Soul: Cuộc Sống Nhiệm Màu là bộ phim thứ hai, cũng như là bộ phim cuối cùng của Pixar trong năm 2020. Soul nối tiếp Onward ra mắt hồi đầu năm, một bộ phim phiêu lưu đơn thuần nhưng lại xoay quanh một câu chuyện rất mang tính cá nhân của vị đạo diễn Dan Scanlon.
Soul: Cuộc Sống Nhiệm Màu, do Pete Docter làm đạo diễn và biên kịch là Kemp Powers, lại mang trong mình một chủ đề rộng lớn hơn với những triết lý hiện sinh và câu chuyện xoay quanh sự sống cũng như cái chết, thế nhưng điều đọng lại đối với người xem sau Soul là nó gợi nhắc họ về những khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống, điều khiến chúng ta cảm thấy yêu quý thế gian này hơn bao giờ hết.
Nội dung của Soul: Cuộc Sống Nhiệm Màu xoay quanh Joe Gardner, một giáo viên trường trung học tại thành phố New York sầm uất và nhộn nhịp. Ông ấp ủ một tình yêu mãnh liệt dành cho nhạc jazz. Tuy nhiên, Joe chưa kịp thực hiện được ước mơ của mình thì một tai nạn trớ trêu vô tình đã tách rời linh hồn và thể xác của ông.
Linh hồn của Joe tỉnh dậy tại một trung tâm nơi những linh hồn khác đang rèn luyện chuẩn bị cho một kiếp người mới, và ông lại bất đắc dĩ trở thành người tư vấn cho số 22, một linh hồn đã tồn tại từ rất lâu nhưng lại không muốn trở thành một người sinh sống trên Trái Đất.
Ý tưởng của Soul: Cuộc Sống Nhiệm Màu bắt nguồn từ khoảng hơn 20 năm về trước, khi đạo diễn Pete Docter đang bồng trên tay đứa con vừa mới ra đời của ông và đặt ra câu hỏi rằng: “Liệu mỗi chúng ta khi sinh ra đều đã mang trong mình một tính cách nhất định?”. Thế nhưng điều khiến Soul đặc biệt hơn cả chính là đây là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Pixar có nhân vật chính là người da đen.
Hãy nhớ lại cơn sốt Black Panther khi mọi người trên thế giới được chứng kiến một vương quốc của người da đen ở châu Phi với sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật, điều tương tự cũng có thể áp dụng khi khán giả nghe thấy nhân vật chính Joe Gardner dùng cách nói chuyện kiểu “anh em” với những nhân vật khác cùng màu da trong một bộ phim hoạt hình của Pixar.
Tính đại diện cho cộng đồng người da đen không chỉ dừng lại ở đó mà còn qua những yếu tố văn hóa xã hội khác, như tiệm hớt tóc ở New York, nơi có sự góp mặt của một nhân vật da đen có hình xăm, và nhân tố quan trọng của bộ phim cũng như là niềm đam mê của Joe: nhạc Jazz, hay còn gọi là nhạc ứng biến của người da đen (Black Improvisational Music).
Có thể thấy Soul: Cuộc Sống Nhiệm Màu thật sự là một quá trình sáng tạo và hợp tác giữa đạo diễn Pete Docter (người đứng đằng sau những bộ phim nổi bật nhất của Pixar gồm Monster Inc., Up và Inside Out) và Kemp Powers (người trước đây từng là một nhà viết kịch sân khấu) với hai thế giới khác nhau: Trái Đất đại diện cho Kemp Powers, người đã dùng những trải nghiệm ở đời thật của mình với tư cách là một người da đen để góp phần tạo nên nhân vật Joe Gardner và một thành phố New York đầy sự đa đạng; Cõi Trước và Cõi Sau (The Great Before và The Great Beyond) đại diện cho Pete Docter, người thực hiện bộ phim này để đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của ông xoay quanh linh hồn của con người.
Mặc dù thế giới với sự hiện diện của những nhân vật màu xanh dễ thương chưa thực sự truyền cảm hứng cho người viết, bởi những ý nghĩa mà Soul muốn nói đến về tính cách con người chưa thật sự rõ ràng ở đây. Ngoài ra, có những tình tiết xảy ra ở Cõi Trước/Sau khiến người xem cảm thấy hơi khiên cưỡng.
Thế nhưng nói như thế không có nghĩa là người xem sẽ không cảm thấy hấp dẫn bởi thế giới này, một phần do định hướng sáng tạo và nghệ thuật ấn tượng của Pixar, cũng như phần nhạc nền của Trent Reznor và Atticus Ross (cặp đôi nhà soạn nhạc nổi tiếng của The Social Network) đã dịch chuyển khán giả đến một thế giới nằm ngoài sự hiểu biết của người thường.
Không quá khi nói rằng những phân cảnh hay nhất của Soul đều nằm ở Trái Đất, nơi là cầu nối và điểm giao nhau trong câu chuyện của số 22 và Joe, một người không biết được mục đích cuộc sống là gì còn một người thì chưa kịp hoàn thành mục đích đó. Với một kịch bản tương đối thông minh, Soul đã xây dựng những tình tiết giúp hai nhân vật thay nhau phát hiện ra những điều mới mẻ mà trước giờ họ chưa từng nghĩ tới. Đan xen giữa những tiếng cười là nỗi buồn với những sự thất vọng mà chúng ta thường phải trải qua trong cuộc sống, được Pixar tái hiện lại qua việc dàn dựng những cảnh phim một cách tài tình.
Những bản nhạc Jazz do Jon Batiste sáng tác, kết hợp với phần nhạc nền của Reznor và Ross, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt cảm xúc người xem vào những cảnh phim hay nhất, nơi mà thời gian ở Trái Đất như dừng lại và chúng ta được cảm nhận một điều gì đó vô cùng đẹp đẽ.
Đây là lúc mà nhân vật và khán giả thật sự chạm được tới những giá trị đích thực trong cuộc sống, với một cái kết chứa đựng lời nhắn nhủ từ những nhà làm phim mà hi vọng người xem sẽ nhận ra được:
"Hãy sẵn sàng đi, cuộc sống của bạn vừa mới chuẩn bị bắt đầu thôi!"