của diễn viên và cách biên kịch “gọt bớt” làm lại tình tiết diễn biến câu chuyện đã làm yếu tố cảm xúc của phim chưa thật sự bùng nổ và lướt qua một cách nhanh chóng, không đọng lại gì trong lòng người xem.
Nếu đã từng xem qua phiên bản gốc Mirage thì Song Song là một bộ phim “làm lại” khá nhạt nhòa và thiếu thuyết phục người xem. Còn chưa từng xem qua bản gốc, Song Song có thể được xem là một dòng phim khá mới lạ của điện ảnh Việt, dám dấn thân và khai thác những chủ đề mới lạ hơn, một sự nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng đừng kỳ vọng quá nhiều.